“Tận thế đơn giản là sự kết thúc một chu kỳ…”

Ảnh minh họa (pixabay.com)
Ảnh minh họa (pixabay.com)

Mẹ ơi, con vừa nhận ra điều này. Rằng vũ trụ có những chu kỳ. Trước 2000, dù tiếng súng vẫn nổ ở nơi này nơi kia, thế giới còn khá yên bình. Các nhân vật mà phim ảnh và truyền thông lăng – xê là tuýp “guy guy”, khờ khờ, mà có một biệt tài nào đó ẩn giấu mà thế giới này có nhiệm vụ là phải kiên nhẫn tìm ra cái hay đó. (như Forrest Gump, hay mấy nhân vật mà chàng Nicolas Cage mà mẹ thích thủ vai ấy.)

Từ 2000 đến 2012 là một chu kỳ khác: Thời đại Runaways, đánh dấu bằng sự kiện 11/9. Thời của alternative rock, tổn thương, khủng hoảng niềm tin, u sầu, trốn chạy. Thời kỳ trưởng thành đầy hoang mang của những thanh thiếu niên có cha mẹ bị giết trong vụ 11 tháng 9 hay các vụ thảm sát hàng loạt bởi các cơn điên cá nhân hoặc các mưu toan chính trị.

Từ 2012 đến giờ, như mẹ thấy, là thời của show off. Sau tổn thương, trốn chạy là hời hợt, vô cảm. Từ âm nhạc đến phim ảnh, người ta đều tìm cách nhồi nhét thật nhiều dữ liệu, chống lại sự vô tâm, vô cảm, mà dường như càng chống càng tuyệt vọng. Phim thì đầy oặc nhân vật, nhân vật nào cũng muốn nổi bật. Âm nhạc: EDM thì tất cả các thành tố đều được nhấn, như hét vào mặt công chúng. Visual thì mạnh, cái sau chồng lên cái trước, xô nhau đi, nhanh đến mức không còn gì có thể đọng lại. Đến nỗi chẳng ai còn đủ thời gian nhìn kỹ xem những thứ vừa lướt qua mình hình thù thế nào, huống hồ là lắng nghe, giám định xem bản chất nó ra sao.

Trước 2012, người ta thường nghĩ: vì báo chí, tivi đưa tin cho nên điều này là thật. Từ 2012, mạng xã hội đã thống trị. Và giờ người ta nói: càng nhiều người like tôi, share tôi, tôi càng gần với chân lý. Hôm nay, 29/7/2016, cũng là ngày được tiên tri là tận thế. Nhưng con không sợ.

Tận thế nên được hiểu là một thế giới cũ đã chết. Tận thế đơn giản là sự kết thúc một chu kỳ. Nó không phải là cái chết vật lý mà là sự cáo chung của các hệ giá trị. Cái chết chỉ đến với những ai không chuẩn bị cho nó, đúng không mẹ?

Facebook: Phạm Tường Vân 

Xem thêm: