Với vị trí 47 trong 127 quốc gia, Việt Nam đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay.

Một nông dân dùng trâu nước để cày ruộng trước khi cấy lúa tại một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội, ngày 16/2/2017. (Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Ngày 15/6, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD vừa công bố Báo cáo xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) 2017. Năm nay danh sách gồm 127 quốc gia, giảm một quốc gia so với năm 2016.

Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu với 67,7 điểm (thang 100 điểm), tăng 1,42 điểm so với năm 2016. Thụy Điển đứng thứ hai, đạt 63,8 điểm, tăng 0,23 điểm. Hà Lan tăng 5,11 điểm, từ vị trí thứ 6 năm 2016 tăng lên vị trí thứ 3 thay thế Anh quốc.

Hoa Kỳ giữ nguyên số điểm 61,4, đứng thứ 4/127 quốc gia. Trong khi đó, Anh quốc giảm từ 61,93 xuống còn 60,9 điểm, tụt xuống vị trí thứ 5.

Yemen đứng cuối với 14,55 điểm năm 2016, nhích lên 15,6 điểm năm 2017.

So với năm 2016, Việt Nam đạt 38,3 điểm, tăng thêm 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia/nền kinh tế có mặt trong báo cáo đánh giá.

viet nam tang 12 bac
Việt Nam được ghi nhận đứng vị trí thứ 47/127 quốc gia về chỉ số đổi mới trong tổ chức, nhân lực, nghiên cứu, tri thức… (Nguồn: Global Innovation Index)

Tất cả các chỉ số của Việt Nam đều tăng cả về số điểm và xếp hạng so với năm trước (trừ chỉ số mức độ hoàn thiện kinh doanh):

viet nam tang 12 bac
(Số liệu: Global Innovation Index)

Tuy vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp 7 năm liên tiếp từ 2011 tới nay (ngoài ra có Kenya, Moldova, Ấn Độ).

Báo cáo GII-2017 của WIPO nhận định tại Châu Á, Singapore vẫn đang là nước đứng đầu trong số các nền kinh tế nhỏ, mới nổi tại đây, nhưng các nước khác như Việt Nam, Philippines và Thái Lan đang nhanh chóng bắt kịp quốc gia này, trong đó, Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực về chi tiêu cho giáo dục và ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin và truyền thông, mô hình vốn gộp và dòng tiền FDI.

WIPO nhận định Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường chuyển một số hoạt động sản xuất của họ, trong đó có cả những lĩnh vực cần nhiều hàm lượng công nghệ, sang các nước láng giềng châu Á, và điều này có thể dẫn tới sự hình thành các mạng lưới sản xuất và đổi mới toàn khu vực.

Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất trong phạm vi khu vực vẫn chủ yếu tập trung vào các hoạt động lắp ráp với mức lương thấp và cần ít kỹ năng. Chẳng hạn, các công ty của Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc lựa chọn sản xuất ở Việt Nam để hưởng lợi từ các điều kiện khung pháp lý tốt ưu tiên doanh nghiệp FDI và lương nhân công rẻ hơn so với sản xuất trong nước”, theo WIPO.

Ngoài ra, theo WIPO, thường có rất ít sự hợp tác giữa các quốc gia hàng đầu Châu Á với các nhóm công ty đổi mới hàng đầu hoặc các doanh nghiệp mới nổi nhỏ hơn trong các dự án về Nghiên cứu & Phát triển (R&D), xét ở cả cấp độ doanh nghiệp và nhà nước. Xét về hiện trạng, WIPO cho rằng các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á như Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn còn kém về kinh nghiệm R&D và mức độ cấp bằng sáng chế độc quyền thấp. “Kết quả là, tiềm năng của các mạng lưới đổi mới trong khu vực Châu Á vẫn chưa được tận dụng hết”. – báo cáo đánh giá.

Báo cáo cũng cung cấp thêm một số chỉ số đánh giá của một số tổ chức khác làm tham khảo. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 59/127 quốc gia về có mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực/khủng bố (2016), tuy nhiên, chỉ đứng thứ 100 về tính hiệu quả của chính phủ và thứ 74 về tính pháp trị.

Về chỉ số chi phí sa thải nhân công dư thừa, Việt Nam chỉ đứng thứ 101/126 quốc gia. Các chỉ số kinh doanh khác cũng đứng ở mức thấp với chỉ số thuận lợi kinh doanh: 92/127 quốc gia; chỉ số thuận lợi giải quyết phá sản: 105/127 quốc gia; chỉ số nộp thuế: 115/127 quốc gia.

UNESCO đưa ra một số chỉ số đánh giá về tình hình giáo dục, nghiên cứu ở Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đứng 26/127 quốc gia về mức độ chi tiêu của chính phủ cho giáo dục (trên %GDP).

Chưa xác định được mức chi tiêu của chính phủ cho giáo dục đối với mỗi học sinh tiểu học, trung học (2013) cũng như tuổi đi học, từ bậc tiểu học đến đại học (trung bình ở từng cấp) (2014).

Việt Nam chỉ đạt 8,04 điểm, đứng thứ 58/127 quốc gia (2013) về tỷ lệ các nhà nghiên cứu toàn thời gian trên một triệu dân. Đứng đầu là Israel với số điểm đạt tuyệt đối 100 điểm (2012); Thụy Sĩ đứng thứ 4 với 85,04 điểm.

Mỹ đứng đầu trong các chỉ số về số công ty Nghiên cứu & Phát triển Toàn cầu, TOP 3 chi tiêu trung bình và điểm trung bình xếp hạng của 3 trường đại học lọt Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds. Đối với các chỉ số này, Việt Nam không có số liệu, theo Bảng kết quả đầu tư Nghiên cứu & Phát triển ngành của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Hội đồng Khoa học EU (2016).

Chỉ số Sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) được đưa ra năm 2007 bởi Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO, thuộc Liên Hiệp Quốc), kết hợp với một số công ty lớn và tổ chức phi lợi nhuận khác

Báo cáo được đưa ra thường niên, dựa trên 7 chỉ số, trong đó 5 chỉ số đầu thuộc nhóm đầu vào, 2 chỉ số sau thuộc nhóm đầu ra:

  • Tổ chức (Institutions)
  • Nguồn nhân lực và nghiên cứu (Human capital and research)
  • Cơ sở hạ tầng (Infrastructure)
  • Độ chín của thị trường (Market sophistication)
  • Mức hoàn thiện kinh doanh (Business sophistication)
  • Thông tin tri thức và công nghệ (Knowledge & technology outputs)
  • Thành quả sáng tạo (Creative outputs)

Mục đích là đưa ra các đánh giá mang tính tham khảo về độ sáng tạo/đổi mới của mỗi quốc gia.

Vĩnh Long

Xem thêm: