Năm 1999, ít ai ngờ được ngày nay ông Tập Cận Bình và bà Thái Anh Văn sẽ lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng ở một khía cạnh khác, họ đã đối mặt qua eo biển từ trước qua một nhân vật khác: ông Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui), cố Tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ của Đài Loan và người cố vấn dày dặn kinh nghiệm của bà Thái.

Tap Can Binh Ly Dang Huy Thai Anh Van
Tập Cận Bình vs. Lý Đăng Huy và Thái Anh Văn (Ảnh: wikipedia, Twitter)

Đã 21 năm trôi qua, những tín hiệu bất ổn nghiêm trọng lại một lần nữa xuất hiện trong quan hệ ngang eo biển. 

Ông Lý Đăng Huy, được gọi là “cha đẻ” của nền dân chủ Đài Loan, vừa mất tháng trước ở tuổi 97. Vào năm 1999, cố Tổng thống đã chọc giận ông Tập bằng cách đề xuất cái gọi là lý thuyết “hai nhà nước”.

“Rác rưởi,” ông Tập ngắt lời trong một buổi phỏng vấn tại tỉnh Phúc Kiến tháng Chín năm đó. Lập luận về hai quốc gia “đã phơi bày động cơ cốt lõi của ông Lý Đăng Huy về âm mưu chia cắt mảnh đất quê hương chúng ta,” ông Tập nói với các phóng viên. Khi ấy ông Tập 46 tuổi và chỉ mới được đề bạt lên làm quyền tỉnh trưởng Phúc Kiến, ngang eo biển Đài Loan. 

Tổng thống Lý đã đưa ra quan điểm rằng Trung Quốc và Đài Loan nên duy trì “quan hệ đặc biệt giữa hai nước.” Điều này làm Bắc Kinh tức giận vì nó mâu thuẫn với nguyên tắc “một Trung Quốc” của họ – rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. 

Bà Thái, một học giả chính trị tài năng lúc bấy giờ, đã ủng hộ lý thuyết “hai nhà nước” của ông Lý. Khi đó, không ai nhìn nhận bà như một ứng cử viên tương lai để trở thành lãnh đạo hàng đầu của Đài Loan cho tới tận năm 2004 khi bà gia nhập Đảng Dân chủ Tiến bộ ủng hộ độc lập. Bà trở thành Tổng thống Đài Loan năm 2016.

Ông Tập cũng ở tình huống giống như vậy: ông kế nhiệm Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản năm 2012 và sau đó làm Chủ tịch Trung Quốc vào mùa xuân 2013 mặc dù từng là đối thủ ít người biết đến trong cuộc đua kế nhiệm. 

Hôm thứ Hai tuần trước, ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, đã gặp bà Thái và trở thành quan chức Mỹ cao cấp nhất đến thăm Đài Loan kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo vào năm 1979. Ngay trước khi cuộc họp của họ bắt đầu, các máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay vượt đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, nơi được coi là ranh giới ngừng bắn thực tế giữa Trung Quốc và Đài Loan. 

Cùng ngày, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ nhiều nhân vật lên tiếng ủng hộ dân chủ, bao gồm tỉ phú truyền thông Jimmy Lai và cô Chu Đình (Agnes Chow) với cáo buộc vi phạm Luật An ninh quốc gia mới. Các văn phòng của tờ Apple Daily chuyên chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị rất nhiều cảnh sát lục soát.

Thời điểm xảy ra các sự vụ cho thấy hành động của quân đội Trung Quốc và cảnh sát Hồng Kông có thể là một phần của phản ứng được định trước với cuộc họp của ông Azar và bà Thái. Nếu đúng, điều này sẽ báo hiệu một tình trạng nguy hiểm.

Quan chức Mỹ: “Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan trong 3 ngày vào đầu 2021”

Đài Loan đã trở thành chướng ngại trong căng thẳng Trung – Mỹ về vấn đề virus corona và vấn đề Hồng Kông. 

Vào tháng Năm, Trung Quốc đã ngăn cản Đài Loan tham gia một cuộc họp thường niên được tổ chức trực tuyến của WHO với tư cách quan sát viên mặc cho sự ủng hộ từ Mỹ và các nước khác. Điều này đã khiến Mỹ và Đài Loan nhanh chóng xích lại gần nhau hơn, và chuyến thăm của ông Azar dường như thể hiện điều này.

Ông Tập không thể lơ là cảnh giác với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người không bị giới hạn bởi những lý lẽ thông thường. Tháng 12 năm 2016, trước khi nhận nhiệm sở ngay sau chiến thắng cuộc bầu cử, ông Trump đã có một cuộc điện đàm với bà Thái. Cuộc gọi bất ngờ đã gây ra một cuộc khủng hoảng cho Bắc Kinh.

Trong một diễn tiến không dễ chịu khác, năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Qua lại với Đài Loan, khuyến khích trao đổi các chuyến thăm của các quan chức cấp cao. Lúc đó, luật được đưa ra rất nhanh.

Nhiều người đã nghĩ rằng chính quyền TT Trump nôn nóng thể hiện cho các cử tri thấy tiến bộ trong các hội đàm thương mại với Bắc Kinh và sẽ không mạo hiểm gửi các quan chức tới Đài Loan sớm. Nhưng vấn đề virus corona, cuộc đàn áp ở Hồng Kông và những tranh cãi xung quanh WHO đã làm thay đổi đáng kể tình hình. Bắc Kinh không thể bỏ qua khả năng các quan chức chính phủ Mỹ sẽ thường xuyên thăm Đài Loan trong tương lai.

Câu hỏi là Trung Quốc sẽ phản ứng tiếp theo như thế nào? Liệu họ có hành động khiêu khích chống Đài Loan không? Năm 1996, ngay trước khi ông Lý thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên của Đài Loan, Trung Quốc đã bắn tên lửa vào vùng biển gần hòn đảo và nói rằng đó là một phần của cuộc tập trận quân sự.

Nói cách khác, ông Tập cũng đã trải qua giai đoạn lịch sử trong quan hệ xuyên eo biển khi còn ở Phúc Kiến, nơi ông trải qua 17 năm trong sự nghiệp chính trị. Vào đầu năm 2001, việc đi lại trực tiếp giữa Trung Quốc Đại lục và những hòn đảo của Đài Loan đã chính thức mở ra. ‘Ba kết nối nhỏ’ bao gồm việc cho phép đi lại, giao thương và dịch vụ bưu chính trực tiếp giữa Phúc Kiến và các đảo Kinmen và Matsu của Đài Loan đã được thực thi.

Không biết liệu sự “tự tin” của ông Tập trong những cách hành xử của ông với Đài Loan có ngăn cản được một cuộc đụng độ hay sẽ dẫn đến một sự tự tin thái quá nguy hiểm. 

Một bảng hiệu quảng cáo ở Hạ Môn, nơi ông Tập từng giữ chức phó thị trưởng vào năm ông mới hơn 30 tuổi, quả quyết: “Hãy thống nhất Trung Quốc thông qua chính sách một đất nước, hai chế độ.” Nó đứng trên bờ biển thành phố cách đảo Kinmen của Đài Loan khoảng 2km. Nhưng khẩu hiệu này ngày càng trở nên không hiện thực dưới thời ông Tập.

Cuộc tranh tranh quyền lực nội bộ của Trung Quốc cũng tác động đến những động thái tương lai quanh vấn đề Đài Loan.

Ông Tập đang tìm cách củng cố địa vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong dài hạn tại Đại hội toàn quốc sắp tới của đảng vào năm 2022. Nhưng mặt khác ông cũng đang phải đối mặt với những nghi ngờ liên tiếp về việc liệu ông có đạt được những kết quả tương xứng với việc kéo dài thời gian cầm quyền hay không. Cố gắng phá vỡ tập quán lâu đời hiện thời của đảng sẽ khiến ông chịu áp lực từ bên trong, cả công khai lẫn dấu mặt.

Các cuộc khủng hoảng bên ngoài thường đem lại cơ hội cho kẻ cai trị siết chặt bên trong. Cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, người dẫn đầu “cải cách và mở cửa của Trung Quốc”, đã sử dụng chiến tranh Trung – Việt năm 1979 để tập hợp sức mạnh trong nước, dù không có nhu cầu chiến đấu cấp bách.

Ngày nay một số vùng ở Trung quốc đang động viên các hộ gia đình tích trữ vật phẩm cần thiết và bắt đầu huấn luyện phòng thủ dân sự. Cựu phó trưởng Ban Liên lạc quốc tế của đảng gần đây đã kêu gọi người dân dũng cảm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong quan hệ với Mỹ.

Cần nhớ là căng thẳng Mỹ – Trung về vấn đề Đài Loan luôn có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc đụng độ!

Katsuji Nakazawa, theo Nikkei

Xuân Lan dịch và biên tập

Xem thêm: