Thời khắc bầu cử ở Đài Loan đã cận kề, công tác thăm dò ý dân đã khép lại, các phe phái đang toàn lực chạy nước rút. Hiện nay Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền đang nắm ưu thế tại tất cả các địa bàn khắp Đài Loan, đích thân Tổng thống đã ra đường để tham gia bỏ phiếu, kết nối đoàn kết hợp lực của các ứng viên tại các khu vực.

Một biến cố bất ngờ đã xảy ra ngay trong buổi sáng ngày hoạt động đầu tiên: chiếc trực thăng Black Hawk của quân đội Đài Loan gặp tai nạn khi đang trên đường từ Đài Bắc đến Nghi Lan. Trên máy bay có 13 hành khách, bao gồm Thượng tướng Thẩm Nhất Minh (Shen Yiming) là Tổng Tham mưu trưởng Hành chính của Bộ Quốc phòng Đài Loan cùng nhiều quan cấp cao. Không may, vụ tai nạn đã làm 8 quan chức cấp cao nhất thiệt mạng, trong đó có Thượng tướng Thẩm Nhất Minh. Ngay lập tức, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã cho hoạt động tranh cử tạm ngừng trong ba ngày.

tai nan may bay quan su
Hoạt động cứu hộ trong vụ tai nạn máy bay Đài Loan Black Hawk UH-60M hôm 2/1, vụ tai nạn xảy ra tại khu vực núi giáp ranh giữa vùng Nghi Lan và Tân Bắc – Đài Loan (Nguồn: CNA Đài Loan)

Vụ tai nạn hàng không này đã được đặc biệt quan tâm vì diễn ra ngay trước thềm bầu cử. Ngay lập tức, tất cả các hãng truyền thông ở Đài Loan đã đồng loạt đưa tin về vụ tai nạn hàng không, người dân khắp Đài Loan đã bị cuốn vào bầu không khí mơ hồ khó hiểu.

Hiện nay hộp đen của máy bay đã được tìm thấy, dự kiến sẽ sớm hoàn tất công việc phân tích dữ liệu để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, do thời điểm xảy ra vụ việc quá nhạy cảm, đồng thời lại thật tình cờ khi trên máy bay hội tụ toàn những nhân vật quan trọng, khiến vụ việc trở nên đầy đáng ngờ! Đặc biệt là khi tai nạn xảy ra trong điều kiện thời tiết không có gì khác thường, còn chiếc Black Hawk này là loại tốt nhất và mới chỉ bay vài trăm giờ, tại sao có thể tai nạn trong điều kiện tốt hoàn hảo như vậy? Cũng thật trùng hợp khi trên máy bay có Tổng Tham mưu trưởng? Làm sao để có thể giải thích tất cả những “trùng hợp” này?

Để không ảnh hưởng đến tình hình bầu cử, trước mắt truyền thông Đài Loan xem vụ tai nạn hàng không và hoạt động bầu cử là các sự kiện độc lập, không suy luận bất kỳ mối tương quan nào.

Tuy nhiên, hỏa lực của ứng viên Tổng thống Tống Sở Du của đảng Thân dân (PFP) bỗng mạnh mẽ khác thường. Ngay lập tức ông ta kiến nghị rằng Tổng thống nên đóng quân tại Bộ chỉ huy Hoành Sơn. Động thái này hàm nghĩa gì cũng là điều đáng suy ngẫm!

Ông Tống Sở Du tố cáo chính quyền Thái Anh Văn đã cứng rắn thông qua “Luật chống thâm nhập” để xem Trung Quốc là nước thù địch, trước khi vụ tai nạn Black Hawk xảy ra là hành tung không rõ ràng kéo dài vài tiếng đồng hồ của quan chỉ huy tối cao, “việc thách thức bờ bên kia [Đảng Cộng sản Trung Quốc/ĐCSTQ] lớn như vậy, phải chăng xem mạng người như trò đùa?”

Ông Tống Sở Du cũng chất vấn Bộ Quốc phòng đã làm không tốt công tác đánh giá rủi ro, còn Chính phủ bà Thái Anh Văn đã chi đến 84,6 tỷ Đài tệ để mua sắm nhưng lại để xảy ra thảm họa này, như vậy rõ ràng có vấn đề trong khâu huấn luyện hoặc trang bị. Điều đặc biệt quan trọng là, ông ta cho biết: Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan có động thái hiếm thấy khi cho treo cờ rủ, phải chăng có gì đó liên quan, cần có lời giải thích từ Chính phủ Mỹ.

Nhưng việc Tống Sở Du đề cập đến “Luật chống thâm nhập” đã lập tức gợi nhiều liên tưởng. Lẽ nào vụ tai nạn hàng không này có liên quan đến việc thông qua “Luật chống thâm nhập”? Thứ hai, ông ta chuyển mũi dùi vào Chính phủ Thái Anh Văn và muốn có giải thích của giới chức Mỹ! Tôi cho rằng, trong toàn bộ vụ việc này, lập trường chính trị của đảng Thân dân cũng là khâu không thể bỏ qua!

Rốt cuộc, đây có phải là một tai nạn hàng không thuần túy? Trong các cuộc bầu cử Tổng thống ở Đài Loan, vào thời khắc quan trọng thường xảy ra biến cố kỳ lạ như vậy. Biến cố nổi tiếng nhất là vụ ám sát Tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) và Phó Tổng thống Annette Lu vào ngày 19/3/2004,  hệ quả ông Trần Thủy Biển thắng cử với số phiếu chênh lệch 30.000 phiếu. Năm nay không như vậy, thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách giữa Thái Anh Văn và Hàn Quốc Du là rất lớn, vì vậy “vụ án treo” này không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Chúng ta hãy nhìn vào thái độ của Mỹ. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã chia sẻ trên Facebook việc treo cờ rủ để bày tỏ thương tiếc, chia sẻ cũng lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan điểm rằng quân đội và chính quyền Mỹ xem Tổng tham mưu trưởng Thẩm Nhất Minh là “đồng minh”. Những hành động này cho thấy phía Mỹ xem vụ tai nạn máy bay quân sự như là tổn thất của chính người Mỹ.

Trong tuyên bố của AIT có câu đặc biệt quan trọng: “Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan đã chuẩn bị chu đáo, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan trong vấn đề này.” 

Cựu quan chức ngoại giao Lưu Sĩ Kiệt (Liu Shijie) cho biết: Tổng Tham mưu trưởng Đài Loan hy sinh vì công vụ, là đồng minh (ally) quan trọng nhất mà không có quan hệ ngoại giao chính thức. Tuyên bố của AIT là một thông điệp ngoại giao và cũng là một thông điệp về sự sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến của Mỹ. Quá nửa nội dung của tuyên bố được viết cho người Đài Loan. Nhưng câu cuối cùng ám chỉ Tập Cận Bình.

Điều quan trọng cần lưu ý là những sĩ quan tử nạn được mặc niệm theo quy tắc cao cấp của Mỹ. Ngoài ra các nước như Anh, Đức, Nhật Bản, Úc và Ba Lan cũng bày tỏ lời chia buồn thông qua các văn phòng đại diện tại Đài Loan. Duy nhất có chính quyền Bắc Kinh không bày tỏ thái độ gì.

Chúng ta cần nhận rõ một điều là Mỹ cùng các đồng minh đang đối đầu với ĐCSTQ. Đối với ĐCSTQ, năm 2020 là năm nhiều nguy cơ có thể làm sụp đổ chế độ. Chính phủ Thái Anh Văn của Đài Loan gần như bám chặt vào Mỹ. Có thể thấy rõ động thái chính thức của Mỹ là treo cờ rủ để biểu thị thái độ của họ đối với cái chết của Tổng tham mưu trưởng Đài Loan.

Về quân đội Đài Loan, đội quân chủ lực ban đầu được Tưởng Giới Thạch đưa vào Đài Loan là quân Hoàng Phố. Quá trình hình thành đội quân này có bóng dáng của Liên Xô. Sau khi đến Đài Loan, quân dụng mà đội quân dùng do Mỹ trang bị, quân đội của Tướng Thẩm Nhất Minh ngày nay gần như hoàn toàn do quân đội Mỹ huấn luyện và đào tạo.

Nói cách khác, quân đội Đài Loan ngày nay đã từ bỏ quá khứ, gần như là mô hình của Mỹ. Đối với Mỹ hiện nay, tướng Thẩm Nhất Minh là thành viên đáng tin cậy nhất trong hoạt động phối hợp giữa Đài Loan và Mỹ. Không chỉ trong quá khứ mà cả trong tương lai lâu dài, đội ngũ tướng lĩnh cấp cao này đặc biệt quan trọng đối với hoạt động trao đổi quân sự giữa Đài Loan và Mỹ, bao gồm mua bán vũ khí và các phương thức hợp tác khác nhau. Một cách thẳng thắn hơn, việc Mỹ hóa quân đội Đài Loan bị chi phối bởi các tướng quân đội đã tốt nghiệp Học viện Chiến tranh Mỹ như Thẩm Nhất Minh. Với ĐCSTQ thì điều này tương đương với lực lượng của kẻ thù, không thể không khó chịu.

Thử hỏi, trong vụ tai nạn này thì ai vui sướng nhất? Ai có được lợi ích chiến lược? Đài Loan là tuyến đầu trong cuộc đấu giữa Mỹ và ĐCSTQ, vì đâu chuyện khác thường này lại xảy ra ngay trước cuộc bầu cử Đài Loan? Làm sao có thể không nghi ngờ? Rõ ràng, dù không biết thủ phạm nhưng hoàn toàn có quyền cảm nhận bằng trực giác. Tuyên bố: “Trong sự cố này, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan đã sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan bất cứ lúc nào”, tuyên bố phần nào cho thấy phía Mỹ không xem vụ việc như một vụ tai nạn hàng không bình thường mà đó là vụ tai nạn hàng không ở cấp độ quân sự, và trên thực tế những người thiệt mạng không phải nhân vật bình thường mà là Tổng tham mưu trưởng của Đài Loan được quân đội Mỹ xem như chính là người của Mỹ.

Việc Bắc Kinh bố trí can thiệp vào bầu cử ở Đài Loan đã bị Mỹ hóa giải. Đài Loan đã cho thành lập Văn phòng Tình hình chiến tranh trên mạng Facebook để giám sát chặt chẽ các hoạt động mạng ở nước ngoài, ngoài ra còn thông qua “Luật chống thâm nhập” để chống lại ĐCSTQ. Cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan thực sự là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ về nhân vật đại diện tại Đài Loan. Phía Mỹ hiện đang ở thế trên, còn Bắc Kinh ở thế yếu. Nếu sau này ĐCSTQ chiến thắng nhờ thủ đoạn đen tối nào đó, khi chúng ta tìm hiểu từ bối cảnh này sẽ thấy rằng đằng sau bất kỳ biến cố lớn nào ở Đài Loan, khó thoát bóng dáng của chính quyền Bắc Kinh.

Cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan đã cận kề, các cuộc thăm dò cho thấy Quốc dân đảng đã bị bỏ lại rất xa. Hãng tin Bloomberg chỉ ra rằng những người ủng hộ bà Thái Anh Văn chủ yếu là giới cử tri ở độ tuổi từ 20 đến 40, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu là chìa khóa của thắng – bại. Bloomberg mô tả Hàn Quốc Du theo chủ nghĩa dân túy, là con người hợm hĩnh (gaffes), không ưa phụ nữ (misogyny),  kỳ thị chủng tộc (racially derogatory).

Một góc độ nào đó, Bloomberg đã dự báo Hàn Quốc Du sẽ thua cuộc. Tôi cho rằng ĐCSTQ cũng không ôm ấp hy vọng đối với Quốc dân đảng. Thông điệp năm mới 2020 của Tập Cận Bình không đề cập đến Đài Loan. Tiếp đó đã bãi nhiệm vai trò Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông của ông Vương Chí Dân. Hiện nay ĐCSTQ đang ứng phó là nước Mỹ hùng mạnh chứ không phải đơn giản là bầu cử Đài Loan.

Vụ tai nạn hàng không này không thể làm tổn hại đến tinh thần của người dân Đài Loan. Lực lượng thân Trung Quốc cũng khó thừa cơ thâm nhập vào. Tổng thống Thái Anh Văn đã ngay lập tức ổn định tình hình, an ủi thân nhân người thiệt mạng. Chúng ta chưa rõ liệu chuyện kỳ lạ này có tác động gì đến cuộc bầu cử trong vài ngày tới, nhưng nền dân chủ Đài Loan đã trưởng thành nên bất kể thế nào thì ngày 11/1 Đài Loan sẽ bầu ra Tổng thống nhiệm kỳ mới, đây là điều chắc chắn.

Đông Châu