(Ảnh: Hoàng Đinh Đức)
(Ảnh: Hoàng Đinh Đức)

Trong ảnh là Giles Lever, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam. Ông đang đạp xe tại Ba Vì, trong một sự kiện gọi là Everesting – tức là leo một đỉnh núi với số lần mà nhân lên thì đúng bằng độ cao của đỉnh Everest. Ở đây là hơn 8 lần. Mình chạy bộ theo 100 mét chụp ảnh cũng hết cả hơi. Sự kiện này, để quyên góp tiền cho một quỹ hỗ trợ trẻ em sơ sinh tại Việt Nam.

Ít người biết đạp xe đạp là hành động vì hoà bình thế giới.

Năm 2007, tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định rằng xung đột Dafur là “cuộc xung đột khí hậu đầu tiên của thế giới”. 300.000 người đã chết và 3 triệu người mất nhà cửa vì cuộc chiến tàn bạo này, và tất cả bắt đầu từ hạn hán, từ việc tranh chấp một nguồn nước.

Sau đó vài năm, một cuộc hạn hán khác khiến lương dân Syria phải rời bỏ làng quê, vạ vật trên các vỉa hè Damacus. Rồi châm ngòi cho một cuộc nội chiến tàn khốc, tạo ra một mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sinh sôi và đe doạ cả thế giới.

Khí hậu và chiến tranh. Theo tính toán, thì ở châu Phi, nhiệt độ tăng 1% đồng nghĩa với nguy cơ chiến tranh tăng 4,5%.

Việt Nam không phải là một nước xả thải, nhưng đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hạn hán đã giết nhiều cánh đồng ở ĐBSCL và Tây Nguyên. Những nông dân ngơ ngác bên cánh đồng cháy, bây giờ đã đi đâu, vào khu chế xuất, vượt biên hay làm gì, chưa ai thống kê đầy đủ. Cả lũ lụt, và nước biển dâng.

John Kerry nói, “máy điều hoà nguy hiểm không kém gì IS”. Máy điều hoà nhiệt độ có thể châm ngòi cho chiến tranh, giết rất nhiều con người, chỉ có điều nó không có một lá cờ màu đen và tường thuật trực tiếp các cuộc hành quyết trên mạng, nên không ai sợ nó. Tất nhiên là cả xe Land Cruiser V8, loại hay được dùng làm xe công vụ để chở 2 người một tài xế một lãnh đạo, cũng nguy hiểm.

Ông Giles Lever vẫn sẽ đi chiếc Jaguar rất to và đẹp biển NG hay đỗ ở góc Phan Chu Trinh khi có việc cần. Nhưng trong những lúc khác, thì đi xe đạp với ông rõ ràng cũng là một việc cần. Ở Dafur và Syria người ta vẫn chết, ở Tây Nam Bộ người ta vẫn đang khắc khoải, và nếu chính trị là việc xây dựng và giữ quyền lực nhà nước, như Marx nói, thì ông đi xe đạp là làm chính trị.

Xe hơi dung tích xi lanh lớn không phải là biểu hiện của quyền lực nhà nước. Lãnh đạo nhiều quốc gia, từ Thuỵ Điển, Hà Lan đến Nhật Bản hiểu điều này. Để tạo ra ý thức ấy, hình ảnh ấy, có lẽ cần những nhà tư vấn thông minh cho các lãnh đạo – những người vốn đang đối mặt với rất nhiều vấn đề môi trường và rất nên bắn đi các thông điệp môi trường. Vì lợi ích bản thân họ.

Nếu có thể thanh lý hết xe “ba chấm” các biển xanh đỏ và thay bằng xe Tesla X đời mới chạy điện, cũng bóng lộn, không đắt hơn, thì có bù thêm tiền chút ngân sách, mình nghĩ người dân sẽ cảm thấy xúc động. Hay là dễ hơn, đi xe đạp ở đâu đó.

Facebook Hoàng Đinh Đức

Xem thêm: