*Good Samaritan

Yêu cầu tài xế đánh lái để không cán phải hai nữ sinh té xe phải bồi thường những thiệt hại không chỉ bất nhẫn, mà còn có thể gây hại cho xã hội. Nó vừa làm bất công cho anh tài xế, vừa khiến những người ngoài xã hội nhìn vào và đặt câu hỏi: “vậy có đáng cứu người không khi phải chịu thiệt hại như vậy”, vừa làm xấu đi những bài học mà người lớn sẽ dạy trẻ con. Suốt một thời gian dài, nhiều gia đình đã chọn dạy đứa trẻ của mình không cứu giúp người bị tai nạn giao thông vì những câu chuyện người cứu giúp bị gia đình nạn nhân hành hung vì tưởng nhầm là kẻ gây tai nạn. Câu nói “làm ơn mắc oán” là để mô tả tình cảnh trớ trêu đó.

tai xe danh lai
Tài xế xe tải “bẻ lái” kịp thời, đã cứu hai cô gái bị tai nạn trên đường thoát chết trong gang tấc. Sự việc xảy ra vào ngày 29/3, trên đường 359C, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. (Hình ảnh từ clip/fb Đức Việt)

Pháp luật chính vì thế cũng bảo vệ những người như anh tài xế. Điều 601 của Bộ Luật Dân Sự quy định rằng người tài xế sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Tình thế cấp thiết được định nghĩa là “là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn“. Và trong tình thế cấp thiết (trừ phi vượt quá giới hạn), người gây thiệt hại không phải chịu bồi thường. Nhưng người gây ra tình thế cấp thiết thì phải bồi thường (Điều 595).

Như vậy, chủ hai chiếc ô tô bị thiệt hại nếu muốn bồi thường thì phải đòi hai nữ sinh đã gây ra tình thế cấp thiết đó, chứ không phải là người tài xế. Tất nhiên, do hai nữ sinh đã biến mất nên chủ hai ô tô chỉ còn cách nắm tóc người còn ở ngay đó là anh tài xế. Điều đó tuy vậy không có nghĩa là anh tài xế có nghĩa vụ phải bồi thường.

Pháp luật khắp nơi trên thế giới đều ra sức bảo vệ những người quên mình vì người khác như vậy. Pháp luật Anh – Mỹ còn gọi những quy định này là “Người Samarita tốt”. Đây là cụm từ có xuất phát từ một câu chuyện trong Kinh Thánh về một người Samartian đã chọn cứu giúp kẻ hoạn nạn bất chấp bị người khác dè bỉu hay người khác né tránh. Luật Người Samarita tốt có mục đích khuyến khích người ta ra tay cứu người bằng cách miễn trừ trách nhiệm cho nếu “người Samartian” đó vô tình gây ra những thiệt hại khi cứu giúp. Họ lập luận rằng không có những luật như vậy, sẽ không ai ra tay cứu người và xã hội sẽ trở nên vô cảm và thất bại. Tất nhiên, luật này cũng có ngoại lệ phụ thuộc vào khả năng của “người Samarita” (ví dụ, một người không có kiến thức y khoa không thể xung phong cứu người bằng biện pháp y học được).

Người tài xế trong vụ việc này chắc chắn là “một người Samarita” tốt, và anh phải được bảo vệ. Góp tiền cho anh để trả cho chủ xe ô tô sẽ vô tình gây ra những hệ lụy lớn về vốn xã hội về sau. Anh tài xế không cần tiền để bồi thường vì anh không có trách nhiệm bồi thường. Anh tài xế cần luật sư và sự ủng hộ về truyền thông để người chủ xe ô tô lui bước trước yêu cầu trái luật của ông.

Theo facebook Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu

Xem thêm: