Tại phiên xét xử cuối chiều ngày 9/1 về vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm xảy ra tại PVN và PVC, bị cáo Thăng đề nghị HĐXX xem xét lại quyết định giám định thiệt hại đối với PVN.

Đinh La Thăng
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Trong phần tranh luận, bị cáo Đinh La Thăng cho biết trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có đưa cho ông Thăng bản kết luận giám định của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, song vì thời gian gấp nên không có điều kiện để đọc bản giám định.

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng ông tôn trọng kết luận giám định của Bộ Tài Chính nhưng đề nghị HĐXX và cơ quan giám định cho xác định lại giá trị thiệt hại, đặc biệt là cách tính giá trị dự án.

Thứ nhất là giá trị lãi suất tối thiểu. Bị cáo làm doanh nghiệp rồi, bị cáo biết. Thứ hai, đối với doanh nghiệp thì có các tài khoản, trong đó, tiền thanh toán tài khoản hàng ngày nằm trong tài khoản thanh toán, vì thế không thể căn cứ và lấy lãi suất tài khoản tiền gửi tính lãi suất cho tài khoản thanh toán” – bị cáo Đinh La Thăng nói.

Trước đó, ông Nguyễn Huy Thiệp – luật sư bào chữa cho ông Thăng đặt câu hỏi với giám định viên về việc xác định thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của bị cáo gây ra.

Ông Thiệp thông tin tại kết luận giám định, 1.115 tỷ đồng tạm ứng cho PVC không phát huy được lợi ích tối đa đối với doanh nghiệp. Từ đó, thiệt hại trên cơ sở lãi suất huy động vốn ngân hàng là 15%/năm – tổng thiệt hại là 119 tỷ đồng.

Luật sư Thiệp cũng hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó tổng giám đốc PVN rằng khoản tiền trước khi chuyển cho PVC để trong tài khoản nào? Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định tiền này để trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiền gửi.

Bị cáo Sơn cũng cho rằng cách tính thiệt hại như kết luận giám định là không đảm bảo bản chất về kinh tế. Vì bản chất tiền gửi trong tài khoản thanh toán thì lãi suất chỉ là chỉ từ 0,2% đối với đô la Mỹ còn tiền Việt là 2%. Nếu với mức lãi suất này thì lãi suất chỉ là 12-15 tỷ đồng, chứ không phải 119 tỷ đồng như kết luận.

Trong khi đó, giám định viên khẳng định căn cứ để xác định giá trị thiệt hại là mức lãi suất trung bình, bình quân tùy thời điểm là 13 – 14%, dù mức lãi suất huy động của ngân hàng tại thời điểm đó là 20%. Khi được luật sư về cơ sở pháp lý nào xác định thiệt hại, giám định viên khẳng định căn cứ vào điều 72 của luật Doanh nghiệp.

Bị cáo Thăng nhận trách nhiệm là người đứng đầu

Khi VKS hỏi bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định PVC làm Tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng vẫn khẳng định rằng chỉ định thầu cho PVC do đơn vị này đủ năng lực tài chính, vì khi đó, các báo cáo đều thể hiện PVC làm ăn có lãi (năm 2010, PVC lãi 1.000 tỷ đồng; năm 2011 lãi 200 tỷ đồng)

Tuy nhiên, VKS đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông Thăng khi chỉ định thầu cho PVC khi đơn vị này không có năng lực dẫn đến dự án kéo dài, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định: “Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, còn trách nhiệm pháp luật thì có quy định trách nhiệm của từng người, của tổng thầu, chủ đầu tư. Chưa khi nào bị cáo từ chối trách nhiệm này. Đối với anh em trong tập đoàn, vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo đã dẫn đến anh em làm không đúng, vi phạm các quy trình, bị cáo xin nhận trách nhiệm cho các anh em“.

Trịnh Xuân Thanh phủ định việc tham ô 4 tỷ đồng

Theo cáo trạng, ông Thanh cần tiền tiêu tết nên đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Anh Minh – nguyên phó tổng giám đốc PVC lo 5 tỷ đồng. Ông Minh đã chỉ đạo bị cáo Lương Văn Hòa – giám đốc điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch ra ngân hàng rút tiền rồi nhờ lái xe của ông Minh gửi 2 gói quà cho lái xe của ông Thanh.

Tuy nhiên, về phần mình, ông Thanh phủ định về việc nhận quà từ ông Minh. Ông Thanh cũng cho rằng nhân chứng lúc thì nói “túi quà”, lúc lại nói “túi tiền” nên đề nghị HĐXX làm rõ xem đó là quà hay tiền.

Ông Thanh cũng khẳng định trong ô tô của mình luôn có rất nhiều quà trong những lần đi công tác, do vậy không thể biết gói quà đó là gói gì.

Trần Tâm

Xem thêm: