Giai đoạn tôi ở Nhật cách đây hơn 10 năm thì thấy các nhân viên một số nhà hàng sang trọng, nhân viên chế biến thức ăn ở các quầy hàng đặt ở siêu thị có đeo kính chắn giọt bắn. Đó là một loại kính plastic chỉ che phần miệng và mũi của người chế biến thức ăn để ngăn việc phun sương từ người chế biến thức ăn vào thức ăn.

deo kinh ngan giot ban
Các học sinh lớp 1.1, Trường Tiểu học Nhị Đồng (phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương) đeo khẩu trang, đội nón ngăn giọt bắn trong lớp học, ngày 4/5. (Ảnh: FB)

Kính chắn giọt bắn cũng được dùng trong bệnh viện (loại che cả mặt) trong điều kiện các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân có nguy cơ lây lan virus. Cực chẳng đã họ mới phải mang đồ bảo hộ như vậy bởi vì nguy cơ lây chéo ở môi trường đầy vi khuẩn và virus.

Vậy học sinh đeo kính chắn giọt bắn có phù hợp và hiệu quả không? – Câu trả lời là không phù hợp! Việt Nam đã xác định không còn mầm dịch trong cộng đồng mới cho học sinh đi học. Vậy việc đeo cái kính kia để làm gì?

Đeo kính chắn giọt bắn có hiệu quả không? Cũng không!

Cơ chế lây lan virus không chỉ do ho, hắt xì từ miệng, mũi mà còn từ tay đến các vật dụng mà tay tiếp xúc sau đó đưa lên mũi, miệng. Trong quá trình đi học, học sinh không thể không chạm vào bàn, ghế, tay nắm cửa, cầu thang, quần áo. Với việc virus tồn tại lâu trên bề mặt vật chất thì ngay cả khi giãn cách 1,5m cộng với chia ca học thì nguy cơ lây bệnh vẫn có nếu có em nào đó có mầm bệnh. Chỉ cần em bị bệnh chạm tay vào bàn học buổi sáng và em buổi chiều ngồi cùng chỗ chạm vào cũng dính. Vậy nên, việc đeo kính bảo hộ không triệt tiêu hết nguy cơ lây bệnh.

Chia ca và giãn cách 1,5m cũng không làm giảm nguy cơ lây bệnh mà chỉ làm cho việc bố trí lịch học của nhà trường và giáo viên thêm loạn. Học sinh vốn hiếu động, thoát khỏi sự giám sát của thầy cô là ngay lập tức nô đùa, ôm vai bá cổ nhau. Thế thì đeo bảo hộ làm gì? Để chụp ảnh lấy thành tích???

Cách tốt nhất là cho các nhà trường tổ chức học bình thường. Khi nào trong cộng đồng của một học sinh nào đó phát hiện ổ dịch thì cho đóng cửa trường học tạm thời ở nơi học sinh đó học rồi tổ chức học bù sau.

Nguy cơ đeo kính bảo hộ trong lớp học

Hai ngày tới đây (ngày 6-7/5) nhiệt độ ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ tăng cao, có nơi đến 39 độ C. Với nhiệt độ cao hơn 35 độ C, con người đã thấy ngột ngạt, lên 39 độ C mà không có quạt gió và điều hòa thì có nguy cơ bị ngất nếu ngồi liền trong phòng 3 tiếng.

Nếu có quạt mà đeo khẩu trang và che kính kín mặt thì nguy cơ cao bị choáng vì thiếu oxi và ngột thở. Chỉ cần một em bị ngột thở và ngất trong lớp học sẽ có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền nhiều em bị ngất theo. Và lúc đó là vỡ trận giữa trưa nắng. Không đủ xe cứu thương và phòng y tế cho một sự cố y tế dây chuyền như thế đâu.

Kính bảo hộ kia đeo lâu cũng gây lóa mắt, dễ hỏng mắt.

Vậy nên, theo tôi, nhà trường cần linh động trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe học sinh. Nếu cứng nhắc thì phản tác dụng và thêm hệ lụy. Còn nếu đi học mà học sinh phải chịu cực khổ thế này thì nên cho các em nghỉ, chọn hình thức học khác. Mong rằng ngày mai mọi người sẽ được thấy những hình ảnh tích cực hơn thế này.

TS Nguyễn Ngọc Huy (Chuyên gia Biến đổi khí hậu)

Đăng theo Facebook Huy Nguyen với sự đồng ý của tác giả. Bài đăng do TTVN biên tập. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.