Về phương diện lịch sử –  văn hóa, người Trung Quốc thiên về ý thức gia tộc/gia đình chứ không mấy lưu tâm về vấn đề tổ quốc, không có chủ nghĩa dân tộc. Vì sao hiện nay chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc lại ngày càng phức tạp?

Chu nghia dan toc cuc doan

Việc Chính phủ Hàn Quốc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad khiến phong trào thị uy chống Hàn Quốc tại Trung Quốc Đại Lục đang lên cao. Sản phẩm của tập đoàn Lotte bị tẩy chay, nhiều công ty Hàn Quốc bị bao vây, người Hàn Quốc sinh sống tại Trung Quốc bị chửi bới, tấn công. Nhiều hãng du lịch, chuyến bay, tàu thủy Trung Quốc hạn chế hoặc hủy bỏ cập bến Hàn Quốc. Nhiều người có tên Hàn Quốc Cường, Hàn Quốc Thắng… đang cân nhắc việc đổi tên. Nam ca sĩ Hàn Hồng của Hàn Quốc bị người Trung Quốc gọi thành Hàn Hắc. Hiện đã có xe hơi thương hiệu Hàn Quốc bị đập phá. Cùng lúc lại nổi lên vấn đề áo thun của một hãng sản xuất Đức có chữ xúc phạm Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối, còn cư dân mạng Trung Quốc cũng đe dọa sẽ đập phá xe hơi của Đức.

Những biểu hiện vừa kể được lấy danh nghĩa yêu nước, nhưng lại là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc (cực đoan). Chủ nghĩa yêu nước là yêu đất nước mình nhưng không bài xích, phá hoại sản phẩm của nước ngoài, cho dù là một quan niệm hay sản vật. Còn chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) thì dùng thủ đoạn bất kể lý lẽ núp bóng dưới danh nghĩa yêu nước, nó thể hiện rõ qua việc nhiều người Trung Quốc chống Mỹ, chống Nhật, tẩy chay Carrefour của Pháp trong những năm qua, hiện nay là tẩy chay Lotte Mart của Hàn Quốc. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước thù địch nhau, thế nhưng Trung Quốc lại có thể bế tắc trong quan hệ với cả hai nước, đây là chuyện hiếm thấy trên thế giới.

Nhiều người cảm thấy khó hiểu, vì với xu thế mở cửa của Trung Quốc và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước diễn ra tấp nập, trình độ quốc tế hóa ngày càng sâu, đáng lý chủ nghĩa dân tộc bài ngoại phải ngày càng suy yếu, thế nhưng tại sao ngược lại? Nếu về tranh chấp lãnh thổ thì Trung Quốc xảy ra nhiều nhất với Nga, nhưng tại sao không thấy người Trung Quốc chống Nga trắng trợn như thế? Nhìn từ góc độ chiến tranh trong lịch sử, Đức và Pháp là kẻ thù của nhau, từ cuộc chiến của Napoleon, chiến tranh Pháp – Phổ, cho đến hai cuộc chiến tranh thế giới, Đức và Pháp đánh nhau vô cùng khốc liệt, tưởng như thù hận ngút trời, thế nhưng hiện nay người ta vẫn hợp tác thân mật với nhau, còn cùng nhau thúc đẩy nhất thể hóa châu Âu. Nếu nhìn từ những ân oán trong lịch sử thì Nhật và Hàn Quốc cũng kinh khủng, trong khi Trung Quốc chỉ bị Nhật đánh chiếm một nửa giang sơn thì toàn bộ bán đảo Hàn Quốc chìm đắm trong nạn thực dân Nhật Bản kéo dài 50 năm. Thế nhưng hiện nay hoạt động thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản rất thân thiết, có mâu thuẫn cùng nhau thương thảo, không động một chút là tẩy chay nhau.

Nguyên nhân nói trên đều không phải, xem ra chỉ có thể là chính trị. Tại Trung Quốc, trước chiến tranh nha phiến là cuộc chiến giữa các vương triều, các triều đại thay nhau cai trị, đất nước luôn bị phá hoại nhưng giang sơn vẫn còn đó, người Trung Quốc thiên về ý thức gia tộc/gia đình chứ không mấy lưu tâm vấn đề tổ quốc, không có chủ nghĩa dân tộc. Tuy người Hán từng nằm dưới ách thống trị của người Mông Cổ, Mãn Thanh, nhưng đây chỉ là thất bại về quân sự, còn về văn hóa văn vật thì tộc Hán vẫn chiếm ưu thế, chế độ chính trị vẫn dùng người Hán, cuối cùng thì những dân tộc thiểu số đều trở thành một phần của dân tộc Trung Hoa.

Chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc chỉ thực sự nổi lên sau xâm lược của phương Tây, khi đó những dân tộc này hoàn toàn áp đảo dân tộc Hán, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần và mặt chính trị, người Trung Quốc không chỉ đứng trước nguy cơ bị đồng hóa mà thậm chí có thể mất nước và diệt chủng. Đặc biệt là nước Nhật hùng cường sau khi được Tây phương hóa đã hai lần gây chiến với Trung Quốc và đều áp đảo toàn diện, từ đây nguy cơ thảm họa dân tộc và nhu cầu cứu nước tại Trung Quốc nổi lên, kéo theo chủ nghĩa dân tộc hưng khởi.

Sau năm 1949, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc hoàn toàn lép vế. Bất luận giúp Triều Tiên đánh Mỹ, chống Mỹ, chống Liên Xô cũ, chi viện nước ngoài, tuyên truyền ý thức cách mạng đều theo ý thức hệ (ideology) của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế, chống lại chủ nghĩa dân tộc. Sau cải cách mở cửa, về cơ bản ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản càng nhạt dần, cùng với việc lấy xây dựng kinh tế làm trọng tâm thì vấn đề ý thức hệ càng mất sức thu hút. Nhưng khi trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới với một Chính phủ có tiền nhiều nhất thế giới, về đối ngoại giới chức Trung Quốc muốn mở mang kinh tế và lợi ích chiến lược, về đối nội muốn thay đổi các vấn đề dân sinh và xã hội, vì vậy mà “mặc kệ và lợi dụng” chủ nghĩa dân tộc trở thành lựa chọn tốt nhất cho mục tiêu đối ngoại, gắn kết lòng người.

Sở dĩ nói “mặc kệ và lợi dụng” chủ nghĩa dân tộc, vì nhiều năm qua những phong trào khiếu kiện giải tỏa đất đai, đòi công bằng giáo dục, người lính tuổi già đòi quyền lợi, nhà đầu tư bị lừa đảo; những đợt thỉnh nguyện trên đường phố đòi quan chức công khai tài sản, nền chính trị dân chủ… đều bị cấm cản, giải tán. Vì danh nghĩa ổn định xã hội mà Chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt, bắt bớ, đàn áp có tổ chức, không bao giờ để cho hoạt động biểu tình thị uy bùng nổ mang tính toàn quốc. Duy nhất chủ nghĩa dân tộc thể hiện chống Mỹ, chống Nhật, tẩy chay Hàn Quốc, tẩy chay tất cả các nước làm Trung Quốc không vui tràn lan trên mạng internet thì được thoải mái.

Trong va chạm mâu thuẫn, tranh chấp về ngoại giao giữa các nước, có thể cùng nhau đàm phán thỏa hiệp, hoặc nhờ trọng tài, nếu nhất thời chưa giải quyết được thì việc chính trị giữa các Chính phủ hà tất lôi kéo dân chúng và thương mại vào. Còn về vấn đề Thaad, ai cũng hiểu nguyên nhân chính do Bắc Triều Tiên nhưng có Mỹ đứng sau. Không nên vô lý trút vào doanh nghiệp, diêm vương không dám đụng thì trút giận vào tiểu quỷ.

Theo Facebook Kiều Mộc (Nguyễn Đoàn dịch)

Xem thêm: