Sài Gòn 10 giờ đêm, tôi vừa lấy xe máy ra khỏi tầng hầm của 1 khu chung cư cao cấp thì thấy xe đi có cảm giác lạ.

Bể bánh.

Đó là một buổi tối mát mẻ, người ra người vào, người ngồi chơi quanh con đường đi ra khỏi chung cư. Còn tôi thì lầm lũi dắt xe, có khi còn phải chạy nhanh cho kịp qua đường để khỏi làm phiền dòng ô tô tấp nập…

Bị bể bánh xe máy không phải chuyện gì xa lạ đối với đa số người dân thành phố, nhưng bị bể bánh ngay sau khi ra khỏi chỗ gửi xe như tôi thì chắc cũng hiếm. Thê thảm hơn cho tình cảnh khi đó, tôi đã gửi xe dưới tầng hầm một khu chung cư cao cấp, và trong khuôn viên rộng lớn sang trọng đó không hề có điểm vá xe nào. Các chú xe ôm ở khu vực phía trước khu chung cư cũng không giúp gì được, giờ này thì đa số các cửa hàng sửa xe đã nghỉ, họ cũng chỉ có thể đưa ra vài lời khuyên áng chừng. Chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi đành phải dắt xe đi trong màn đêm với vô vàn suy tư.

bể bánh xe 3 lần trong 2 tuần
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Hơn 10 giờ đêm, dòng xe vẫn tấp nập, các hàng quán đều đóng cửa im lìm, một vài tiệm sửa xe tôi đi qua đều đã tắt đèn… Dòng xe cộ trên con phố Sài Gòn vẫn đông vui nhộn nhịp, chỉ có điều tâm trạng bạn sẽ rất khác khi phải hì hụi dắt xe tìm chỗ vá.

Lần trước khi điều này xảy ra vào khoảng thời gian trễ như thế này, tôi đã phải đẩy xe về tận nhà. Nhưng lần này tôi đang ở rất xa nhà, phải làm sao đây?… Tôi vừa đẩy xe vừa suy tính.

Rốt cuộc tôi cũng tìm được chỗ sau khi dắt xe khoảng 20 phút, nhờ rẽ vào một khu dân cư và may mắn gặp một người đàn ông bị liệt chân làm nghề vá xe ngồi ven đường. Trái với vẻ ngoài nhiều bất tiện, ông vận dụng đôi tay khá linh hoạt để xem xét cái bánh sau xe máy của tôi, tháo vỏ lốp ra và bắt đầu xem xét ruột bánh xe.

“Nhìn nè,” ông nói. “Cái này dân trong nghề gọi là vá lụi. Làm cho có thôi chứ đi chút xíu là lại hỏng.”

Thì ra người vá xe cho tôi chỉ vài ngày trước đó đã không hề làm tốt dịch vụ của họ. Đó là một người phụ nữ trung lưu ngồi vá xe ở một ngã tư. Tôi nhìn bà vật lộn với cái lốp cứng của chiếc xe, thậm chí có chút cảm thấy tội nghiệp khi bà làm công việc đó. Vậy mà…

Ông chú bị liệt chân cho tôi 2 lựa chọn: vá tạm để đi về nhà (ở khá xa) hay thay luôn cái ruột xe đi cho an tâm. Tất nhiên, tôi chọn giải pháp thứ hai.

Ông hoàn thành công việc của mình, và 15 phút sau tôi đã lại bon bon trên đường, thở phào nhẹ nhõm sau những giờ phút đẩy xe trong mông lung và khói bụi.

Điều tôi không thể ngờ là, chỉ vài ngày sau xe lại… bị bể bánh tiếp, vẫn ở bánh sau.

Trước đây tôi cũng từng có lần bị bể bánh xe ở xa lộ gần cầu Sài Gòn, chỗ vá ven đường nói nên thay ruột xe máy cho yên tâm. Nhưng vài ngày sau đó lại bị bể bánh tiếp. Có lẽ ruột mà họ dùng cũng có đủ loại chất lượng khác nhau…

be banh xe dat
(Ảnh minh họa: shutterstock)

3 lần vá xe liên tiếp chỉ trong vòng 2 tuần, liệu tôi quá xui hay một số người đã không làm tốt vai trò của mình? Có thể là cả hai…

Câu chuyện trên làm tôi thấy rằng, có những lúc chúng ta được lựa chọn dịch vụ, sản phẩm với đầy đủ thông tin, cũng có lúc chúng ta rơi vào hoàn cảnh “oan gia đường hẹp” và chẳng có mấy lựa chọn. Những lúc như thế, lợi ích của chúng ta rốt cuộc lại do người khác nắm giữ, hay nói cụ thể hơn, phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của người khác.

Điều này rốt cuộc lại mang hàm nghĩa rất lớn.

Người vá xe có thể lựa chọn cung cấp dịch vụ của mình một cách “có tâm” và giảm thiểu rất nhiều khó nhọc cho người lái xe. Khi đó họ mới làm tròn trách nhiệm của mình là giúp lái xe an toàn chứ không phải gây ra một vụ bể bánh xe tiếp theo trong tương lai gần, làm gia tăng rủi ro xảy ra tai nạn.

Người bán thức ăn có thể lựa chọn thực phẩm tươi ngon, nấu ăn hợp vệ sinh và thu về mức giá phải chăng; nếu đạo đức nghề nghiệp kém, làm qua loa, thứ họ nấu ra có thể mang mầm bệnh, gây ngộ độc… rốt cuộc thức ăn vốn là thứ nuôi dưỡng con người lại trở thành chất độc âm thầm hại người.

Người bán thuốc có thể tư vấn cho khách hàng thuốc tốt, giá rẻ, đúng bệnh; hay sẽ vì mức hoa hồng cao của nhà sản xuất mà tư vấn thuốc đắt tiền? Đó là chưa kể đến thuốc dỏm, thuốc giả… làm cho thuốc vốn để cứu người sẽ thành thứ hại người. Thị phi đảo lộn.

Nói xa hơn, ở những nghề nghiệp được kính trọng như nghề giáo cũng có những vụ việc thầy giáo hành xử kém, bạo hành học sinh, thậm chí còn có những vụ việc lạm dụng tình dục học sinh. Ở những vụ việc đó, ngành giáo dục vốn để vun đắp tương lai tươi sáng cho con người, rốt cuộc lại phá tan nát tâm hồn, thậm chí làm hủy hoại đời người.

Những ví dụ trên cho thấy, nếu ai đó không làm tròn phận sự và công việc của họ trong xã hội với những tiêu chuẩn đạo đức nhất định, rốt cuộc mục đích tốt đẹp của các ngành nghề sẽ bị quay ngoắt 180 độ, trở thành mảnh đất để hại người, hại mình.

Khi bóng tối ngập tràn…

bể bánh xe 3 lần trong 2 tuần
(Ảnh: Pixabay)

Chắc hẳn bạn đã từng nghe những câu chuyện kiểu như: người nông dân trồng trà phun thuốc trừ sâu trên khắp ruộng trà của mình, chỉ chừa 1 khoảng nhỏ không phun, đó là trà dành cho gia đình dùng. Người làm bún không dám ăn bún của mình, nếu người nhà muốn ăn thì họ sẽ làm riêng.

Những chuyện như thế có rất nhiều, chỉ có điều ít ai nghĩ rằng, con của người trồng trà rồi cũng sẽ có lúc muốn ăn bún, và con của người làm bún cũng có lúc muốn nhâm nhi trà sữa… Nhiều người cứ nghĩ rằng mình có thể bảo bọc cho những người thân yêu ở một phạm vi nào đó, nhưng rốt cuộc những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm độc hại họ tạo ra lại đang đầu độc thêm môi trường sống của cộng đồng – mà họ và gia đình là một phần trong đó.

Lo cho bản thân, lo cho gia đình, ai cũng có một phần vị tư nhất định trong cuộc sống; nhưng nó cần được giữ trong mức độ hài hòa, không thể vì lợi ích bản thân mà chẳng đoái hoài gì tới người xung quanh. Cho và nhận, nhân và quả. Dù bạn có tin hay không nhưng nhiều người đã nhận thấy rằng “cho nhận” – nhân quả chính xác tới đáng sợ, chỉ là đa số nó sẽ không xảy ra ngay lập tức mà thôi.

Khi không tin vào ý nghĩa nhân sinh, không tin làm việc xấu sẽ có báo ứng, thì người ta làm việc gì cũng đều không tính đến hậu quả, việc xấu gì cũng dám làm. Đây có lẽ cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn nạn môi trường hiện nay mà Việt Nam cũng đang cạnh tranh vị trí top đầu với Trung Quốc.

>> Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đạt đến sự tôn nghiêm

Một vài người không làm tốt thì chưa phải vấn đề lớn, nhưng rất nhiều người đều buông thả trách nhiệm nghề nghiệp, rất nhiều vấn nạn sẽ xảy ra mà tất cả chúng ta khó mà chạy đi đâu cho thoát được. Ai cũng không tin ai. Rốt cuộc người ta không còn dám sử dụng dịch vụ của người khác, những liên kết xã hội sẽ dần tan rã.

Nhưng chúng ta với tư cách là những thành viên trong xã hội, làm sao có thể dừng sử dụng các dịch vụ xã hội? Sẽ có lúc bạn phải vá xe, phải mua cơm ở quán ăn ven đường, phải đi học hay cho con em mình đi học… Chúng ta sống phụ thuộc vào nhau trong vô số mối quan hệ đan xen trong xã hội. Chúng ta sử dụng dịch vụ và đồng thời, bằng công việc của mình, cung cấp dịch vụ cho những người xung quanh.

… liệu bạn có thể là một vì sao?

bể bánh xe 3 lần trong 2 tuần
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Cổ nhân có câu, cái gì hiếm thì quý. Trong thời buổi không có chiến tranh nhưng lại “khủng hoảng niềm tin” này, ai có thể cung cấp dịch vụ tốt đều sẽ không thiếu khách hàng. Bạn bè tôi có nhiều người đang tham gia các nhóm trên Facebook, chuyên đi tìm những nơi cung cấp thực phẩm sạch, sản phẩm chất lượng tốt để chia sẻ cho nhau cùng mua. Vì thế, nếu ai đó muốn kinh doanh, thì đây là thời điểm xã hội rất cần những doanh nhân có lương tâm, có tài năng, cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt với giá cả hợp lý.

Còn nếu bạn e ngại rằng thật khó làm ăn chân chính trong thời buổi này thì hãy tham khảo câu chuyện có thật dưới đây ở Trung Quốc:

Có một người đàn ông làm nghề xay ớt bột, bỏ mối cho các nhà bán lẻ ở chợ. Thời nay thì người ta thường nghiền lớp vỏ ngoài cùng của lõi ngô, nhuộm bằng màu công nghiệp và sau đó trộn vào ớt bột. Ông biết rằng nó sẽ có hại cho người dùng, nhưng không còn cách nào khác vì ai cũng làm như thế cả. Giá ớt bột thật đắt hơn so với ớt bột pha khoảng vài nhân dân tệ mỗi kg. Ông cho rằng nếu mình không đi theo con đường mòn này, rồi sẽ không thể cạnh tranh và trang trải chi phí.

Sau khi môn tu luyện Pháp Luân Công truyền ra ở Trung Quốc từ năm 1992, ông cũng bắt đầu tìm hiểu và theo học. Tu luyện thì phải tu sửa tâm tính. Bởi vì được học các nguyên lý về thật giả, thiện ác, ông hiểu rằng thật sai trái khi làm giả bột ớt. nhưng không biết phải làm gì.

Ông đấu tranh nội tâm, nhưng cuối cùng ông quyết định tuân theo lời dạy của Sư phụ mình – làm một người tốt và ngừng sản xuất ớt bột pha trộn. Ông ước tính rằng mình sẽ không còn kiếm thêm được tiền nữa và ông sẽ thay đổi nghề nghiệp, có lẽ đi làm công việc xây dựng.

Ông nói với các nhà đồng cung cấp về quyết định này. Họ cười hân hoan vì hiện giờ sẽ bớt đi một đối thủ cạnh tranh.

Tối hôm đó khi từ chợ về nhà, ông thấy một số ớt quả khô vẫn còn dư lại, ông bèn nghiền chúng thành ớt bột và không pha trộn bất cứ thứ gì vào đó. Tôi dự định mang lượng hàng này ra chợ đầu mối ngày hôm sau và sau đó đi tìm một công việc khác.

Ngày hôm sau, ông đi đến chợ và nói với các nhà phân phối: “Số ớt bột này là lượng hàng cuối cùng của tôi. Tôi không pha trộn bất cứ thứ gì vào đó bởi vì tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tôi muốn trở thành một người tốt và tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Đó là lý do tại sao tôi không làm giả bột ớt pha trộn nữa. Giá bán đắt hơn một chút bởi vì tôi cần thu về giá nguyên liệu và chi phí lao động.

Nhà phân phối cẩn thận kiểm tra chất lượng của ớt bột của ông, nếm thử và nói: “Đúng là thật và không có pha trộn cái gì cả. Tôi muốn mua nó. Tôi muốn mua dù nó đắt thế nào đi nữa. Sẽ có những người biết đến hàng chất lượng tốt. Nếu nó bán chạy, tôi sẽ lại nhập hàng của anh.” Do đó, trong một thời gian ngắn, ông đã bất ngờ bán được hết toàn bộ số ớt bột.

Sau khi về nhà, ông đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nhà phân phối ngay trước khi ông có thể tìm được một đội xây dựng. Nhờ vậy, ông tiếp tục kinh doanh ớt bột. Thời gian dần dần trôi qua, việc kinh doanh của ông chỉ có tăng trưởng lên, và ông đã kiếm được càng ngày càng nhiều tiền hơn nữa.

Quan sát thấy tình hình kinh doanh thành công của ông, các nhà cung cấp hỏi ông làm thế nào mà thành công như vậy. Tôi nói với họ sự thật: “Đó là bởi vì tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tôi muốn trở thành một người tốt thông qua việc tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Do đó, tôi không còn làm giả ớt bột pha trộn và tôi bán ớt bột thật với giá cao hơn. Mặc dù tăng giá thành, người mua vẫn muốn mua nó.”

Bị thuyết phục bởi câu chuyện thực tế của ông, các nhà cung cấp dần dần ngừng làm pha trộn ớt bột của họ. Hiện nay, hầu như ở khu vực của ông không có ai làm hoặc bán ớt bột giả nữa.

>> Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ Pháp Luân Công?

Câu chuyện trên rất giống với câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi: “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”.

be banh xe 2
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Có thể hiện tại chúng ta chưa thể lựa chọn cho một thay đổi to lớn và toàn diện hơn trong xã hội, nhưng chúng ta có thể thay đổi ngay bản thân mình và lan tỏa những điều tích cực ngay từ bây giờ. Mỗi con người là một phần của xã hội, vì thế, thay đổi bản thân cũng chính là đang thay đổi xã hội, và nó lan tỏa nhanh hơn bạn nghĩ.

Sơn Vũ