Dự án Thủy điện Rào Trăng 3 được khởi công từ quý 2/2016, dự kiến hoàn thành quý 4/2018, nhưng đến quý 4/2020 vẫn chưa xong, mà còn bị sạt lở nửa quả đồi, vùi lấp Nhà điều hành Dự án làm 17 công nhân mất tích.

sat lo rao trang 3
Hiện trường sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 chụp bằng máy flycam. (Ảnh: Sở Chỉ huy tiền phương/baothuathienhue.vn)

Đoàn cứu hộ chưa đến hiện trường để cứu nạn lại gặp nạn. Khi Đoàn ngủ qua đêm tại Trạm Kiểm lâm sông Bồ cũng bị một quả đồi sạt lở vùi lấp, khiến 13 sĩ quan cao cấp và cán bộ tử nạn!

Nhà Điều hành Dự án Rào Trăng 3 và Trạm Kiểm lâm sông Bồ chắc chắn được xây ở nơi cao ráo, có nền hạ vững chắc, không có mạch nước ngầm bên dưới, thế mà hai quả đồi chứa hai công trình này đã tự tan rã vì nước ngầm xói mòn. Núi trơ, đồi trọc mới gây nên hậu qủa khôn lường như vậy.

Hai Thủy điện Rào Trăng 3 và 4 cách trung tâm xã Phong Xuân hơn 20 km, mà tuyến đường 71 độc đạo bị mưa lũ sạt lở rất sâu tại nhiều đoạn, khiến đoàn cứu hộ phải đi thuyền tìm kiếm công nhân mất tích và chiều chạng vạng phải về Rào Trăng 4 ngủ, vì nơi nào cũng có khả năng lở đất.

Với công suất 13 MW, nhỏ hơn công suất Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) 140 lần, nhỏ hơn công suất Thủy điện Trị An (400 MW) 31 lần, nhưng Rào Trăng 3 đạt kỷ lục về số người chết (30 người) và phá kỷ lục về thời gian thi công, nếu so với Thủy điện Đa Nhim có công suất lớn hơn 13 lần (160 MW) được xây trong thời gian chiến tranh, mà chỉ mất 3 năm rưỡi (tháng 4/1961 – tháng 12/1964).

Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, nếu sau này NM hoàn thành, đồi núi xung quanh và đường 71 tiếp tục sạt lở thường xuyên, thì Thừa Thiên Huế đã “mua” 13 MW điện với phí tổn quá khủng khiếp.

Sông ngòi ở Thừa Thiên – Huế thường ngắn nhưng lại lớn về phía hạ lưu, có 15 sông chính là: Ô Lâu, Rào Trăng, Rào Lau, Rào Mai, Tả Trạch, Hữu Trạch, An Cựu, An Nông, Nước Ngọt, Lăng Cô, Bồ, Rau Bình Điền, Đá Bạc, Vân Xá, Sông Truồi.

Vậy mà, Bộ Công thương đã duyệt đến 21 dự án thủy điện cỡ nhỏ (bình quân 21,4 MW/cái) trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 450 MW (tập trung chủ yếu vào 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch có tổng công suất 360 MW).

Tận dụng thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 23/07/2008, phê duyệt quy hoạch thủy điện rất nhỏ (dưới 10MW,) tổng số 11 dự án; tổng công suất các nhà máy khoảng 105,8 MW, để khai thác gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng!

Năm 2018, sau khi các quả bom nước Thủy điện bậc thang ở miền Trung có nguy cơ nhấn chìm các vùng hạ lưu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30 MW, và loại khỏi quy hoạch 463 DATĐ chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong 463 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch, có nhiều dự án “ế” chưa có nhà đầu tư quan tâm, chứ không bị loại để bảo vệ rừng.

Bình quân dự án thủy điện có công suất một MW là phải phá một hecta rừng để làm hồ. Loại bỏ 463 dự án 30 MW là sẽ không đốn 13.890 ha rừng nguyên sinh, đặc dụng, phòng hộ…

Mỗi hecta rừng nguyên sinh không những bảo vệ đất không bị xói mòn và làm chậm dòng chảy về hạ lưu, mà còn hấp thụ 640 tấn khí carbon. Mỗi ha ta rừng nguyên sinh có trữ lượng cây đứng 300 m3. 13.890 ha rừng nguyên sinh nếu bị đốn sẽ thu được 5.167.000 m3 gỗ.

Nếu 1 m3 gỗ đỏ (nhóm 1) là 50 triệu và 1 m3 gỗ tạp là 8 triệu đồng, lấy bình quân 20 triệu đồng/m3, thì bán 5.167.000 m3 gỗ thu được 103.340 tỷ đồng!

Vì vậy, Bộ Công thương và các tỉnh miền Trung rất mặn mà với quy hoạch phá rừng làm thủy điện!

Nhà báo Mai Bá Kiếm

Đăng theo Facebook Ba Kiem Mai với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: