Trong một xã hội phát triển, quyền lực luôn đi đôi với nghĩa vụ, và khi người có quyền sử dụng quyền lực của mình, việc đó phải nằm trong phạm vi nghĩa vụ, và phải được điều chỉnh mức độ sử dụng quyền lực theo đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

self sacrifice 1

Một bác sĩ có quyền cho toa, cho bất kì thuốc gì cho người bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ ấy phải bảo đảm việc cho toa phù hợp với nghĩa vụ chữa bệnh của mình mà không thể kê thuốc làm hại bệnh nhân. Và, mặc dù có những thứ không làm hại bệnh nhân nhưng không mang lại lợi ích gì, lại làm họ tốn tiền, như nhiều loại thực phẩm chức năng, nhưng nếu một bác sĩ lạm dụng nó để lấy hoa hồng, thì bác sĩ ấy đã vi phạm các quy tắc đạo đức và lương tâm.

Ở xã hội của chúng ta, rất nhiều người ngộ nhận về quyền của mình. Các quan chức sử dụng quyền quyết định, phân chia tài nguyên, tài sản công cho người nhà hoặc những kẻ cùng hội cùng thuyền, tự do hút cạn kiệt ngân sách và tài nguyên quốc gia.

Chắc không ít doanh nghiệp phải chịu cảnh gọi đến dự những bữa nhậu trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, khi tiệc tan, chỉ để trả tiền. Hôm trước, tôi đứng trước chai rượu Macallan, chợt nhớ tới có đám quan chức chỉ chuyên uống loại này. Nhìn giá thấy hơn 4.000 USD mỗi chai, không khỏi rùng mình khi biết nhiều quan chức thích uống nó.

Rất nhiều quan chức tự cho mình quyền bắt người khác cung phụng những thứ lớn hơn gấp nhiều lần thu nhập chính đáng của bản thân họ. Tất nhiên, họ phải có nghĩa vụ với sự cung phụng đó. Chỉ có một vấn đề nhỏ. Để thực hiện nghĩa vụ đối với sự cung phụng, họ đã xâm phạm, thậm chí là triệt tiêu nghĩa vụ mà họ phải làm khi họ được giao quyền lực. Đến đây thì lại là vấn đề của đạo đức, lương tâm.

Người bệnh đến bệnh viện. Họ có quyền được yêu cầu khám, chữa bệnh, họ có quyền yêu cầu nhân viên y tế phục vụ họ. Tuy nhiên, họ cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ nội quy của cơ sở y tế, và nghĩa vụ thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Nhưng rất, rất nhiều bệnh nhân chỉ thấy cái quyền của mình, mà không thấy cái nghĩa vụ. Họ bất chấp nội quy, quy định. Và đồng thời, họ tự cho mình cái quyền mà họ hoàn toàn không có, đó là chửi bới, hành hung nhân viên y tế.

Còn nhớ một người nổi tiếng mắc bệnh ác tính về máu, gia đình yêu cầu bệnh viện áp dụng biện pháp chữa bệnh tốn tiền nhất, dù biết rằng khả năng qua khỏi vô cùng thấp. Khi người bệnh tử vong, nhiều bạn bè, người hâm mộ của người quá cố muốn đóng góp hỗ trợ, nhưng gia đình không nhận, để linh hồn người quá cố không mắc nợ.

Nhưng họ lại kiên quyết không trả chi phí chữa bệnh cho bệnh viện. Họ có quyền đòi hỏi nhiều thứ. Nhưng họ không thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Khi đó, họ đã tước đi cơ hội được cứu sống của nhiều người bệnh khác. Và đó là vấn đề về đạo đức và lương tâm.

Còn nhớ đã có lần dư luận tranh cãi về quyền im lặng của bị can, bị cáo. Lực lượng công an phản đối rất dữ dội. Vì điều đó sẽ giới hạn quyền dùng nhục hình để điều tra. Mặc dù đã có nhiều người ra khỏi đồn công an với dây giầy, đây thun quần trên cổ, nhưng tầm mức đạo đức của nhiều người đã cho phép họ phản đối quyền im lặng.

Trong khi xã hội ta có nhận thức khá khắt khe với nghĩa vụ của các thầy thuốc, thì họ lại mặc nhiên ủng hộ việc không thực hiện nghĩa vụ của người bệnh, công nhận việc người nhà người bệnh tự cho quyền nhục mạ và hành hung nhân viên y tế. Tương tự vậy, xã hội chúng ta mặc nhiên công nhận quyền đòi được cung phụng của các quan chức, thán phục những kẻ lũng đoạn chính sách để làm giàu cho một nhóm người.

Nếu xã hội chúng ta có nhận thức đúng về quyền, nghĩa vụ, đạo đức, nếu mỗi cá nhân chúng ta khi sử dụng quyền của mình, biết nhìn nhận quyền của người khác, nếu những nhà quản lí xã hội hiểu và tôn trọng quyền của từng người dân, thì xã hội này mới có thể tốt đẹp.

Còn khi ai cũng chỉ khư khư ôm lấy cái quyền của mình, bất chấp những nghĩa vụ bắt buộc phải kèm với quyền lực, bất chấp các nguyên tắc đạo đức, thì xã hội ấy là một mớ hỗn độn, hoang dại, mạnh được yếu thua.

Thật tiếc đó lại là cái xã hội mà chúng ta đang sống.

Theo facebook Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Xem thêm: