Liên tiếp từ hôm Tòa tuyên phạt BS Lương 42 tháng tù, nhiều bạn đã gởi cho tôi các bài viết qua tin nhắn, cũng như gọi điện thoại trao đổi trực tiếp, chứng minh rằng BS Lương thật sự có tội.

bs luong
BS Hoàng Công Lương (trái) khi thăm khám cho bệnh nhân chạy thận tại Đơn nguyên chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: FB BS Hoàng Công Tình)

Hôm nay (*), đọc status của BS Lương Quốc Chính, và sau đó là status phản biện của BS Bùi Nghĩa Thịnh, tôi hiểu rằng, đang có một chiến dịch thuyết phục rằng, BS Lương thực sự có tội, và Tòa án Hòa Bình xử như vậy là không oan. Chuyện này cũng dễ hiểu, nếu như những người cố gắng chứng minh BS Lương có tội là những người không liên quan đến ngành y. Nhưng nó thực sự không đơn giản khi các đồng nghiệp y khoa cũng tham gia chứng minh một điều không đúng sự thực.

Vấn đề của BS Lương nằm ở chỗ BS Lương đã không chờ biên bản bàn giao được ký xong mới cho y lệnh chạy máy lọc thận, mà cho y lệnh chạy máy lọc thận trước khi biên bản bàn giao được ký. Những nét chính yếu về việc này được diễn giải như sau:

(1): Cho đến thời điểm xảy ra thảm họa, không có quy trình nào của bệnh viện, hoặc của cấp cao hơn, được phổ biến, rằng phải có biên bản bàn giao mới được chạy máy lọc thận.

(2): Trên thực tế, BS Lương không ký, và không có bất cứ ai trong khoa Hồi sức tích cực hay Đơn nguyên thận nhân tạo ký, biên bản bàn giao máy lọc thận cho phòng vật tư, thì tại sao lại phải có biên bản khi phòng vật tư bàn giao máy lại cho BS Lương, hoặc cho ai đó của khoa Hồi sức tích cực, hay Đơn nguyên thận nhân tạo.

(3): Trên thực tế, việc bàn giao đã xảy ra, bằng miệng. Bằng chứng cho việc này là sau khi xảy ra thảm họa, mọi người vẫn lập ra và ký vào biên bản, như một hình thức xác nhận quá trình bàn giao. Việc này cũng được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Hòa Bình và Tòa án Hòa Bình công nhận, vì không ai trong số họ khuyến cáo truy tố tội danh làm giả hồ sơ, tạo bằng chứng giả cho việc ký biên bản bàn giao hệ thống sau khi thảm họa xảy ra.

Tuy nhiên, nếu có quy định chung chung nào đó về các thủ tục hành chính, là toàn bộ các hoạt động như việc sửa chữa máy móc, trang thiết bị… phải có biên bản bàn giao mới được phép đưa vào sử dụng, thì việc BS Lương ra y lệnh chạy thận khi chưa có biên bản chỉ có thể là lỗi hành chính, vì:

(4): Nếu BS Lương chờ biên bản được ký xong mới cho y lệnh chạy máy lọc thận, thì thảm họa vẫn cứ xảy ra, vì chất độc đã nằm trong nước RO dùng để lọc thận.

Ở lần xử án thứ 2, anh Quốc đã phản cung, và cho rằng mình chưa thông báo hoàn tất quá trình sửa chữa, do phải chờ xét nghiệm AAMI, và BS Lương cho y lệnh chạy máy lọc thận khi hệ thống chưa sửa xong. Điều này có nghĩa là, nếu BS Lương chờ biên bản bàn giao, thì anh Quốc, cũng như công ty Thiên Sơn, đã có thời gian làm xét nghiệm AAMI, và hệ thống chỉ được bàn giao khi nước RO đã thực sự tốt.

Để xác minh những lời khai khi anh Quốc phản cung là đúng hay sai không quá khó khăn.

(5): Qua 16 lần sửa chữa hệ thống RO, chưa bao giờ có chuyện đề nghị xét nghiệm AAMI, tại sao lần này lại đề nghị?

(6): Nếu thực sự có việc bắt buộc phải xét nghiệm AAMI, thì tại sao bên anh Quốc, công ty Thiên Sơn, Ban Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình, Phòng Vật tư Bệnh viện Hòa Bình, và anh Sơn, không phổ biến cho Khoa Hồi sức tích cực? Trên thực tế, tất cả những người liên quan, đều không biết là cần phải xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa.

(7): Nếu thực sự có việc bắt buộc phải xét nghiệm AAMI, thì tại sao công ty Thiên Sơn và Ban Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình không lên kế hoạch, gởi những những bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ tại bệnh viện đi nơi khác (vì việc xét nghiệm đòi hỏi phải ngưng lọc thận trong khoảng 2 tuần), mà lại để họ cứ tiếp tục vào bệnh viện để được lọc thận?

(8): Nếu thực sự cần phải xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa, trước khi được phép sử dụng nước RO ấy để chạy máy lọc thận, thì tại sao anh Quốc, và cả anh Sơn, không ngăn chặn việc cho chạy máy lọc thận, mà lại hẹn đến trưa mới lấy mẫu, và để cho chuyện lọc thận xảy ra?

Anh Quốc nói anh Quốc có lỗi trong việc không ngăn chặn. Đây không thể đơn giản là lỗi được. Anh Quốc hoàn toàn ý thức được, việc sửa xong hệ thống nước RO thì phải xét nghiệm AAMI (cứ cho đó là việc cần thiết như anh Quốc và công ty Thiên Sơn trình bày tại Tòa), vậy mà anh Quốc đã không ngăn chặn việc chạy máy lọc thận có sử dụng nước RO từ hệ thống anh ấy mới sửa xong và chưa được thử nghiệm.

Đây mới là mấu chốt của vấn đề. BS Lương không biết, và không ai trong Đơn nguyên thận nhân tạo cũng như Khoa Hồi sức tích cực biết, là phải xét nghiệm xong mới được đưa hệ thống vào sử dụng. Việc nói BS Lương phải biết gì đó chỉ là suy diễn không có căn cứ.

Nếu thực sự, Tòa án Hòa Bình cho rằng có một nút chặn để ngăn ngừa thảm họa xảy ra, thì:

(9): Nút chặn cuối cùng phải là việc anh Quốc ngăn chặn, không cho phép Đơn nguyên thận nhân tạo chạy máy lọc thận, chứ không phải việc BS Lương cho y lệnh. Trên thực tế, anh Quốc đã không thực hiện vai trò nút chặn cuối cùng, để xảy ra thảm họa.

Những điều tôi nói trên đây đều chỉ dựa trên những tình tiết Tòa dùng để buộc tội BS Lương. Theo đúng những tình tiết mà Tòa dùng để buộc tội BS Lương, thì

(10): BS Lương chỉ vi phạm lỗi hành chính. Việc đó chỉ có thể xử lý hành chính, bằng kỷ luật hoặc phạt tiền, hoặc cả hai.

(11): Ngay cả khi Tòa cho rằng việc BS Lương đã ra y lệnh chạy máy lọc thận khi chưa có biên bản bàn giao hệ thống lọc nước RO cho Đơn nguyên thận nhân tạo hay Khoa Hồi sức tích cực là lỗi hình sự, thì nó phải là tội “Vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh”, theo điều 242 Bộ Luật hình sự 1999. Mà tội này thì cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã không thể quy kết cho BS Lương.

Trên thực tế, còn có những góc khuất khác trong vụ việc này.

Có những nghi ngờ về kết quả giám định, và các Luật sư đã yêu cầu chất vấn các Giám định viên, nhưng Tòa đã không cho phép. Một vấn đề cực kỳ quan trọng, là theo bản vẽ tay của anh Quốc, hệ thống RO của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã được lắp đặt sai. Đó mới là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của 9 nạn nhân trong thảm họa lọc thận Hòa Bình.

Tất nhiên, tôi không chỉ nhận được ý kiến cho rằng BS Lương có tội. Ngoài những ý kiến cố gắng chứng minh BS Lương có tội, tôi cũng nhận được ý kiến từ nhiều nhà khoa học, là chuyên gia trong lĩnh vực nước RO và lọc thận, ở cả trong và ngoài nước, và nhiều luật sư. Họ đều cho rằng BS Lương không có tội.

Đặc biệt, một số chuyên gia ở nước ngoài đã gợi ý khả năng hỗ trợ đưa vấn đề này ra các tổ chức quốc tế.

Theo Facebook BS Võ Xuân Sơn

(*) Bài viết đăng ngày 8/2/2019.

Xem thêm: