Chúng ta thường hay căm phẫn với một sự kiện nào đó, và thường bộc lộ thái độ của mình để phân biệt phải trái. Tuy nhiên dòng đời thì có quá nhiều sự kiện, sự kiện nào cũng nóng hổi, nên đôi khi mải chạy theo những dòng sự kiện cập nhật, chúng ta quên việc đâú tranh cho những điều chúng ta từng căm phẫn.

Và vô tình, để sự việc được trôi đi, lắng xuống.

Chỉ cần chúng im lặng không phản hồi, mọi sự việc đâu sẽ lại vào đó.

Nhưng đối với đề tài Ấu dâm – Lạm dụng tình dục trẻ em, tôi quyết định không để cho nó trôi đi nhanh đến thế bởi khi đọc những bài viết, những nhận xét bàng quan, ấu trí, nương nhẹ cho hành vi phạm tội này, cũng như việc cho đến giờ kẻ bị phạm tội vẫn không hề có dấu hiệu bị cấm biểu diễn, xuất hiện trước công chúng, thì tôi chua chát mà nhận ra rằng, ở nước chúng ta, quyền trẻ em, sức khỏe và tâm lý trẻ em có lẽ đang bị coi nhẹ quá.

Xâm hại tình dục trẻ em
Bìa cuốn sách “More Than Bruises Were Left Behind” (Tạm dịch: Đằng sau sự xâm hại không chỉ là những vết thương thể xác) của tác giả Jashlyn Nyx

Tôi đã dành thời gian đọc, tìm hiểu về nó và bây giờ là viết cô đọng lại, để chính tôi, và các bạn có thể đọc, suy ngẫm và nhìn lại sự cuộc.

Chúng ta phải bảo vệ trẻ em, những sinh linh non nớt, không có khả năng tự bảo vệ, khỏi những kẻ xâm hại tình dục bệnh hoạn:

Ấu dâm, được định nghĩa là sự mơ tưởng tới hành động tình dục với trẻ em dưới tuổi vị thành niên.

Ấu dâm, chính thức bị liệt là một dạng rối loạn tâm thần bởi các chuyên gia nghiên cứu.

Có những người mắc bệnh ấu dâm có thể không có hành động xâm hại tình dục đối với trẻ em bởi mặc dù có biểu hiện, xu hướng thích tình dục với trẻ em, nhưng họ phân biệt được rằng điều này là sai trái, vi phạm luân lý, đạo đức, và luật pháp.

Tuy nhiên những kẻ xâm hại tình dục đối với trẻ em thì lại khác. Họ là những người mắc bệnh ấu dâm, và bất chấp luân lý, đạo đức cũng như luật pháp để xâm hại tình dục trẻ em dưới tuổi vị thành niên, không có khả năng tự vệ.

Xâm hại tình dục trẻ em được định nghĩa từ việc sờ mó, dụ dỗ trẻ em cởi quần áo, đến việc quan hệ bằng đường miệng hoặc quan hệ với trẻ em. Kẻ xâm hại tình dục trẻ em được xác định là 16 tuổi trở lên và lớn hơn nạn nhân bị lạm dụng là 5 tuổi.

Kẻ xâm hại tình dục trẻ em thường huyễn hoặc rằng chúng “giúp cho sự trưởng thành” của nạn nhân, hoặc “nạn nhân cũng thích vậy”, nhưng thực chất luôn dặn hoặc ép buộc nạn nhân không được tiết lộ hành vi cho người lớn hoặc các nhà chức trách.

Trẻ em khi bị lạm dụng sẽ có thể bị ám ảnh cả cuộc đời.

– Chúng mất lòng tin: khi bản thân chúng bị lừa dối, bị chính người lớn, những người chúng tin tưởng lường gạt. Điều này sẽ dẫn đến việc trẻ em trưởng thành sẽ mất lòng tin đối với cuộc sống, với con người, sẽ mất đi sự tự tin vào bản thân.

– Chúng cảm thấy bị phản bội, tổn thương

– Chúng cảm thấy mình bất lực : khi bản thân không thể phản kháng lại kẻ xâm hại mình

Đa số trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ bị vết thương tinh thần đến mãi sau này, Nhiều trong số đó mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí sinh lý, và xu hướng tình dục sau này.

Có nhiều con số trẻ em trưởng thành sau khi bị xâm hại cảm thấy chán đời, giận dữ, chán sống, có ý muốn tự tử.

Đối với luật ở nhiều nước trên thế giới, hành vi sờ mó, quan hệ, dụ dỗ cởi đồ v.v… đối với trẻ em sẽ khiến kẻ lạm dụng ngồi tù từ 18-28 năm.

Nếu như kẻ xâm hại cưỡng hiếp trẻ em, có thể ngồi tù mãi mãi.

Bệnh Ấu Dâm, trong khoa học, và y học, cho đến thời điểm này, không có bằng chứng có khả năng chữa.

Nhưng những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em cần phải bị trừng phạt thích đáng bởi luật pháp và xã hội. Luật pháp, bằng số năm ngồi tù, và xã hội bằng sự tránh xa và khinh bỉ để chúng không có cơ hội chiếm lòng tin, tiếp cận những nạn nhân tiếp theo.

Sau khi trường hợp của “ngôi sao hài Việt Nam” bị ngồi tù và trục xuất khỏi nước Mỹ, nhiều ý kiến ấu trĩ và tỏ ra thông thái viết những ý kiến “bào chữa” cho hắn rằng, trẻ em là nam giới khi bị lạm dụng thì không bị ảnh hưởng gì hết. Rồi ngụy biện rằng trẻ em có nhu cầu sinh lý từ 10, 12 tuổi (nữ), 12, 13 tuổi (nam), vì vậy nếu chúng “tự nguyện” thì hành động lạm dụng là không đáng trách.

Tôi cũng tìm hiểu đọc và nghiên cứu luôn cho nó “nói có sách, mách có chứng”.

Trẻ em nam giới khi bị lạm dụng tình dục bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề bởi nam giới thường bị xã hội mặc định rằng nam giới không nói về cảm xúc của mình.

Chúng thường thầm nén chịu đựng nỗi đau đớn về tinh thần và thể xác của mình. Nhiều cảm thấy bị hoang mang “liệu mình có trở nên đồng tính”, “mình không cản được kẻ xâm hại của mình, liệu mình có vấn đề”. Khoa học và y học chứng minh rằng, những phản ứng tự nhiên của cơ thể của trẻ khi bị lạm dụng là biểu hiện chúng không thể làm chủ, điều đó không có nghĩa là chúng cảm thấy thích thú hoặc đồng tình khi bị lạm dụng. Và trẻ em cần hiểu điều đó để tránh cảm giác đổ lỗi cho chính mình dẫn đến hoang mang tâm lý.

Những trẻ em là bé trai bị lạm dụng khi trưởng thành có thể có xu hướng cảm thấy bị cô lập, thậm chí sợ tình dục. Nhưng có một số lại phản ứng hoàn toàn ngược lại, họ trở nên bất cần với tình dục hoặc cố gắng quan hệ tình dục với thật nhiều phụ nữ để chứng tỏ sự nam tính của mình.

Dù thế nào, đây cũng là những biểu hiện rối loạn tâm lý dẫn đến một cuộc sống không hạnh phúc dành cho họ.

Chúng ta hãy thanh lọc những thành phần bệnh hoạn, và bài trừ những cổ súy bàng quan, vô trách nhiệm để bảo vệ cho cuộc sống con em mình lành mạnh hơn.

Facebook Hà Anh Vũ

(*) Tựa bài do BBT trích đặt

Xem thêm: