Hãy chuẩn bị đi, Anh Cả Trung Quốc đang nhìn các bạn!

“Chiến tranh là hòa bình.

Tự do là nô lệ.

Ngu dốt là sức mạnh” – (Trích ‘1984’ – George Orwell)

trung quoc jackma
Camera giám sắt gắn chằng chịt trên cây cột giữa quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. (Ảnh dẫn qua npr.org)

Trung Quốc gần đây loan báo họ sắp thực hành chính sách “chấm điểm công dân”, tức là thông qua việc ghi chép và theo dõi một các cực kỳ chi tiết hành vi của người dân để xếp hạng đạo đức cho họ. Việc này được thông báo là nhằm sàng lọc ra “những công dân yếu kém”, “khuyến khích sự tin tưởng trong xã hội”, và đề cao việc “giữ chữ tín là vinh quang và bất tín là đáng hổ thẹn”.

Không hiểu sao khi đọc được thông tin này, có một cơn lạnh chạy dọc sống lưng tôi và một câu nói kinh điển trong tác phẩm 1984 của George Orwell bật ra: “Big brother is watching you!” (Anh Cả đang nhìn các bạn!). Trung Quốc sau khi đạt được thành tựu như trong “Trại Súc Vật”, có vẻ đang cố gắng đặt những viên gạch tiếp theo để xây lên “thiên đường xã hội” mà bộ óc thiên tài của George Orwell đã tiên đoán trong 1984.

Screenshot 1 10
Tấm poster: Anh Cả đang nhìn các bạn! trong tác phẩm 1984 của George Orwell.

Đối với nhiều thế hệ, George Orwell không chỉ là một nhà văn đại tài mà còn là một nhà chính trị học có tầm nhìn vượt thời đại. Hai tác phẩm có giá trị nhất của ông là Trại Súc Vật và 1984, cả hai đều mang giá trị chính trị sâu sắc. Trong Trại Súc Vật, xuất bản năm 1945, ông mô tả một viễn cảnh tương lai chính xác của Liên Xô, và sau này là chính Trung Quốc và các nước Đông Âu khác ngay khi hệ thống này đang ở trong thời hoàng kim. Đó là một câu chuyện về một nông trại mà sau khi những con lợn lôi kéo được các con vật khác làm cách mạng, lật đổ lão chủ Jones độc ác, thì chúng tuyên bố: “tất cả loài vật đều bình đẳng nhưng có một số loài bình đẳng hơn loài khác”. Tài năng của Orwell nằm ở chỗ ông mô tả xã hội này một cách trào phúng và chính xác vào thời điểm mà đa số người dân thế giới còn chưa hiểu gì nhiều về mô hình chính trị toàn trị của Liên Xô hoặc Đức Phát Xít, và trước cả khi nhà lãnh đạo Liên Xô đập bàn hả hê trước người Mỹ rằng “chủ nghĩa tư bản của các ông đã lỗi thời, chúng tôi mới là tương lai của nhân loại!”. Trong xã hội đó, những con lợn sau khi lên nắm quyền bắt đầu học cách đứng hai chân, mặc quần áo, uống rượu và cầm roi da y hệt như lão chủ nông độc ác mà cuộc cách mạng của chúng đã tìm cách lật đổ. Nơi mà con ngựa khỏe mạnh, chăm chỉ và “một lòng giác ngộ ý chí cách mạng” Boxer sau khi làm việc kiệt quệ đến chết để làm giàu cho trang trại, vẫn ôm giữ sự tự hào và tin tưởng vào chủ nghĩa động vật, cuối cùng đến cái xác của nó cũng bị đàn lợn lén bán cho lò mổ.

1984 (viết năm 1948) là một bước kế tiếp của Trại Súc Vật. Orwell mô tả dự đoán của ông rằng những kẻ chuyên quyền sau khi nắm được quyền lực sẽ tìm mọi cách để kiểm soát đến mức bệnh hoạn tất cả hành vi, tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm và niềm tin của mọi thành viên trong xã hội của nó. Phương tiện mà Big Brother (chính phủ) trong 1984 sử dụng, có những tương đồng rợn người với hệ thống mà Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm: dùng công nghệ để theo dõi và kiểm soát hoàn toàn hành vi, suy nghĩ của 1,3 tỷ người.

Đây là một dự án đầy tham vọng của tỉ phú Jack Ma, sử dụng công nghệ Big Data, hợp tác cùng chính phủ Trung Quốc. Về cơ bản, mỗi hồ sơ trực tuyến của một cá nhân sẽ kèm theo một bảng đánh giá (từ 1 đến 5 sao), tương đương với mức từ yếu kém đến ưu tú. Tất cả thông tin về bạn, chẳng hạn đăng một status trên mạng xã hội, bình luận, tương tác với bạn bè, kết quả học tập, hoạt động mua hàng, có tập thể dục hay không,… tất cả đều sẽ được thu gom, tổng hợp và phân tích, sau đó đánh giá để quyết định điểm số công dân. Mạng lưới thanh toán trực tuyến của Alibaba, hệ thống siêu camera nhận diện Skynet và các kênh truyền thông xã hội do ĐCSTQ nắm quyền dự kiến sẽ đóng góp đắc lực vào công tác thu gom và xử lý kho dữ liệu khổng lồ của 1,3 tỷ người. Tất cả người Trung Quốc sẽ buộc phải tham gia vào hệ thống phân loại này dù muốn hay không vào hạn chót là năm 2020.

Hệ thống này đang được ca tụng là sẽ khôi phục lại một xã hội thành tín, khiến mỗi người phải trung thực, thúc đẩy kinh tế phát triển, và trừng phạt những người “đạo đức kém”. Chẳng hạn, được xếp hạng ưu tú sẽ giúp bạn dễ tìm việc, tìm bạn đời, được hưởng ưu đãi vay tín dụng…

Trên thực tế nó có thực sự tuyệt vời hay không? Xâm phạm quyền riêng tư đang là một vấn đề rung chuyển nước Mỹ và mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Tuy nhiên ở một quốc gia toàn trị như Trung Quốc, nơi những hãng sản xuất điện thoại phải công khai thu gom thông tin của người dùng để trao cho chính phủ, quyền riêng tư chưa bao giờ là vấn đề đáng báo động. Nhưng một hệ thống kiểm soát và quản lý 1,3 tỷ người Trung Quốc sẽ là một phương tiện có thể dẫn đến một trạng thái xã hội cực kỳ nguy hiểm. Hãy thử tưởng tượng một thế giới mà bất kỳ hành động nào của bạn, từ lời nói, hành vi, ý kiến đều bày ra trước tất cả mọi người để bị đánh giá và soi xét. Đó sẽ là một địa ngục mà không ai dám nói thật, sống thật, trong khi lúc nào cũng bị sợ hãi và hoài nghi bủa vây – một xã hội có thể giống đến rợn người với những gì được mô tả trong 1984 của Orwell. 

Xã hội nhân loại trong ‘1984’

1984 là một xã hội hiện đại, rộng lớn và mở rộng hơn nhiều so với Trại Súc Vật. Chính phủ độc tài do Inner Party (Đảng Trong) lãnh đạo muốn kiểm soát tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống: người dân làm gì trong từng giây từng phút, kể cả những lúc riêng tư; họ tiếp xúc với ai, họ được phép nói gì và viết gì. Chính phủ còn tìm cách kiểm soát suy nghĩ và niềm tin của con người.

1984 xảy ra tại London, lúc này là một nơi ảm đạm và bức bối. Người dân thường xuyên phải chịu đói, thức ăn bốc mùi, hàng hóa thiếu trầm trọng và thành phố hầu như đổ nát, ngoại trừ tòa nhà chính phủ khổng lồ bằng kính xa hoa và sạch sẽ vươn lên trên bầu trời. Có một cuộc chiến tranh nào đó đang xảy ra mà không ai hiểu rõ đó là gì. Thỉnh thoảng lại có tên lửa bắn xuống đường phố khiến xác người nổ tung. Nhưng tồi tệ nhất là chính phủ luôn luôn giám sát tất cả mọi hành động của con người. Trên đường phố và cơ quan làm việc, đâu đâu cũng có micro, camera ẩn giấu để theo dõi và thu gom thông tin của người dân. Chính phủ có thể theo dõi bạn tại nhà bạn, qua camera trên TV mà bạn không được phép tắt đi. Trong xã hội này, có rất nhiều thứ bạn không được phép làm, và nếu bạn làm, bạn có thể bị cảnh sát bắt và tống vào trại cưỡng bức lao động. Bạn không được phép có bạn thân hay yêu đương. Thậm chí viết nhật ký cũng là một tội tử hình. Bạn phải dành hết năng lượng cảm xúc cho Đảng – Chính phủ. Cũng có những việc bạn phải làm: bạn phải xem chương trình của chính phủ trên TV – hầu hết là tin tức và tuyên truyền. Đặc biệt bạn phải tham gia các buổi tập trung, trong đó có một chương trình gọi là “2 phút thù hận”. Do đó, bạn khó có thời gian để suy nghĩ bởi chính phủ liên tục tống vào đầu bạn những thứ mà họ muốn.

Lực lượng Cảnh sát Suy nghĩ (thought police) luôn rình rập để tống bất cứ ai có biểu hiện nổi loạn vào tù để chuyển hóa. Con người ở đây tồn tại như những cái xác lờ đờ, lúc nào cũng lo sợ, hoài nghi bị một người nào đó tố cáo với cảnh sát. Luôn luôn trong trạng thái căng thẳng, ghê rợn và thù hận, không tồn tại sự tin tưởng, yêu thương, họ sống bấu víu và ký sinh vào một đảng cầm quyền mang tên Inner Party. 

Làm thế nào để đạt được quyền lực tuyệt đối?

Nhà văn Mỹ gốc Nga Ayn Rand với tác phẩm Suối Nguồn (xuất bản năm 1943) đã đặt ra một quan điểm làm rung chuyển thế giới trong khi mô tả cuộc chiến khốc liệt giữa chủ nghĩa cá nhân chống lại chủ nghĩa tập thể. Trong đó, nhân vật phản diện Ellsworth Toohey tiết lộ bí mật để thống trị hoàn toàn nhân loại là phải “bẻ gãy linh hồn, sự trung thực và chính trực của con người” – kẻ mất đi linh hồn sẽ tự nguyện trở thành nô lệ.

Linh hồn là thứ không thể cai trị được. Phải phá hủy nó. Đóng một cái nêm, móc ngón tay vào – và người đó sẽ là của anh. Khi đó anh không cần đến roi – hắn ta sẽ tự mang roi cho anh và cầu xin anh quất hắn. Khiến hắn phản bội bản thân hắn – và cơ chế hoạt động của hắn sẽ làm việc của anh thay cho anh. Sử dụng hắn chống lại chính bản thân hắn” (Suối Nguồn).

Trong 1984, quan điểm này cũng được lặp lại. Nhân vật chính, Winston Smith vì mạo hiểm yêu một cô gái tên Julia  rồi tìm cách gia nhập lực lượng nổi dậy. Anh ta bị tra tấn, bị bẻ răng, đánh gãy xương và bỏ đói. Anh ta đã khai ra mọi thứ. Trước khi bị  tra tấn lần cuối cùng là để cho chuột ăn mặt, vì có nỗi sợ ám ảnh với chuột, Winston đã hét lên: “Hãy làm điều này với Julia, xin đừng làm với tôi”. Vì Winston đã phản bội điều có giá trị nhất trong cuộc đời của anh ta là tình yêu, một chút phẩm giá cuối cùng của anh đã bị bẻ vụn và anh ta hoàn toàn bị phá hủy. Big Brother thả anh ta ra, họ không cần phải quan tâm tới anh nữa. Anh gặp lại Julia nhưng hai người không nhìn thấy nhau. Cả hai đã bị bẻ gãy tới mức trong họ không thể tồn tại tình yêu cho nhau. Winston đã thay đổi đến mức anh không còn muốn nghĩ tới bất cứ thứ gì liên quan tới phá luật nữa, anh ta chỉ ngồi trong trong quán nước, uống Cafe và vừa xem tin tức vừa cười. Câu cuối cùng trong tiểu thuyết này là “Anh ta yêu Big Brother!”.

Thủ đoạn trong 1984 lần lượt được Liên Xô và Trung Quốc hiện thực hóa. Giai đoạn Đại Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã dùng những cách thức còn độc ác hơn để bẻ gãy lương tri và phá hủy linh hồn của người Trung Quốc. Họ ép vợ-chồng, cha-con, thầy-trò phải đấu tố, mạt sát và giết nhau như kẻ thù. Một thế hệ người Trung Quốc bị cướp đi phẩm giá và linh hồn, nhằm phục vụ mục tiêu là đạt được quyền thống trị tuyệt đối của ĐCSTQ.

Ngày nay, thế giới tự do và kết nối khiến cho việc thực hiện một cuộc Cách mạng văn hóa tiếp theo là bất khả thi. Và khi không thể “5 năm một cuộc cách mạng nhỏ, 10 năm một cuộc cách mạng lớn”, ĐCSTQ phải tìm ra một phương sách mới để duy trì quyền lực tuyệt đối này. Và có vẻ như họ đã tìm được một phương thức mới để thống trị linh hồn của 1,3 tỷ người Trung Quốc.

Dù chưa có một tài liệu chính thức nào chỉ ra Jack Ma là thành viên của ĐCSTQ, nhưng ông ta luôn dành cho Đảng một sự ưu ái bất thường. Jack Ma từng cho rằng việc ĐCSTQ tiến hành vụ thảm sát Thiên An Môn là một việc làm đúng đắn và hợp lý “vào thời điểm đó”, ông ta ủng hộ sự ưu việt của chế độ độc tài một đảng và trong năm 2010, ông ta đã phát biểu trước 1.000 nhân viên của Alibaba – những người cũng là đảng viên – về giá trị và vai trò của ĐCSTQ.

Bằng cách tạo ra một hệ thống đẩy con người về phía đối lập với nhau, khiến người ta luôn luôn sống trong trạng thái sợ hãi, nghi kị, dè chừng, đề phòng và ghét bỏ nhau một cách cùng cực, ĐCSTQ sẽ không phải “tự tay giết người” như thời Cách mạng văn hóa nữa. Với Big Data của Jack Ma, một “thiên đường” Utopia của ĐCSTQ đang dần dần ló rạng.

ĐCSTQ muốn gì?

Khi đã hoàn toàn bị hạ gục, một quan chức lãnh đạo của Big Brother đã tiết lộ cho Winston biết về mục đích duy nhất của tổ chức này trước khi thả anh ta ra:  

Bây giờ tôi sẽ nói cho anh câu trả lời cho câu hỏi của tôi. Là thế này. Đảng tìm kiếm quyền lực hoàn toàn vì mục đích của nó. Chúng tôi không quan tâm đến điều tốt đẹp ở người khác; chúng tôi chỉ quan tâm đến quyền lực và quyền lực thuần túy. Quyền lực thuần túy là gì thì anh sẽ hiểu ngay đây. Chúng tôi khác với những tập đoàn đầu sỏ chính trị trong quá khứ vì chúng tôi biết mình đang làm gì. Tất cả những kẻ khác, thậm chí những kẻ giống chúng tôi, đều hèn nhát và đạo đức giả. Phát xít Đức và Cộng sản Nga đạt đến rất gần chúng tôi trong phương pháp của họ, nhưng họ không bao giờ có đủ dũng cảm để công nhận động cơ của mình. Họ giả vờ, hay thậm chí có kẻ còn tin tưởng, rằng họ nắm quyền lực một cách không mong muốn và chỉ tạm thời, và sớm thôi sẽ có một thiên đường nơi con người được hưởng tự do và công bằng. Chúng tôi không thế. Chúng tôi biết rằng không có một ai nắm giữ quyền lực chỉ với ý định từ bỏ nó. Quyền lực không phải là phương tiện; nó là mục tiêu cuối cùng. Một người không lập nên chế độ độc tài để bảo vệ cách mạng; anh ta làm cách mạng để thành lập độc tài. Mục đích của cuộc đàn áp là đàn áp. Mục đích của tra tấn là tra tấn. Mục đích của quyền lực là quyền lực. Giờ anh đã bắt đầu hiểu tôi”.

Để đạt được quyền lực tuyệt đối lên suy nghĩ và cảm tưởng của con người, ĐCSTQ sẽ phải hủy diệt linh hồn của con người và đó cũng chính là mục đích cuối cùng của nó.

Trọng Đạt

Xem thêm: