Theo dõi qua vụ án Hồ Duy Hải, công chúng đã dần quen tai với khái niệm “tố tụng”, điều mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC thừa nhận có sai sót nhưng lại cho rằng không làm thay đổi bản chất vụ án… Cho nên, tòa án các cấp tuyên xử Hồ Duy Hải có tội và phải chịu hình phạt tử hình là có cơ sở.

Vậy tố tụng là gì? Chúng có giá trị như thế nào đối với việc cáo buộc hình sự một công dân?

vu an ho duy hai 2
Luật sư Trần Hồng Phong và thân nhân của tử tù Hồ Duy Hải sau khi có kết quả nghị án phiên giám đốc thẩm chiều 8/5. (Ảnh: dẫn qua FB Nguyễn Xuân Diện)

Tố tụng (hình sự) là những quy định về thủ tục để cáo buộc hình sự một người. Luật tố tụng hình sự còn gọi là luật hình thức. Bên cạnh tố tụng, chúng ta lại có luật hình sự. Luật hình sự quy định những tội danh và hình phạt chế tài. Luật hình sự còn được gọi là luật nội dung.

Trước đây, dưới thời quân chủ không có luật tố tụng. Vua yêu cầu bắt ai? Giam ở đâu và như thế nào? Khi nào xử? là đặc quyền tố tụng của vua. Nhưng sau hàng trăm năm xã hội loài người tranh đấu, tranh thủ cho dân quyền, nhân quyền, thì một trong những thành quả gặt hái được chính là luật tố tụng nhằm bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng cáo buộc hình sự một cách tùy tiện, vô lối như dưới thời quân chủ.

Luật tố tụng càng chặt chẽ, được thực hiện nghiêm túc thì nhân quyền càng được bảo đảm. Thậm chí, cho đến nay, tuy ra đời sau, nhưng luật tố tụng (luật hình thức) chiếm vị trí ưu thế hơn so với luật hình sự (luật nội dung). Theo đó, pháp chế hình sự của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận nguyên tắc “Luật hình thức quyết định luật nội dung” một cách triệt để đến mức cực đoan.

Các thành phần tố tụng như điều tra viên, công tố viên, thẩm phán và luật sư đều biết rõ nằm lòng nguyên tắc này. Thế nên, khi đối diện với hồ sơ vụ án hình sự, thì những người kể trên đều dành sự quan tâm ưu tiên của mình để “soi” về thủ tục tố tụng vụ án (tức luật hình thức). Nếu thủ tục tố tụng bị vi phạm vì chưa đầy đủ, hoặc sai sót thì đều có khả năng dẫn đến hậu quả hủy bỏ vụ án, cho dù là phạm tội quả tang hoặc tội trạng đôi khi đã “hai năm rõ mười”. Vì vi phạm về tố tụng là vi phạm về nhân quyền được luật tố tụng quy định, nó gây nên sự hà tì [1] trong cáo buộc khiến cho chúng mất đi sự khả tín cần thiết để được công nhận.

Án lệ hình sự thế giới cũng đã từng ghi nhận nhiều vụ án bị buộc phải hủy bỏ vì không bảo đảm tố tụng. Nhiều nhất từ những vụ án bắt giữ nghi phạm, thậm chí trong trường hợp phạm tội quả tang. Nhưng khi bắt giữ, cảnh sát đã quên thông báo quyền của nghi phạm theo điều luật Miranda. Do đó, hồ sơ vụ án bị luật sư đánh giá rằng thu thập chứng cứ trong hoàn cảnh nghi phạm không biết rõ (vì cảnh sát quên thông báo) về quyền lợi của mình, như quyền im lặng và quyền có luật sư bảo vệ. Nên thay vì giữ quyền im lặng, nghi can đã khai nhận tội chống lại quyền lợi của chính mình. Hậu quả, hồ sơ buộc tội bao gồm cả lời khai nhận tội bị thẩm phán tuyên rằng thu thập không hợp pháp, nên không được công nhận là chứng cứ. Nghi phạm được tha bổng. Vì luật không cho phép bổ sung thủ tục này. Mà dù có bổ sung thủ tục, thì cũng không thể phục hồi điều tra, vì lại vướng nguyên tắc hình sự khác “Một hành vi không thể bị xử lý hai lần”.

Ngoài ra, còn có một vụ án rất nổi tiếng, thường được trích dẫn để minh chứng cho hiệu lực tố tụng. Đó là vụ án O.J. Simpson tại bang California, Hoa Kỳ được cho là đã giết chết hai nhân mạng. Cho dù sau đó O.J. Simpson vẫn bị tòa dân sự tuyên về việc phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự do hai nạn nhân bị giết, nhưng trước đó, tòa hình sự lại tuyên ông này được trắng án chỉ vì chứng cứ buộc tội tuy là chứng cứ thật, nhưng đã bị cảnh sát thu thập theo cách không bảo đảm tố tụng, nên không được công nhận!!!

Cho thấy, vấn đề mang tính quyết định là có vi phạm tố tụng hay không, chứ không phải xem xét mức độ vi phạm tố tụng.

Tham khảo từ thực tế thi hành luật tố tụng của thế giới. Cho thấy, trong vụ án hình sự tuyên tử hình Hồ Duy Hải, thì việc chấp nhận chứng cứ buộc tội được mua từ ngoài chợ và hàng mấy chục sự phi lý khác tồn tại trong hồ sơ vụ án… đều là những sự vi phạm RẤT NGHIÊM TRỌNG VỀ TỐ TỤNG. Nó là hà tì [1] làm mất đi sự khả tín cần thiết của chứng cứ buộc tội. Hậu quả pháp lý chỉ có một cửa duy nhất: Vì chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thu thập không hợp pháp, cho nên, không đủ cơ sở buộc tội. Phải trả tự do cho Hồ Duy Hải và bồi thường tất cả sự tổn thất về tinh thần, vật chất của Hải. Còn lại, thậm chí, việc Hồ Duy Hải có thực sự giết hai nạn nhân hay không thì cũng không cần xem xét. Vì lẽ, điều đó thuộc về luật nội dung, mà luật nội dung chỉ được xem xét khi đã thỏa mãn luật hình thức.

Trong Quyết định của Hội đồng thẩm phán thuộc TANDTC tuyên đọc chiều 08/05 bác kháng nghị của VKSNDTC có dùng khái niệm SAI SÓT tố tụng để làm nhẹ vấn đề. Thực chất, SAI SÓT vẫn chính là sự VI PHẠM tố tụng, điều không được phép tồn tại trong hồ sơ vụ án. Đồng thời, chính với việc thừa nhận có sự vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án, vẫn là bước tích cực cho mọi sự vận động, tranh đấu để hủy các bản án xét xử Hồ Duy Hải.

Do đó, những cụm từ “… có những sai sót về tố tụng nhưng “không thay đổi bản chất vụ án”” mà chúng ta nghe công bố từ Quyết định của Hội đồng thẩm phán thuộc TANDTC là hoàn toàn xa lạ với luật pháp hình sự của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì lẽ, vấn đề mang tính quyết định là có vi phạm tố tụng hay không, chứ không phải xem xét mức độ vi phạm tố tụng nặng hay nhẹ, chúng có làm thay đổi bản chất vụ án hay không.

Nói khác, luật tố tụng của chúng ta có lẽ được ban hành ra cho “đủ tụ”, thế giới có thì ta buộc phải có cho “bằng chị bằng em”, hơn là để thực thi nghiêm túc. Điều này thật sự đáng tiếc, kéo lùi viễn cảnh nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Trong xu thế hòa nhập với thế giới, tôi vẫn thường nghe đến việc cần giữ gìn bản sắc. Nhưng giữ gìn sự vô pháp, thì sẽ vĩnh viễn giữ chân chúng ta sau lũy tre làng, chứ không thể giúp chúng ta hòa nhập được với thế giới văn minh, nơi xu hướng trọng pháp mà hầu hết quốc gia tiến bộ đang áp dụng.

Tháng 5/2020

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Chú thích:

[1] Hà tì : Lỗi. Thuật ngữ pháp lý ám chỉ “lỗi” (khiến cho cáo buộc mất đi sự khả tín cần thiết để được công nhận).

Đăng theo Facebook Manh Dang với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm cùng tác giả: