Đêm đen đang trùm lên nước Nga. Vladimir Putin không chỉ tái đắc cử Tổng thống hôm thứ Bảy, giành 77% phiếu bầu trong một cuộc bầu cử sắp đặt. Ông ta đã thu vén thành công toàn bộ quyền lực vào tay mình và trở thành một Sa Hoàng hiện đại. Putin cũng đã đặt nước Nga trên một con đường xung khắc với phương Tây, một lộ trình đã được chứng minh sẽ mang đến thảm họa.

Embed from Getty Images

Ông Putin xuất hiện trước người ủng hộ sau khi thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ 4

Một quan sát sắc đối với hồ sơ và những tuyên bố của Putin tiết lộ ra một người đàn ông bị mê hoặc bởi tham vọng tái tạo nhà nước toàn trị, mở rộng biên giới và khôi phục ánh hào quang quá khứ của Đất Mẹ Nga.

Ông Putin đã dập tắt mầm mống của dân chủ khi nó vừa chớm nở tại Nga thời hậu Xô-Viết trong những năm 1990 và không chấp nhận bất đồng ý kiến. Những người phê phán ông – bao gồm nhà báo, thương nhân, chính trị gia hoặc bất cứ ai – đều biến mất hoặc chết.

Nạn nhân gần nhất là Sergei Skripal. Điệp viên Nga này đã trở mặt và trở thành điệp vụ hai mang làm việc cho phương Tây. Nhưng vì phản bội Putin, Skripal và con gái của ông ta đã bị đầu độc nghiêm trọng tại Anh bằng một loại chất độc thần kinh quân đội vốn được Nga phát triển. Thủ tướng Anh Theresa May quả quyết rằng Nga đứng sau vụ ám sát này. Bà May thậm chí còn tin rằng Moscow đứng đằng sau nhiều vụ ám sát đối thủ của Putin trên đất Anh, và ra lệnh trục xuất 23 quan chức ngoại giao Nga khỏi Anh.

Trong khi đó, Putin cũng dập tắt hy vọng về một nền kinh tế thị trường tự do đang bắt đầu trỗi dậy sau khi đế chế Liên Xô sụp đổ. Nền kinh tế tập trung của Nga khiến người dân nghẹt thở. Tỷ lệ nghèo đói cao. Số lượng người chết vì rượu và ma túy nhiều đến khó tin. Một phần tư người Nga chết trước tuổi 55. Tỷ lệ sinh ở Nga thì đang thấp và số lượng trẻ em sinh ra không bù đắp được số lượng người chết đi. Tại sao? Bởi họ không có hy vọng.

“Nay Putin đã hoàn thành cuộc chơi tái cử, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng ông ta sẽ trở nên hung hăng hơn – giết người chỉ trích hay thậm chí xâm lược một quốc gia khác”.

Nhưng nếu sinh mạng người thật nhỏ bé tại Nga thời hậu Liên Xô thì tại sao Putin lại được lòng dân như vậy? Và các lãnh đạo ở Washington cần làm gì để đối phó với mối đe dọa hiện hữu và đang tăng lên mà Putin gây ra cho Mỹ cùng đồng minh của chúng ta?

Tại sao Putin được ưa chuộng?

Năm 1999, Tổng thống Nga Boris Yeltsin chỉ định Putin làm thủ tướng. Rất nhiều người Nga khi đó còn không biết Putin là ai. Chỉ có 2% cử tri ủng hộ Putin là người kế nhiệm Yeltsin. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, tỷ lệ ủng hộ Putin tăng chóng mặt lên tới hơn 80%. Khi Yeltsin chính thức từ chức Tổng thống, Putin dễ dàng bước lên tiếp quản Điện Kremlin.

Làm thế nào Putin lại có được sự ủng hộ khổng lồ như vậy chỉ sau một đêm? Bằng cách xâm lược Chechnya. Ông ta đã cáo buộc người Chechnya là thủ phạm gây là một chuỗi các vụ ném bom kinh khủng vào nhà dân (mà không có bằng chứng). Sau đó ông ta bỏ bom Grozny, thủ đô của Chechnya, tới mức gần như bị hủy diệt. Người Nga đã chứng kiến và kết luận Putin là một lãnh đạo mạnh mà họ cần để được bảo vệ an toàn.

Có những lúc tỷ lệ ủng hộ Putin giảm từ hơn 80% xuống khoảng 60% và ông ta tức điên lên. Ông ta tuyên bố rằng sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”. Ông ta càu nhàu rằng “hàng chục triệu người, cũng là đồng bào và nhân dân của chúng ta phải lay lắt ở bên ngoài biên giới Nga”.

Sau đó, vào mùa hè năm 2008, Putin và người được ông ta đỡ đầu, Dmitri Medvedev ra lệnh cho quân Nga xâm lược Cộng hòa Georgia. Kết quả Nga chiếm được 20% đất của Georgia và tỷ lệ ủng hộ ông Putin lại tăng lên 88%.

Tua nhanh tới năm 2011 và 2012 khi người Nga tràn ra đường biểu tình chống chính phủ tham nhũng và nền kinh tế èo ọt. Tỷ lệ ủng hộ đối với Putin lại sụt giảm, xuống còn 61%. Tổng thống Nga lại ra lệnh cho quân đội chiếm đóng phía đông và nam Ukraine. Ngày 18/3/2014, Putin chính thức sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của Nga. Tỷ lệ ủng hộ ông ta lại dâng lên 83%.

Năm kế tiếp, Putin cho quân tới Syria. Cùng với Tổng thống Bashar al-Assad, các thủ lĩnh Hồi giáo tại Iran và quân khủng bố Hezbollah, Putin đứng đằng sau cái chết của hàng ngàn thường dân bị mắc kẹt giữa những làn đạn. Hàng triệu người Syria phải bỏ nhà cửa, liều mình vượt biển để tới Châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã trở lại vị thế siêu cường trên bàn cờ thế giới, và thời điểm cho cuộc bầu cử kế tiếp cũng vừa tới.

Putin thắng cử – thậm chí là một cuộc bầu cử có sắp đặt – không phải bởi vì ông ta giúp cuộc sống của người dân thường trở nên tốt đẹp hơn và vì thế được lòng họ. Đối với những người sẵn sàng bỏ phiếu cho ông ta, đó là bởi vì Putin làm thỏa mãn được cái cái tự mãn sâu thẳm trong linh hồn của người Nga. Putin tạo ra khủng hoảng, cho quân Nga tới chiến trường, tiêu diệt đối thủ, tuyên bố chiến thắng và người Nga có cái gì đó để tự hào.

Washington nên phản ứng như thế nào?

Đối mặt với thách thức nghiêm trọng và ngày càng lớn hơn này, Tổng thống Mỹ gần như đã hoàn toàn im lặng đối với nhà độc tài nguy hiểm nhất hành tinh. Ông Trump chỉ nhắc đến Nga một lần trong Thông Điệp Liên Bang. Ông hiếm khi đăng tweet chỉ trích lãnh đạo Nga. Trên thực tế, ông Trump còn hay chỉ trích Tổng Chưởng lý Jeff Sessions hơn là Putin.

Nay Putin đã hoàn thành cuộc chơi tái cử, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng ông ta sẽ trở nên hung hăng hơn – giết người chỉ trích hay thậm chí xâm lược một quốc gia khác.

Do đó, bây giờ là lúc Tổng thống Trump phải áp đặt trừng phạt – và nặng hơn nhiều – đối với các quan chức và giới đầu sỏ chính trị Nga để trừng phạt tội ác của họ và ngăn cản các tội ác mới. Động thái mà ông Trump thông qua hồi tuần trước là một bước đi đúng hướng, nhưng không đủ.

Bám sát dòng tiền của mạng lưới thân tín của Putin. Đóng băng tài sản. Đảm bảo những người này không thể sử dụng tiền từ các ngân hàng Mỹ và châu Âu. Ra lệnh cấm các trùm tội phạm Nga tới Mỹ và các quốc gia NATO. Tóm lại: đánh những người Nga này ở nơi họ đau nhất, vào ví tiền của họ.

Ông Trump cũng có một kế hoạch toàn diện để đối phó với các mối đe dọa từ quân đội, tình báo và tấn công mạng của Nga. Quân đội Mỹ, Nato phải được củng cố và tăng cường sức mạnh tại vùng Baltic, khu vực mà hiện nay được phòng thủ quá mỏng và vì thế dễ tổn thương trước cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.

Trong khi đó, Mỹ, Anh và các thành viên khác của NATO phải nhanh chóng thảo luận và cùng nhau thực thi các chiến lược đối phó.

Đêm đen đang phủ lên nước Nga. Một Sa Hoàng hiểm ác, thù địch Mỹ đang ngồi trên ngai vàng của Điện Kremlin, mưu tính bước đi kế tiếp. Chỉ có sự lãnh đạo kiên quyết của Mỹ, hiệp đồng cùng với đồng minh, chúng ta mới có thể ngăn chặn được ông ta. Và ta phải ngăn chặn ông ta.

Tác giả: Joel C. Rosenger, tiểu thuyết gia bán chạy nhất trên New York Times. Tác phẩm mới nhất của ông là “Thuyết âm mưu Điện Kremlin”. 

Trọng Đức dịch và biên tập

Xem thêm: