Nghĩ cho cùng tuổi già là tuổi già. Ở Mỹ hay ở Việt Nam, tuổi già cũng giống nhau. Con người mà. Ai cũng phải qua những giai đoạn sanh, bệnh, lão, và tử giống nhau.

tuoi gia
(Ảnh minh họa/Pixabay)

Là con người chúng ta, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam đều có những nhu cầu thân xác, tinh thần và tình cảm giống nhau. Cũng đau yếu bệnh hoạn như nhau. Cũng mất từ từ những khả năng sống độc lập của mình, như nhau. Cũng cảm thấy cô đơn, và luyến tiếc thời tuổi trẻ xa xưa, như nhau. Sự khác biệt nếu có, là do khác biệt văn hóa, và tổ chức xã hội lo cho họ, khi họ không sống được cuộc đời độc lập.

Người già ở Mỹ và ở Việt Nam khác nhau chỗ nào? Khác do khác biệt văn hóa, tổ chức xã hội, tổ chức lo cho người già, cùng khả năng và kiến thức của những người lo cho mình lúc tuổi già. Ở Mỹ, người ta muốn vui hưởng cuộc đời lúc về già. Nếu bệnh hoạn, có xã hội lo, bệnh ngắn hạn nằm nhà thương hoặc Rehab, bệnh dài hạn, lúc mất khả năng sống tự lập, vô assisted living, nặng hơn vô viện dưỡng lão (nursing home). Tổ chức lo cho người già là tổ chức chuyên môn, được huấn luyện đàng hoàng, được chánh quyền kiểm soát và cấp giấy phép hành nghề. Con cháu rảnh vô thăm người già, hoặc ngày lễ rước cha mẹ về sinh hoạt gia đình, không phải làm công việc của y tá. Ở Việt Nam, người ta không tin xã hội, chánh quyền, người già thích dọn về ở chung với con cháu, để con cháu lo. Trong 2 bài về tuổi già ở Mỹ trước đây, tôi có thảo luận sơ qua về khía cạnh văn hóa của vấn đề này (xem hai link dưới đây số 1 và 2).

Năm nay tôi 80 tuổi, hiện đang sống ở Mỹ. Ở Mỹ thế hệ tôi, chúng tôi được quyền về hưu và lãnh tiền hưu trí ở tuổi 65. Ở Mỹ nếu các bạn làm việc đàng hoàng, ngày già bạn sẽ đủ tiền sống. Nếu các bạn trốn thuế, không đóng tiền an sinh xã hội, không làm việc cho một hãng có lương hưu trí, ngày già các bạn ít tiền lắm. Thông thường những người ít tiền hay nghĩ đến việc về Việt Nam sống tuổi già, rẻ hơn. Với lợi tức 700-1,000 USD một tháng, các bạn sống thoải mái ở Việt Nam.

Những lúc về thăm lại quê hương, tôi thấy bạn bè và bà con của tôi phải đi làm kiếm tiền thêm lúc tuổi già. Ở Việt Nam, người già sống riêng không nổi, phải dọn nhà về sống với con cháu, con cháu nuôi. Ở Mỹ khác. Chúng tôi có tiền An sinh Xã hội, tiền hưu trí của hãng, và Annuities (tiền trợ cấp hàng năm), tức là tiền để dành có lợi, hãng bảo hiểm sẽ gởi tiền hàng tháng (hoặc hàng năm), cho các bạn đến khi chết. Tổ chức xã hội để người già đủ tiền sống mỗi nơi mỗi khác, đủ sống hay thiếu thốn, tùy xã hội, Việt Nam khác Mỹ.

Từ ngày hưu trí, vợ chồng tôi sống cho mình. Không sống cho ông chủ nào cả. Không còn bổn phận gì. Con cháu đã lớn khôn, và không cần chúng tôi nữa. Ở Mỹ tôi thường tự hỏi, phải sống tuổi già như thế nào cho xứng đáng những ngày làm lụng cực khổ mấy chục năm. Suốt thời tuổi trẻ tôi hy sinh chính mình, để giúp gia đình đứng vững và hội nhập vô xã hội Mỹ. Tôi đã bỏ hết những gì tôi yêu thích thời tuổi trẻ ở Sài Gòn, dạy học, viết văn, làm sách. Bỏ hết để học lại chuyên môn nước Mỹ cần, để làm việc kiếm tiền sống thoải mái.

Ngày già, tôi thường suy nghĩ, phải sống cuộc đời hưu trí như thế nào, để xứng đáng hơn, trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn, không hy sinh cá nhân nữa? Sống cuộc đời trọn vẹn, tự do, ý nghĩa? Viết văn trở lại? Khiêu vũ với người tình trăm năm, như thời tuổi loi choi? Du lịch khám phá nước Mỹ nơi tôi sống mấy chục năm, nhưng chưa hiểu gì nhiều? Trở về thăm lại quê hương? Du lịch thế giới? Tôi đã viết nhiều Blog tìm giải đáp cho vấn đề này, như “Lê Thành Hoàng Dân đi tìm hạnh phúc”, “Nước Mỹ nơi tôi đang sống”, “Du lịch thế giới”, “Việt Nam, quê hương mến yêu” v.v…

Tuổi già ở Mỹ có nhiều vấn đề. Nhiều bạn đã viết về sự cô đơn lúc tuổi già. Tôi cũng đọc một số bài về cách suy nghĩ lúc tuổi già, hay bớt tham sân si, và vui sống, chấp nhận cuộc sống hiện tại. Vợ chồng tôi cũng thử nhiều thứ, tìm một vài hobby (thú vui) riêng, những thú vui lôi cuốn mình sống cuộc đời trọn vẹn hơn. Ở Mỹ con cháu lớn khôn muốn sống đời độc lập. Tôi già nhưng cũng thích tự do, không muốn sống chung với con cháu, làm phiền chúng, và mất tự do của riêng mình.

Ở Việt Nam người già sống với con cháu, và mọi chuyện con cháu lo. Ở Mỹ gia đình thương nhau, nhưng con cháu và người già có nhiều lựa chọn, không bắt buộc phải lệ thuộc nhau như ở Việt Nam. Lúc trẻ, con tôi học đại học, mượn tiền chánh phủ để học, không cần tôi. Ngày già, xã hội tổ chức giúp tôi sống độc lập, không cần lệ thuộc vào con cháu. Chúng tôi thương yêu nhau vì tình cảm gia đình, không phải vì bắt buộc phải lệ thuộc vào nhau để sống, sống riêng không được.

Ở đây có tổ chức giúp việc ở nhà, như dọn dẹp, chùi rửa, nấu nướng v.v… Nếu sức khỏe đòi hỏi, ở Mỹ có những khu gọi là assisted living, chưa phải là viện dưỡng lão, nhưng ở đây có người giúp việc, nấu nướng, dọn dẹp, người già chỉ cần vui sống, mọi chuyện có người lo. Trong khu nầy mọi người già có phòng riêng, như ở khách sạn vậy. Nếu sức khỏe tệ hơn, bệnh hoạn nhiều, có viện dưỡng lão (nursing home). Đau bệnh nhiều có nơi nằm chờ chết (hospices). Ngoài ra có những nhà giữ người già, để con cháu đem mình đến gởi buổi sáng trước khi đi làm, và rước mình về buổi tối v.v… Xã hội được tổ chức trong chiều hướng giảm bớt áp lực con cháu lo cho mình lúc tuổi già.

Càng về già, câu hỏi này lởn vởn trong đầu tôi. Làm sao bảo vệ tài sản của mình, không tiêu tan lúc bệnh nặng sắp chết, hoặc lúc tuổi già sức yếu không tự lo liệu được, phải nhờ người giúp đỡ, hoặc vô viện dưỡng lão? 67% cư dân viện dưỡng lão ở Mỹ đã sạt nghiệp, không còn tài sản, sống nhờ Medicaid, sự bố thí của chánh phủ. Khi làm đơn xin vô viện dưỡng lão, các bạn phải kê khai tài sản. Nếu bạn không có tiền trả viện phí, họ sẽ lấy tài sản của bạn từ từ, cho đến khi hết, chánh phủ mới giúp.

Muốn bảo vệ tài sản, nhiều người đã chọn về Việt Nam chờ chết. Họ sống với con cháu, mướn phòng lạnh, người ở, sắp đặt bác sĩ và y tá đến thăm viếng thường xuyên. Chi phí này không hơn 2,000 USD một tháng, so với chi phí viện dưỡng lão ở Mỹ từ 5,000 đến 9,000 USD một tháng. Ở Mỹ có bảo hiểm trả chi phí viện dưỡng lão đến chết. Những giải pháp này được trình bày ở 3 bài “Làm sao bảo vệ tài sản dành dụm cả đời ngày vô viện dưỡng lão?”

(1) Tuổi già ở Mỹ, vui hưởng cuộc đời hay nằm nhà chờ chết?
(2) Sống tuổi già ở Mỹ

Theo facebook nhà giáo Lê Thanh Hoàng Dân

Xem thêm: