“Tuyên truyền là để cưỡng ép một học thuyết lên tất cả người dân”, Hitler đã viết như vậy trong cuốn sách Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) khi nói về việc tuyên truyền cho hình thái Chủ nghĩa xã hội quốc gia (gọi tắt là quốc xã). Trong tiếng Anh, từ “tuyên truyền” (propaganda) và tẩy não, lừa dối có liên hệ với nhau, hoàn toàn là một từ mang nghĩa xấu. Dường như chỉ có ở các quốc gia độc tài thì từ “tuyên truyền” mới mang nghĩa chính diện…

Văn hóa nghệ thuật có thể bị tuyên truyền độc tài lợi dụng như thế nào?
Những nữ chiến binh trong một vở múa ballet tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: Byron Schumaker, Wikipedia, Public Domain)

Trong các hình thức tuyên truyền thì việc lợi dụng văn hóa nghệ thuật là một hình thức tuyên truyền rất phổ biến. Vào những năm Phát xít nắm quyền ở Đức, Hitler đã lợi dụng sách báo, tạp chí, phim ảnh, áp phích, radio, hay thậm chí cả nghệ thuật điêu khắc để phổ biến học thuyết phân biệt chủng tộc và dòng giống ưu tú của mình. Ở Trung Quốc, tiến xa hơn Phát xít, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn lợi dụng cả ca múa, nhạc, kịch, văn nghệ dân gian để đề cao những hình tượng đại biểu cho chế độ cầm quyền. Trong cả hai tình huống ấy, người ta nhận thấy một sự thay đổi đột ngột và dấu ấn cực đoan hết sức rõ rệt bên trong tư duy, ngôn ngữ và hành vi của người dân.

Làm thế nào những chế độ độc tài đó có thể đạt được hiệu quả như vậy trong một thời gian ngắn ngủi?

Bên cạnh việc sử dụng bạo lực để cưỡng ép và khuất phục người dân, còn có một hình thức tinh vi khác là lợi dụng văn hóa nghệ thuật. Bởi vì tâm lý thẩm mỹ của con người mang tính ổn định nhất định, thói quen thẩm mỹ hình thành qua thời gian lâu dài không dễ dàng thay đổi. Chính vì thế, nếu để học thuyết mới như của Hitler hay Mao Trạch Đông tồn tại riêng lẻ một mình thì chúng khó mà có thể đứng vững. Chỉ có cách dùng bình cũ đựng rượu mới, lợi dụng thói quen thẩm mỹ cố hữu của con người ta, thì mới có thể khiến tuyên truyền độc tài nhanh chóng ăn sâu vào tư tưởng của con người.

Vậy nên, các chế độ độc tài thường khéo léo chèn thêm những lời ca ngợi, những câu nói dễ nhớ, những trích dẫn dễ thuộc, những tình tiết có lợi cho học thuyết cực đoan vào nội dung văn hóa nghệ thuật, khiến cho trong khi một người ngâm vịnh thơ, ngân nga làn điệu dân gian, đọc tiểu thuyết, xem kịch nói, xem phim, thì trong vô ý mà trở thành tù nhân của thứ văn hóa độc tài nhồi nhét ấy. Hình thức truyền tải nội dung tuyên truyền loại này vừa mang tới cho người ta cảm giác thân thuộc, lại vừa mang tới cho người ta cảm giác mới lạ, đạt hiệu quả tối đa trong tuyên truyền.

Bên cạnh đó, để tăng nhanh tốc độ “ngấm”, cả Phát xít lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc đều sử dụng chiêu bài bỏ đói văn hóa. Bộ tuyên truyền của Phát xít ra lệnh đốt sách, cấm sách. Đảng Cộng sản Trung Quốc thì phát động Đại cách mạng văn hóa thiêu hủy văn vật. Nguyên nhân đều có liên quan tới việc tăng cường cơn đói văn hóa. Đối với những người đói khát thì đồ ăn nào cũng đều là cao lương mỹ vị. Khi khó mà nhẫn chịu sự đói khát ấy, con người đành phải uống rượu độc để giải khát, vậy là văn hóa tuyên truyền đã thừa cơ mà xâm nhập vào.

Văn hóa nghệ thuật có thể bị tuyên truyền độc tài lợi dụng như thế nào?
Đức quốc xã đốt sách. (Ảnh: Bundesarchiv, Bild 102-14597, Georg Pahl, CC-BY-SA 3.0)

Khi người ta bắt đầu quen với thứ văn hóa tuyên truyền đó rồi, thì các chế độ độc tài tiếp tục tiến một bước nữa, lợi dụng hiệu ứng nghiện để thấm nhuần những học thuyết cực đoan vào người dân. Con người không cần sống nhờ vào rượu, với người không uống rượu, mùi vị của rượu cũng không thấy vừa miệng chút nào. Nhưng vì sao có người lại quý rượu như sinh mệnh? Chính là do hiệu ứng nghiện. Suốt một thời gian dài chìm đắm trong một loại văn hóa tuyên truyền, người ta sẽ bị nuôi dưỡng thành một kiểu tâm lý mong đợi. Một tác phẩm chứa đầy những mong đợi này, cũng giống như gãi đúng chỗ ngứa, sẽ khiến người ta nảy sinh cảm giác thỏa mãn. Cái gọi là mỹ cảm, trong tuyệt đại đa số các tình huống, chính là cảm giác thỏa mãn đối với cơn nghiện – dù có thể là nghiện lành mạnh hay không. Hiểu được điểm này sẽ không khó để minh bạch rằng, mỹ cảm đôi khi là phi lý tính, có thể tạo ra một cách nhân tạo, mà tâm lý thẩm mỹ của con người cũng có thể bị người khác thao túng lợi dụng…

Vậy nên một câu khẩu hiệu, một bài hát, một bức tranh, một ví dụ, một hình tượng, một truyền kỳ lịch sử, hay thậm chí một câu chuyện tình yêu đều có thể mang theo những chi tiết tuyên truyền, khiến người ta mới đầu thì phản cảm, nhưng dần dần sẽ “nghiện”. Chẳng hạn như mô típ kẻ địch thì tàn bạo, háo sắc và ngốc nghếch, còn người chiến sĩ của chế độ thì anh dũng chiến đấu và hy sinh; hay trong khi thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên thì nhất định phải nhớ đến công lao to lớn của chế độ cầm quyền…

Có câu tục ngữ rằng “quê cũ khó rời”, khi sống tại một môi trường trong thời gian lâu, người ta sẽ nảy sinh tình cảm quyến luyến với hoàn cảnh đó. Nếu người ta chìm trong văn hóa nghệ thuật tuyên truyền một thời gian dài thì sẽ sinh ra sự lệ thuộc tinh thần vào thứ văn hóa này. Dù bản thân họ lờ mờ hiểu, nhưng khi có ai đó chê bai thứ ngụy nghệ thuật này thì người ta lại cảm thấy thất vọng hụt hẫng, phản cảm, thậm chí ra sức bảo vệ cho thứ văn hóa tuyên truyền đó. Đây quả là một hội chứng tâm lý không hề nhẹ… Có thể dứt bỏ hội chứng này hay không là câu hỏi khó có thể trả lời, nhưng việc này chắc chắn phải bắt đầu bằng cách nhận thức đầy đủ về nó.

Blogger Thuận Nhân

Xem thêm:

Mời xem video: