Tôi 48 tuổi – cái tuổi có thể coi như… hết “đát” với không ít người, là kẻ mới nhập cư, da vàng, nói tiếng Anh theo kiểu… người Lào nói tiếng Ý. Công ăn việc làm cũng ở mức đang hòa nhập. Tóm lại có thể coi như tầng lớp thấp của xã hội.

Dịch virus Vũ Hán ập tới, nhanh một cách khủng khiếp. Thành phố “đóng cửa”. Công ty cũng phải “đóng” theo. Ngày tháng phía trước dài thăm thẳm. Người ta nói, ở Mỹ mà thất nghiệp coi như… chết. Bao nhiêu khoản “nợ nần”.

Nhưng…

dong tien my nu than tu do 1
Tượng Nữ thần Tự do trên đồng xu 1 đô la Mỹ. (Ảnh: Deacons docs/Shutterstock)

Các ngân hàng, bảo hiểm, cùng các dịch vụ, lần lượt gởi email thông báo: Trong đại dịch, chúng tôi có chính sách không thâu tiền của quý khách trong vòng ít nhất 2 tháng tới. Nếu quý khách khó khăn, không thể đóng tiền, chúng tôi sẽ ngừng thâu, hoặc trả lại quý khách, nếu lỡ thâu (họ cài đặt thâu tiền tự động, cứ đến ngày là rút tiền từ tài khoản). Số tiền cần trả sẽ được lui lại cho đến hết dịch.

Và các khoản chu cấp khác, đồng loạt được kích hoạt.

Đầu tiên, đó là khoản tiền do chính mình “bỏ ống heo”, nói nôm na vậy, cho dễ hình dung. Đây là khoản tiền những người đi làm bắt buộc phải đóng hàng tháng, mỗi tháng một vài phần trăm lương, để khi về hưu sẽ rút ra xài. Tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp, “ống heo” ngay lập tức được mở, mình có quyền rút ngược ra xài. Khoản này, mỗi người được lãnh khoảng 300-500 đô/tuần- tức 1.200 đô đến 2.000 đô mỗi tháng. Cho đến khi tiền bỏ ống heo hết.

Khoản tiếp theo là trợ cấp thất nghiệp. Đây là khoản tiền do chính phủ mở ngân quỹ, chia đều cho những người đang đi làm bỗng nhiên bị ngừng việc. Khoản này mọi người đều được lãnh 600 đô/tuần – tức 2.400 đô/tháng. Thời hạn 4 tháng.

Khoản thứ ba là gói trợ cấp hỗ trợ từ liên bang, mà mấy ngày qua bà con “khoe” hà rầm. Đợt đầu, mỗi người đi làm có lương dưới 100 ngàn đô mỗi năm sẽ được lãnh 1.200 đô, trẻ em được lãnh 500 đô. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, sẽ có các đợt tiếp theo.

Tính ra, một thằng “lơ ngơ” như mình, mỗi tháng lãnh ít nhất 5.200 đô trong dịch bệnh này, trừ thuế, số tiền thực lãnh khoảng hơn 4.000 đô/tháng. Với mức sống, giá cả thị trường, mỗi tháng một người có con thường phải chi dụng khoảng hơn 2.000 đô.

Và điều cần nói ở đây, khoản tiền mà chính phủ trả cho dân chúng trên đây là tiền có sẵn trong ngân khố quốc gia, có hàng hóa “bảo chứng” tương đương, chớ không phải tiền… in thêm. Nói cụ thể hơn, khi anh tung ra thị trường 5 đồng thì trong siêu thị phải có 1 ký thịt heo – lúc ấy ký thịt heo sẽ có giá 5 đồng. Còn nếu anh tung ra 500 đồng, mà trong siêu thị cũng chỉ có 1 ký thịt heo, nghĩa là ký thịt heo ấy sẽ có giá 500 đồng. Rất nhiều chính phủ chỉ biết in thêm tiền, để tăng lương, để trả cho người lao động, nhưng thực chất số lượng hàng hóa đối ứng lại không có, điều đó dẫn đến sự trượt giá, đồng tiền càng in ra mà càng không có hàng thì nó sẽ biến thành giấy lộn, còn tốn kém thêm khoản in ấn. Bởi vậy, ở nhiều quốc gia, đừng thấy tăng lương mà mừng, bởi giá cả thị trường sẽ “đua” theo.

Mục đích kế theo của việc tung tiền ra thị trường là nó kích thích tiêu dùng. Tạm hình dung, dòng tiền khi chưa có dịch đang luân chuyển, vận tốc luân chuyển càng nhanh, nền kinh tế càng phát triển. Sản xuất tiêu dùng đều có lợi. Bỗng nhiên dịch bệnh xảy ra, dòng luân chuyển này bị nghẽn. Chính phủ bơm tiền ra, giống như dùng áp lực nước mạnh hơn, để phá cái điểm nghẽn, giúp mọi thứ trôi chảy trở lại. Một cách làm ít nhiều mang tính “cơ học”. Dòng tiền giúp phá điểm nghẽn tạm thời, sau đó sẽ được thu hồi dần. Khi người lao động đi làm lại, họ sẽ đóng thuế cao hơn, bù vào khoản tạm chi. Mọi thứ sẽ tiếp tục nhịp nhàng.

Mấy ngày qua, nhiều người khi nhận được tiền đã nói vui, hoặc nói… nhầm: “Cảm ơn Tổng thống, cảm ơn chính phủ đã “cho” tiền”. Thực ra, tất cả tiền ấy đều là tiền thuế của dân, của “chúng ta” đã nộp vào ngân khố. Tổng thống – chính phủ, đóng vai người hành pháp, điều tiết những đồng tiền ấy. Một chính phủ càng giỏi, càng minh bạch, cùng hệ thống pháp quyền càng tối ưu, sẽ càng điều tiết những đồng tiền này một cách khéo léo, khoa học, trong sạch để người dân được “trợ giúp” đúng lúc. Tức là người dân đã gởi đồng tiền của mình cho một người quản lý giỏi. Ngược lại, với một chính phủ và nền pháp quyền tù mù, đồng thuế của người dân sẽ… đóng vô rồi biến mất, đến lúc cần, muốn “đòi” lại để xài thì chẳng thấy đâu.

Nước Mỹ đã theo một hệ thống pháp quyền, trong đó người dân có quyền chọn lựa người điều hành, quản lý đồng tiền của mình. Nếu khóa này anh làm không ra gì, khóa sau anh sẽ “lên đường”. Vì vậy người quản lý, điều hành đồng tiền của dân phải lo méo mặt, hàng ngày lên giải trình, thông báo cụ thể trước cử tri từng vấn đề, dù nhỏ nhất. Chớ không có chuyện “lặn mất tăm”. Tui đố ai không tìm thấy ông Trump trong… nửa ngày! Và nếu ông Trump làm không ra gì, ít tháng nữa, ông cùng đảng của ông sẽ mất chỗ, dân chúng có quyền chọn người khác, đảng khác, thay ông.

Trở lại vấn đề cá nhân. Trong hoạn nạn này, mình càng thêm yêu công việc của mình, công ty của mình, quốc gia mà mình đang đi làm, đóng thuế. Mình cũng vô cùng biết ơn những người đã đóng thuế nhiều hơn mình, hơn rất nhiều, đã san sẻ cùng mình, gia đình mình. Và khi dịch bệnh qua đi, hẳn nhiên mình sẽ nỗ lực “cày cuốc” nhiều hơn, để góp phần nhỏ bé của mình vào dòng chảy của quốc gia này. Tự tin và tự hào.

Nguyễn Danh Lam (Nhà văn)

Đăng theo Facebook Nguyễn Danh Lam với sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt lại. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.