Những ngày qua, các chủ đề xung quanh lễ Tết, đi chùa, thực hành tâm linh v.v vẫn được đông đảo người dân quan tâm. Có một thực tế tồn tại là cho dù nhiều sự việc được phản ánh khá nóng về những biến tướng, những hành vi phản cảm trong xã hội, nhưng dường như tác dụng thực đến hành vi của người dân không quá lớn.

cung sao giai han
Cúng sao giải hạn tổ đình Phúc Khánh ngày 2/3. (Ảnh: Sơn Vũ)

Cứ vào dịp đầu năm, người ta đã quen thấy cảnh hàng ngàn người dân ùn ùn đến chùa Phúc Khánh (Hà Nội) làm lễ cúng sao, giải hạn, cầu an. Lượng người đến quá đông khiến cả một nửa đường Tây Sơn tắc nghẽn, các phương tiện giao thông phải dồn lên phần đường một chiều còn lại, nhiều người thậm chí đứng cả trên cầu vượt để vái vọng.

Tối 1/3, gần 1.000 công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, thanh tra giao thông đã được huy động để bảo vệ ba vòng xung quanh ngôi chùa này trong buổi lễ cầu an. Trước đó vào đêm giải hạn sao La Hầu tối 23/2, có tới hơn 700 lực lượng chức năng tham gia bảo vệ.

Tương tự, tại lễ khai Ấn đền Trần tối ngày 1/3 đã có đến 2.000 nhân viên an ninh tạo thành 5 vòng, 23 chốt bảo vệ trước và trong đêm diễn ra lễ khai Ấn. Một tục lệ của triều đại xưa mang tính địa phương nhằm tế lễ đất trời, tổ tiên, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới giờ bị nâng tầm nghi lễ quốc gia và đồn thổi thành nơi đi cầu lộc thăng quan tiến chức, khiến hàng ngàn người, trong đó không ít quan chức kéo đến đông nghịt, ai cũng mong xin ấn để cầu đường công danh thông lộ.

Nhìn vào những con số về người và tài vật phải trưng dụng để bảo vệ cho những hoạt động tâm linh nhưng lại mang ý nghĩa biến tướng kia, có lẽ hai từ “lãng phí” cũng chưa nói hết được câu chuyện. Bởi nhìn sâu xa hơn, người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao xã hội lại phải tốn một nguồn lực quá lớn để phục vụ cho những sự kiện như vậy trong khi hàng năm nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã lên tiếng rằng việc cúng sao giải hạn đi ngược lại giáo lý nhà Phật, thậm chí trực tiếp tiếp tay cho hành vi mê tín dị đoan, thu tiền trục lợi? Tại sao những cơ quan có thẩm quyền lẽ ra cần thực hiện trách nhiệm bài trừ mê tín dị đoan thì lại lập nhiều hàng rào chắn cấm đường, điều lực lượng bảo vệ hùng hậu? Cho dù giải thích đó là bảo vệ an ninh trật tự nhưng một cách gián tiếp cũng giống như sự tán đồng cho những hoạt động đó được mặc sức diễn ra.

cung sao giai han to dinh phuc khanh la sai 14
Theo quan niệm đang phổ biến hiện nay, mỗi người mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh. Nếu bị trúng 3 sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch, thì năm đó bị coi là năm hạn, cần đi cúng sao giải hạn. (Ảnh: Nghinh Xuân)

Giờ đây, khi nhiều nơi chốn tâm linh được biến thành địa danh du lịch, được mặc sức “thả nổi” cho thay đổi hoặc cơi nới mục đích sử dụng, dần dần việc thực hành tâm linh của người dân cũng bị thay đổi ý nghĩa theo. Trong các đền chùa, khi các hòm công đức được đặt dày đặc một cách có chủ ý, khi việc cúng bái giải hạn được công khai bảng giá phí, khi người ta làm ngơ trước việc tiền lẻ được ném, được nhét đầy tượng Phật v.v, không khó hiểu khi người dân cũng bị cuốn theo và mọi thứ dần trở nên biến dị.

Dĩ nhiên, còn có những yếu tố như dân trí thấp, thiếu thông tin, tâm lý đám đông v.v dẫn đến những cơn sốt tâm linh méo mó như hiện nay. Thế nhưng, nhìn một cách sâu hơn thì đó chỉ là những hệ quả của một cuộc khủng hoảng xã hội đang ngày càng trở nên sâu sắc. Vì lẽ gì người ta ngày càng trở nên không bình thường như vậy?

Đó có phải là bắt nguồn từ giáo dục, nơi tư duy phản biện bị triệt tiêu, khiến con người dễ dàng bị cuốn theo số đông và tin theo quán tính? Đó có phải là bắt nguồn từ một xã hội nơi các giá trị đảo lộn khiến cho nhiều người tê liệt khả năng suy xét, phân biệt điều gì là đúng, điều gì là sai? Đó có phải là do con người ngày càng mất niềm tin, hoang mang về cuộc sống, dẫn đến phải bấu víu một cách tuyệt vọng vào sự phù hộ của một nơi khác cho dù đó là thứ rất vô lý như một cái ấn, một con cá, một con rắn, một tảng đá hình thù lạ?

Ở đây phải nói lại rằng việc có đức tin một cách chân chính khác rất xa so với tình trạng tâm linh cảm tính như số đông hiện nay. Những người có đức tin chân chính hiểu về luật Nhân – Quả, hướng vào tâm của mình để chỉnh sửa những khuyết điểm theo lời dạy của các Đấng Giác ngộ, đồng thời cố gắng sống một cách thiện lương, có đạo đức. Họ luôn duy trì được sự an lành trong nội tâm. Trong khi đó, niềm tin mơ hồ, khoác áo bất cứ hiện tượng nào lạ lùng là siêu nhiên, khiến con người có xu hướng “thường nhân hoá” các vị thần linh, cho rằng thần cũng như người, cầu cúng lễ lạt, thần nhận rồi thần sẽ ban. Theo dòng quan niệm đó, người ta luôn vọng ngoại để cầu trong khi bản thân chẳng muốn thay đổi gì, nhưng lại mong thông qua việc cầu cúng để xoá tội, giải hạn, thêm lộc, từ đó mà càng ngày càng trở nên mê tín dị đoan.

Cùng nhìn sang nước Mỹ, nơi đức tin hiện hữu suốt chiều dài lịch sử và có mặt tại mọi phương diện của đời sống người dân Mỹ, đã góp phần tạo nên một nước Mỹ hùng cường như ngày nay. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã nhắc đến Đấng Sáng thế 4 lần trong Tuyên ngôn độc lập; trên đồng tiền đô la Mỹ có ghi dòng chữ: “Chúng ta tin vào Chúa”; câu: “Ca ngợi Chúa hồng ân” được gắn trên đỉnh của Đài Tưởng niệm Washington; còn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã khẳng định “đức tin là trung tâm của sự tự do và đời sống người Mỹ.” Có thể nói ở một nơi mà con người được tự do thực hành tín ngưỡng như nước Mỹ, nơi chính phủ và người dân đề cao những quy phạm đạo đức, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự công bằng – bình đẳng – bác ái dựa trên nền tảng đức tin, hẳn là những dạng “khủng hoảng tâm linh” bùng phát trong số đông dân chúng sẽ ít có chốn để nảy nở phát triển.

Khi đức tin bị can thiệp, khi tất cả “từ trên xuống dưới” đều không tự biết mà cổ xuý cho những hoạt động núp bóng tâm linh để trục lợi, khi xã hội còn nhiều bất an khiến người ta tin vào “sức mạnh” vô hình của một cõi khác hơn là “sức mạnh” của quốc gia họ, thì rồi hàng năm, người ta sẽ ngày càng được chứng kiến nhiều hơn những cơn sốt tâm linh ẩn chứa trong đó những lời cầu xin ngày một thống thiết để bù đắp cho những khoảng trống và những bất an ngày một lớn dần trong tâm họ.

Lê Xuân

Xem thêm: