Người ta thường nói đến “văn hóa từ chức” như một đặc sản của những quốc gia quan trí cao, như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ chức ở đây được hiểu như một lời xin lỗi của quan chức với người dân khi ông ta không làm tròn nhiệm vụ. Từ đó, mọi người ngán ngẩm với những ông quan chỉ đơn giản là xin kiểm điểm rút kinh nghiệm khi tai họa ập xuống đầu dân.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hachiro xin lỗi dư luận và xin từ chức chỉ vì đã gọi Fukushima là vùng đất chết.

Thật ra, việc từ chức không chỉ có ý nghĩa như thế. Từ chức hay mất chức được coi là một trách nhiệm chính trị của quan chức khi người này không hoàn thành được nhiệm vụ. Nhiệm vụ ở đây chính là lo cho người dân và xã hội. Khi đó, anh từ chức để khỏi phải bị cách chức, hoặc từ chức để không làm tốn thời gian của người dân phải bỏ phiếu phế truất anh. Hiểu được hậu quả chính trị như thế sẽ khiến các quan chức phải có trách nhiệm trong các quyết sách của mình. Người dân trả thuế để quan chức làm việc đó chứ không phải để họ tiến thân.

Tình cảnh “cha chung không ai khóc” ở Việt Nam có nguyên do của nó. Ở một đất nước mà người lãnh đạo dường như không phải chịu trách nhiệm chính trị lẫn pháp lý cho những hành vi của mình với nhân dân thì hà cớ gì họ phải suy nghĩ quá nhiều cho an nguy của người dân. Họ không thấy động lực nào phải lội giữa cơn lũ để chỉ đạo cứu nguy cho dân. Họ không thấy lý do gì phải suy nghĩ về an nguy của bà con khi quyết định mở đập xả lũ (trái lại, thiệt hại cho đập thủy lợi sẽ khiến họ chịu trách nhiệm với cấp trên). Thậm chí, họ cũng không thấy lý do gì phải tích cực giúp dân khi thiên tai xuống vì làm như vậy không khiến họ có thêm bất kỳ điểm số nào trong cuộc đua thăng tiến. Điều này không lạ, quan chức chỉ chịu trách nhiệm với người đưa họ vào vị trí đó (và đưa họ lên). Ở Việt Nam, đáng tiếc người đó không phải là dân, mà lại là cấp trên, là hệ thống mà họ phục vụ. Vị phụ mẫu ngồi chơi tổ tôm khi lũ lên trong “Sống chết mặc bay” đơn giản vì tính mạng và cái ghế của họ chẳng hề gặp nguy nan.

Vậy thì chớ hãy đi trách móc, mà hãy kêu gọi một lời xin lỗi, một lời hứa chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả do sự thiếu trách nhiệm đó gây ra. Nếu như kêu gọi một ông quan nào đó phải từ chức như một thứ văn hóa là một việc nên làm, thì hãy cứ làm đi, khi nó biểu hiện cho tiếng nói đòi lại quyền làm chủ cho mỗi người dân đang khốn khó cùng cực vì thiên tai – nhân tai.

(Bài đã được biện tập lại một đôi chỗ)