Tòa sẽ tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong ngày 22/1; Giá xăng lại tăng phi mã; Cắm biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại trạm BOT có đúng luật; Bộ trưởng Bộ GTVT nói tôi không có tư túi tại dự án BOT Cai Lậy; KTNN phát hiện thừa hơn 57.000 người trong biên chế; Nguyên đồn phó Biên phòng là chủ mưu trong vụ phá hơn 53 m3 gỗ pơ mu,… là tin tức nổi bật tuần qua.

Tòa sẽ tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong ngày 22/1

8h20 sáng ngày 8/1, TAND TP. Hà Nội chính thức mở phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Phòng xét xử được sắp xếp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm bị cáo buộc với hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ ‘‘Tham ô tài sản”. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC bị cáo buộc với cả hai tội danh trên.

Chiều ngày 11/1, VKSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại toà đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN 14-15 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị 13-14 năm tù về tội “Cố ý làm trái…” và chung thân về tội “Tham ô tài sản”, tổng hình phạt là chung thân.

Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị đề nghị 8-9 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”, 18-19 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hình phạt 26-28 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị HĐXX tuyên phạtcó mức án thấp nhất 2-3 năm tù, cao nhất từ 18-19 năm tù.

Trước khi HĐXX bước vào phần nghị án, sáng ngày 17/1, bị cáo Đinh La Thăng cùng các bị cáo nói lời sau cùng…. Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng xin HĐXX cho thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình và người thân trước khi chấp hành hình phạt. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh mong HĐXX thận trọng xem xét cho mình về tội “Cố ý làm trái”.

Giá xăng lại tăng phi mã: E5 tăng hơn 400 đồng/lít, RON 95 tự do lên sát 21.000 đồng/lít

ha noi dan tem kiem soat xang dau 3
Giá xăng dầu lại tăng phi mã. (Ảnh: Khánh Minh)

Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h00 chiều ngày 19/1. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 429 đồng/lít lên mức tối đa 18.672 đồng/lít; còn giá xăng Ron 95 tự do cao nhất đã lên đến 20.990 đồng/lít.

Lý giải cho sự tăng giá này, theo Bộ Công thương, thời gian gần đây giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng và đứng ở mức cao. Giá thành phẩm thế giới xăng RON 92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON92) ngày 10/1 ở mức 77.350 USD/thùng, là mức giá cao nhất trong vài năm trở lại đây.

Mặc dù đợt điều chỉnh này chưa ghi giá xăng RON 95, nhưng trong thông báo của Petrolimex giá xăng RON 95 cao nhất đã lên đến 20.990 đồng/lít. Trước đó, trong kỳ điều chỉnh ngày 4/1 vừa qua, xăng RON 95 đã được tự do điều chỉnh với mức tăng rất mạnh, vượt 20.000 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng tăng phi mã nhưng giá cơ sở của xăng RON 95 vẫn chưa được công bố khiến người dân đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của việc điều hành giá.

Cắm biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” tại trạm BOT có đúng luật?

Ngày 15/1 vừa qua, trong văn bản về việc tổ chức giao thông tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu lắp đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” (biển viết bằng chữ, nền màu đỏ, chữ màu trắng) cách cabin thu phí khoảng 50 m.

Tuy nhiên, nhiều tài xế cho biết đây dường như là một biện pháp cưỡng chế kiểu mới và sẽ không giải quyết được mấu chốt vấn đề về các ‘điểm nóng’ BOT.

Một điều đáng lưu ý là biển báo cấm thời gian dừng xe không nằm trong danh mục các biển báo cấm theo luật giao thông đường bộ. Hiện trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, chỉ có các biển báo cấm: Biển cấm dừng và đỗ xe, biển cấm theo giờ hoặc biển cấm các loại phương tiện. Do đó, nếu áp dụng biển báo cấm này sẽ không có biện pháp chế tài nào để xử lý những trường hợp “vi phạm.”

Bộ trưởng Bộ GTVT: ‘Tôi không có tư túi tại dự án BOT Cai Lậy’

Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi họp báo.

Chiều ngày 18/1, Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo “Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của ngành giao thông vận tải và một số nội dung liên quan đến dự án BOT”.

Tại buổi họp báo, trước câu hỏi của báo chí liên quan tới trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc ký hợp đồng BOT Cai Lậy, Bộ trưởng khẳng định “Tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Phán quyết như thế nào thì Kiểm toán, UBKTTƯ đã vào cuộc với toàn bộ các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy. Cơ quan chức năng sẽ công bố đúng sai“.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng đa số dự án BOT do địa phương đề xuất, Bộ GTVT thấy phù hợp mới triển khai. Do đó, trách nhiệm của các địa phương là rất lớn, còn Bộ GTVT chịu trách nhiệm về mức đầu tư, phương án,…

Dự án BOT có 7 bộ ngành chịu trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà trách nhiệm của cả địa phương vì các địa phương đã đồng ý. Với một số dự án địa phương đề xuất di dời trạm BOT, Bộ không đủ thẩm quyền vì chúng tôi cũng chỉ là một trong các bên nên sẽ báo cáo Chính phủ tính toán. Trách nhiệm như thế nào Chính phủ sẽ cho kết luận” – ông Thể nói.

Cũng tại buổi hợp báo, ông Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường thuỷ (Bộ Công an) cho biết 43/63 địa phương trong cả nước có trạm BOT. Hiện còn 24 dự án BOT có vấn đề về an ninh trật tự.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ GTVT, điểm nóng BOT đang lan rộng tại phía Nam bắt đầu từ Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hoà đến Sóc Trăng. Phản ứng cánh tài xế ngày càng dữ dội, kể cả trạm không đầu tư xây dựng tuyến tránh như Sông Phan, Ninh An, trạm phía Bắc Khánh Hòa,…

Bộ GTVT cũng thừa nhận việc lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập, cũng như chất lượng dịch vụ kém, đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa.

KTNN phát hiện thừa hơn 57.000 người trong biên chế

Ngày 15/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.

Tại hội nghị, Tại hội nghị, phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết đến nay, KTNN đã thực hiện 257/257 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, xét duyệt 273/282 báo cáo kiểm toán.

Cũng trong năm 2017, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc yêu cầu chuyển cơ quan điều tra để xử lý 2 vụ việc; củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra và tố tụng.

Đặc biệt, KTNN phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. Đơn vị đã có kiến nghị siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức của các cơ quan.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra vào sáng 29/11/2017 tại Hà Nội, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết hiện nay tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo thống kê, cả nước hiện có:

  • 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011;
  • 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%;
  • 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011;
  • 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%;
  • 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.

Vụ phá hơn 53 m3 gỗ pơ mu: Nguyên đồn phó Biên phòng là chủ mưu

vu chat pha rung po mu nghiem trong tai quang nam
Một cây pơ mu hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ được phát hiện ngày 9/7/2016. (Ảnh: nld.com.vn)

Ngày 19/1, tòa án quân sự khu vực I (Quân khu 5) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 21 bị cáo trong vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới Việt – Lào gây xôn xao dư luận vào năm 2016. Phiên xét xử có bị cáo Lê Xuân Chính – nguyên Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang, Quảng Nam) được xác định là chủ mưu vụ việc.

Các bị cáo cùng bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng” theo điều 175 Bộ luật Hình sự. Phiên tòa diễn ra trong bốn ngày (từ ngày 19-22/1).

Theo kết quả điều tra, sau vụ chặt phá rừng, có 41 gốc cây gỗ pơ mu bị cưa xẻ với khối lượng là 53,123 m3, giá trị thiệt hại ước tính 3,2 tỷ đồng.

Các tin như: TTCP chỉ ra nhiều bất cập tại Bộ GD&ĐT; Hỗ trợ thiệt hại ‘nhập nhằng’, người dân khiếu nại trưởng thôn; Kỷ luật 3 cán bộ liên quan đến chỉ định thầu, bố trí xe doanh nghiệp tặng; Cách chức Phó Chủ tịch UBND Thanh Hóa; Gần 2.000 phương tiện được giảm giá qua trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp; Vẫn được dùng thẻ đảng viên, bằng lái xe làm thủ tục lên máy bay,… tiếp tục là tin tức được quan tâm trong tuần.

Minh Hợp

Xem thêm: