Trong một buổi diễn thuyết gần đây, tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị một người đàn ông cắt ngang. Ông này tay cầm băng rôn ủng hộ ứng cử viên tổng thống Donald Trump và miệng hô to khẩu hiệu chống Obama và Clinton. Lập tức, đám đông tại buổi diễn thuyết đồng thanh la ó phản đối người đàn ông này. Có người còn định lao vào đánh ông ta.

Nhưng Obama có cách giải quyết khác. Ông lớn tiếng như mắng những người đang la ó phản đối người đàn ông lạ mặt. Gằn giọng với họ và giải thích rằng người đàn ông đó phải có quyền được nói vì 3 điều:

Thứ nhất, Mỹ là một quốc gia tôn trọng ngôn luận tự do. Và cho dù ngôn luận của người đàn ông đó có chướng tai thế nào thì ông ấy vẫn có quyền được nói. Tự do ngôn luận chính là tự do cho những điều chúng ta ghét.

Thứ hai, chúng ta không thể biết hết câu chuyện của người đang phản đối đó. Rất có thể ông ta là một cựu chiến binh, đang bức xúc vì cuộc sống của mình. Rất có thể ông ta thực sự có lý. Hoặc đơn giản rất có thể ông ta chỉ đang thể hiện chính kiến của mình. Con người không cần thiết phải lao vào đánh nhau vì những chính kiến khác nhau. Tự do không chỉ có nghĩa là nói về tự do, mà còn phải là thực hành, tôn trọng sự tự do đó cho cả những người khác chính kiến.

Cuối cùng, có nhiều cách để thể hiện chính kiến hơn là la ó tại buổi diễn thuyết hay dè bỉu những người gây rối. Obama nói rằng nếu bạn không đồng ý với điều gì, “hãy đi bầu đi”. Rất đơn giản để chỉ trích một cái gì đó, rồi than thân trách phận rằng tại sao số bạn đen đủi phải là… người Mỹ, sinh không phùng thời. Nhưng sự tự do là một quá trình kiến tạo xã hội và tập hợp lực lượng. Gandhi nói rằng nếu bạn muốn thay đổi điều gì thì hãy chính là sự thay đổi đó. Trên con đường kiến tạo tự do, bạn sẽ là một người tự do.

Mình nghĩ ba điều trên không chỉ phù hợp cho nước Mỹ, mà đặc biệt phù hợp cho một xứ sở có nhiều chuyện phải bàn như Việt Nam.

Video liên quan: