Trong vòng 5 năm qua, chưa có nước nào ở Đông Nam Á thách thức tham vọng chiến lược trong khu vực của Trung Quốc kiên quyết hơn Việt Nam. Việt Nam liên tục đứng lên chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam cũng đã tìm cách cho phép công ty Mỹ thăm dò dầu ở khu vực có tranh chấp. Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng xây dựng trên các rạn san hô ngập nước, các hòn đảo nhỏ và các mỏm đá mà họ quản lý, tuy nhiên với quy mô nhỏ hơn nhiều. Có lúc, nước này đã cố gắng tìm kiếm sự hợp tác của các hàng xóm, như Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III, để làm nổi bật cái mà Hà Nội xem là các hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc ở biển Đông.

Để chống lại Trung Quốc, Việt Nam đã xây dựng quan hệ chiến lược gần hơn với Mỹ. Trước năm 2017, Hà Nội dường như đã sẵn sàng chấm dứt việc đánh đu giữa Bắc Kinh và Washington mà ngả hẳn về gã khổng lồ phương tây. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện dưới chính quyền Obama, như gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và kéo gần quan hệ giữa hai quân đội.

Trong năm đầu của Tổng thống Trump, Việt Nam tỏ ra không còn chắc chắn như trước về canh bạc trong quan hệ với Mỹ, mặc dù họ cũng chào đón Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis một cách nồng ấm hồi tuần trước. Hà Nội có vẻ đã lưỡng lự rút lui một chút khỏi lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Việt Nam hồi tháng 1/2018

Phải chăng Việt Nam trong thời kỳ của Trump đang cảm thấy áp lực từ sức mạnh quân đội và quan hệ thương mại mà Hà Nội phụ thuộc nhiều vào người khổng lồ láng giềng? Có lẽ vậy, nhưng thậm chí nếu Hà Nội cho rằng họ không thể tin tưởng cam kết thương mại và chiến lược dài hạn của Washington, họ cũng sẽ không tiến quá gần về phía Bắc Kinh. Thay vào đó, Việt Nam sẽ tìm những cách mới để “đánh đu” và thực hiện mục đích của mình, bằng cách hợp tác với các đối tác khác trong khu vực.

Nhưng Việt Nam đã chọn cách tiếp cận đối đầu ít công khai hơn đối với Trung Quốc và điều này trở nên rõ ràng từ giữa năm ngoái. Sau lúc đầu trao quyền thăm dò dầu mỏ trong một vùng tranh chấp trên biển Đông cho công ty Repsol của Tây Ban Nha, Hà Nội cuối cùng lại lựa chọn việc dừng dự án vào cuối năm ngoái. Động thái này được báo chí quốc tế tiết lộ là do Hà Nội chịu sức ép từ Bắc Kinh. Sau đó, vào tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo hai nước Việt – Trung đã phát đi tuyên bố chung hữu nghị, trong đó cả hai nước cam kết duy trì hòa bình tại biển Đông.

Có nhiều lý do giải thích cho việc Hà Nội thay đổi thái độ, và không phải tất cả đều liên quan đến chính quyền Trump. Việt Nam cũng không còn coi Phillippines là một đối tác đáng tin cậy nhiều trong các tranh chấp biển Đông từ khi nước này được điều hành bởi Tổng thống Rodrigo Duterte. Mặc dù chính quyền Aquino đã khởi kiện yêu sách của Bắc Kinh tại biển Đông ra Tòa Trọng tài Quốc tế, và công khai hạn chế tham vọng bành trướng khu vực của Bắc Kinh, nhưng rồi ông Duterte bắt đầu quay sang ve vãn Trung Quốc, bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài, cắt giảm một số trao đổi quân sự Philippines – Mỹ và luôn lùi bước bất cứ khi nào Trung Quốc công khai gây áp lực buộc ông ta không được khẳng định chủ quyền của Philippines trên biển Đông. Trong vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2017, Philippines khiến cho khối này ít tập trung vào các mối đe dọa từ Trung Quốc. Những thách thức chính trị nội bộ tại Việt Nam, nổi bật nhất là cuộc thanh trừng tham nhũng quy mô lớn nhắm vào các cấp cao nhất, có thể cũng khiến các lãnh đạo Hà Nội sao nhãng chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách của Mỹ có thể đã đóng một vai trò trong cách tiếp cận ôn hòa hơn của Việt Nam đối với Trung Quốc. Tướng Mattis và Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn ở biển Đông, đặc biệt thông qua lịch trình đều đặn của các hoạt động tư do hàng hải. Những hoạt động này bao gồm việc điều một động tàu khu trục tới gần Bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp, chỉ thời gian ngắn trước chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis tới Việt Nam. Lầu Năm Góc thông báo rằng họ sẽ điều hàng không mẫu hạm tới Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong chuyến công du Đông Nam Á của mình, Tướng Mattis tiếp tục báo hiệu sẵn sàng gọi các phần của vùng biển Nam Trung Hoa (biển Đông) theo tên mà các quốc gia Đông Nam Á gọi, ví như Indonesia, chứ không phải là theo cách của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian từ khi ông Trump bắt đầu nhậm chức, các quan chức Việt Nam đã khó chịu hơn trước những hành động và phát ngôn cứng rắn về thương mại của chính quyền Mỹ. Giới chức Hà Nội lo ngại động thái của chính quyền Trump như vậy có thể gây tổn hại cho các khía cạnh khác trong mối quan hệ Mỹ – Việt. Ngoài việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)- một thỏa thuận thương mại đa phương đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam – ông Trump đã đưa ra một bài phát biểu với tư tưởng bảo hộ trong Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ngay tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái, trong đó Tổng thống Mỹ đã than phiền về “thương mại không công bằng” và thúc đẩy nghị trình ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông. Vào tháng 12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế cao đối với một số loại thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Các quan chức Việt Nam nói chung không chắc chắn về cách tiếp cận dài hạn của chính quyền Trump đối với Đông Nam Á, đặc biệt với việc Washington đã tập trung – không phải là không hợp lý – vào Bán đảo Triều Tiên. Họ cũng không biết mối bận tâm của Nhà Trắng trong việc khôi phục lại cái gọi là nhóm “Bộ Tứ” tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ diễn ra như thế nào và sự khác biệt để thực sự có thể tạo ra là gì trong việc ngăn chặn các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Nhóm “Bộ Tứ” mà Hoa Kỳ muốn tiếp cận tại khu vực rộng lớn Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ có thêm Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Mối quan hệ chiến lược Mỹ – Việt, ở mức cao nhất, hiện nay sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ cho dù Hà Nội sẽ không trở thành đối tác gần gũi với Mỹ như Singapore vì hai bên vẫn có những căng thẳng thương mại kéo dài. Tuy nhiên, thay vì kéo gần hơn vào Trung Quốc, Việt Nam đang đa dạng hóa các nỗ lực của mình để chống đỡ lại sức mạnh đang lên tại khu vực của Bắc Kinh.

Một phần, Hà Nội có thể hợp tác gần gũi hơn với Singapore, nước Chủ tịch ASEAN năm nay, để cố gắng thiết lập sự đồng thuận nội khối về việc đối phó với Bắc Kinh. Singapore thường có cách tiếp cận với Bắc Kinh mang tính chiến đấu nhiều hơn so với Philippines dưới thời ông Duterte.  Với những nhà ngoại giao có kỹ năng hàng đầu, Singapore đã từng là nước điều hành ASEAN hiệu quả. Nếu phải chỉ ra nước nào có thể thuyết phục các nước ASEAN đoàn kết cùng nhau và đại diện thành một mặt trận thống nhất trong cuộc đàm phán về Quy tắc ứng xử (COC) tại biển Đông với Trung Quốc, đó có thể chính là Singapore.

Việt Nam đang thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với Singapore, và cũng làm điều tương tự với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Nhật Bản và Việt Nam đã nâng cấp đối tác chiến lược vào năm 2014 và Tokyo đang bán cho Hà Nội nhiều tàu tuần tra và các vệ tinh quan trắc có radar. Việt Nam đã từng kêu gọi Hàn Quốc cần đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực Đông Nam Á, nhưng Seoul chưa có những phản ứng rõ ràng về đề xuất này.

Xa hơn, Việt Nam đang cố gắng lôi kéo Ấn Độ tăng cường an ninh cho mình, thậm chí thúc đẩy hải quân Ấn Độ cần quyết đoán hơn tại biển Đông. Đầu tháng 1/2018, Việt Nam đã mời gọi các công ty Ấn Độ đầu tư mới vào các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt tại biển Đông, động thái chọc giận Bắc Kinh.

Về nội lực của mình, Hà Nội đang nâng cao năng lực và khả năng quân sự trên biển Đông. Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự, thành lập hạm đội tàu ngầm lớn nhất ở Đông Nam Á và nâng cấp các lực lượng hải quân bằng nhiều cách khác nhau.

Với việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ Nhật Bản trở thành lãnh đạo khu vực về thương mại. Nhật Bản, được sự hậu thuẫn của Hà Nội và các thành viên TPP khác, đã giúp thúc đẩy một thỏa thuận cứu sống TPP không Mỹ; thỏa thuận mới này, bây giờ được gọi là Hiêp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã kết thúc đàm phán vào giữa tháng Một vừa qua và dự kiến sẽ được ký vào tháng Ba.

Việt Nam trong năm ngoái có thể đã trở nên dịu nhẹ công khai với Trung Quốc vì Hà Nội muốn tìm hiểu kỹ hơn về chính sách của chính quyền Trump tại Châu Á và đồng thời giải quyết sự chia rẽ trong nội khối ASEAN. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ vẫn là đối thủ kiên cường nhất đối với tham vọng quân sự của Trung Quốc tại biển Đông, thậm chí nước này phải nỗ lực phát triển các đối tác ngoài Washington nhằm giúp bảo vệ chính mình.

Tác giả: Joshua Kurlantzick – chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Hội đồng Ngoại giao (Mỹ)

Tân Bình biên dịch

Xem thêm: