Mấy hôm nay, hàng nghìn người Ý đã chia sẻ trên mạng xã hội tấm ảnh này. Một bà mẹ đã dán lên phía sau xe của con gái mình một tờ giấy, viết ngắn gọn thế này: “Con gái tôi mới lái xe. Làm ơn đừng bóp còi nó, kẻo nó cuống. Cám ơn”. Kí tên: “Mẹ”. Đằng sau chiếc xe còn có một tờ giấy ghi chữ “P” (mới lái) mà rất nhiều người mới có bằng hoặc mới tập lái ở Ý dán vào sau xe (hồi mới sang Ý, mình cũng đã làm thế).

sang-ten-doi-chu
(Ảnh minh họa: antoangiaothong.gov.vn)

Lời thỉnh cầu rất giản dị và chân thành của người mẹ được nhiều người Ý chia sẻ, bởi tình yêu của bà dành cho cô con gái. Câu chuyện không chỉ liên quan đến tình yêu, sự bao bọc của mẹ cho con, mà còn là chuyện về còi. Ở Ý, người ta cũng bóp còi, nhưng không ầm ỹ và inh ỏi như ở mình. Tại các nước văn minh, tiếng còi xe được dùng cực kì hạn chế, chủ yếu là để cảnh báo, để chào nhau (ông hàng xóm luôn làm thế khi thấy mình ở trong sân nhà), để phản đối một ai đó đi ẩu, đi không đúng luật hoặc để nhắn nhủ một ai đó để xe chắn lối mình điều chỉnh lại xe. Những người mới lái hay gắn chữ “P” phía sau để báo cho mọi người rằng tay lái mình còn non, nếu “có gì thì bỏ quá cho”.

Ở mình, tiếng còi xe là một trong những nguồn gây ô nhiễm tiếng động kinh khủng, một phần bởi tâm lí sợ: sợ ai đó từ ngõ đâm ra không nhìn thấy mình và không cần biết ai đi đường ưu tiên hay không, và sợ hoặc muốn cảnh cáo người khác đi vào làn của mình. Nhưng đi kèm với nỗi sợ rất phi lí trong một XH mà phần đông người đi đường phớt lờ các biển báo và luật giao thông, là một tâm trạng khác, khiến tiếng còi trở thành một thứ vũ khí, mang một thông điệp rất sai: “tránh ra cho tao đi” (bất kể “tao” đi đúng hay sai, ngược chiều hay đúng chiều, đèn đỏ còn bao nhiêu giây). Và rồi các tâm lí ấy trở thành một thứ ám ảnh mãn tính, khiến cái ngón tay lúc nào cũng sẵn sàng bóp còi, trên những con đường chẳng ai quan tâm đến ai đi như thế nào.

Thế rồi khi người đi đường trở nên bất lực vì mắc kẹt trong một mớ bùng nhùng không ra hàng lối, tiếng còi thể hiện sự cáu kỉnh và bất lực của họ. Sự bất lực của người này lại đi cùng với thái độ lưu manh của người khác. Người ta sẵn sàng chửi người khác, đánh người khác chỉ vì họ bị cản trở, vì họ cảm thấy khó chịu với bao nỗi bực dọc trong người, và vì họ cảm thấy người kia không đi theo “luật rừng” của mình. Nhiều trường hợp, họ thể hiện sự bạo lực như một cách để giải quyết cái tôi ích kỉ của bản thân. Giao thông Việt Nam trở thành một tấm gương phản chiếu cái cách mà người ta đối xử với nhau trong xã hội, khi sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng cả sự khác biệt về quan điểm không hề tồn tại.

Nếu như trên Facebook, văn hoá tranh luận là thứ xa xỉ, bởi vì chỉ cần không vừa ý là hùa theo ném đá kiểu số đông và chửi bới văng mạng, giống như một lũ u mê đưa những người mà họ không thích lên dàn thiêu, thì ở ngoài đường, chúng ta đã và đang cư xử với nhau như những kẻ thù, người này coi người kia là kẻ ngáng đường mình, ăn cắp thời gian của mình, ảnh hưởng đến công việc riêng của mình. Khi bạn đi sai luật, bạn bị phạt, bạn tìm cách giúi tiền cho những người cảnh sát tha hoá và bạn về nhà, lên mạng chửi bới những người CSGT ấy ăn tiền của bạn, bạn đã hợp pháp cái sai của mình, biến nó thành đúng, và lưu manh hoá bản thân mình mà không hay.

Xe mình đã chữa xong còi từ lâu, nhưng mình không dùng nó. Mình không vội vàng gì cả, đi đúng làn, đúng đường, cũng không muốn phải cố gắng vượt ai trong một cuộc chạy đua hết sức vô lí để kịp làm một điều gì đó cho bản thân. Nên biến mỗi cuộc ra đường thành một cuộc vui trong khuôn khổ luật pháp và tôn trọng lẫn nhau. Đừng biến nó thành một cuộc tra tấn và mỗi con đường, mỗi ngày, thành một cái trại tâm thần khổng lồ…