“Ngưỡng” nợ công được công bố đưa vào Luật quản lý nợ công vào giữa tháng 12/2018. Nợ công hiện nay đã ở mức rất cao, gần 35 triệu/người, từ ông già sắp chết đến đứa bé mới sinh. Các cải cách kinh tế của Chính phủ để hạ nhiệt lạm phát đang có vẻ đi đúng hướng khi dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam. Các ý kiến ủng hộ tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong nước và các cải cách thủ tục hành chính cho thấy việc lắng nghe và thực hiện là có.

Đó là vấn đề buộc phải làm. Vì các cảnh báo việc đổi đất lấy hạ tầng cũng tới “ngưỡng” rồi, ví dụ như Đà Nẵng. Quỹ đất quốc gia là có hạn hay đất đai là tài nguyên có hạn. Thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất mãi chính là tự cắt thịt quốc gia nuôi bao tử bội chi.

Tôi sẽ bàn về một “ngưỡng” khác, âm thầm nhưng nguy hiểm hơn nhiều: Ô nhiễm!

ung thu
Mặt ruộng lúa nổi váng xăng. (Ảnh: Lusin_da_ra/Shutterstock)

Hiện nay quốc gia bị bao vây, bị tấn công bởi ô nhiễm từ tứ phía. Các loại ô nhiễm đất, nước, không khí có mặt khắp nơi!

Năm 13/9/2008, Cảnh sát môi trường bắt quả tang Vedan xả thải trộm gây tác hại rất lớn đến cư dân 3 tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa- Vũng Tàu quanh khu vực sông Thị Vải. Tháng 8/1991, Vedan vào Việt Nam, chính xác là vào trước cả khi nước ta có Luật Môi trường. Rất nhiều bài viết đối chiếu, so sánh môi trường sông Thị Vải trước và sau khi có Vedan và các doanh nghiệp sản xuất có thải xung quanh đó: một sự khác biệt cực lớn!

Môi trường hiện nay là kết quả của những năm tháng công nghiệp hóa mạnh mẽ của thập niên 90 và thập niên đầu thế kỷ 21, với công nghệ lạc hậu và sự thiếu ý thức của người dân. Vậy môi trường của 10, 20 năm nữa sẽ ra sao? Ngưỡng về ô nhiễm của quốc gia nếu chỉ nhìn bằng chỉ số “tăng trưởng ung thư” thì e là chưa chính xác hoàn toàn. Nhưng cũng không thể không tính số “tăng trưởng chặn quốc lộ” để phản đối ô nhiễm trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đó là vấn đề mà nhà cầm quyền phải suy nghĩ và đưa ra giải pháp.

Lấy ví dụ về bài viết “Nỗi ám ảnh làng ung thư” (Vnexpress, 28/10/2018), xin trích:

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố một danh sách “làng ung thư” với 37 địa danh. Lần đầu tiên, “làng ung thư” được chính thức hóa bởi một cơ quan nhà nước.

Sau sự kiện gây chấn động đó, Bộ Y tế vào cuộc nghiên cứu và khẳng định: “Chưa thấy bất thường ở các làng ung thư tại Việt Nam”. Tỷ lệ mắc ung thư, cũng như chất lượng nguồn nước tại 10 ngôi làng mà Bộ Y tế khảo sát lại, không tìm thấy điểm đặc biệt. Nói ngắn gọn: không có cái gọi là làng ung thư.

Sự bất nhất này có thể lý giải bằng khoa học nhưng cho đến nay các tài liệu về môi trường tôi tiếp cận được chỉ là những mảng rời rạc của bức tranh ô nhiễm. Rất nhiều lần tôi nhắc về việc Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã lỗi thời và vô cùng thấp so với thế giới. Một ví dụ khác là sông Đồng Nai có nhiễm dioxin cao hơn tiêu chuẩn của Mỹ và thấp hơn TCVN. Mỹ và VN đã ký kết về việc xử lý dioxin, nghĩa là vấn đề cấp Chính phủ. Trong khi đó, một ông phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường lên Tuổi Trẻ, lên Thông tấn xã khẳng định vẫn an toàn. Có lẽ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bận nên không hỏi ông phó giám đốc sở rằng ông ấy tính thay Thủ tướng hay sao?

Các ví dụ nhỏ này là thứ tôi biết và cũng chỉ là những trải nghiệm nhỏ nhoi so với cộng đồng. Cứ thử search “xả thải lén”, “chôn lén chất thải”, “ô nhiễm nguồn nước”, “ô nhiễm không khí”,.v.v.. và đọc thực sự nghiêm túc, đọc càng nhiều càng tốt. Tôi đảm bảo bạn sẽ có một cách nghĩ khác!

Ô nhiễm khó thấy tác hại ngay! Nhưng thứ tác hại không thấy ngay mới là thứ tác hại đáng sợ nhất. Thật không vui vẻ gì khi “khoe” rằng tôi có vài bệnh lý liên quan đến các nguồn thải tôi tiếp cận hơn 10 năm nay. Khi ấy, sự nhiệt tình xâm nhập nguồn thải để viết (xâm nhập rất khó, có cơ hội là vội vào) và sự ngu dốt khi không trang bị đủ các kỹ năng, đồ bảo hộ khiến bản thân bị phá hoại sức khỏe.

Tôi căm thù ô nhiễm!

Và tôi cũng mong các bạn căm thù ô nhiễm!

Bởi đây không phải là vấn đề của cá nhân mà là vấn đề của giống nòi!

Và giống nòi của quốc gia này cần được biết ô nhiễm đã chạm ngưỡng rồi! Các chính khách là người nên biết đầu tiên thay vì những báo cáo láo quen thói của cấp dưới.

Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

Xem thêm: