Thương xá Tax – một thời là khu trung tâm mua sắm đệ nhất của Sài Gòn, nay đang trong quá trình phá dỡ, xây mới. Qua hơn một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã gắn bó như cái hồn đô thị của một trong những thành phố từng ồn ào, náo nhiệt nhất xứ Đông Dương.

Được xây dựng những năm đầu thế kỷ 20, Thương xá Tax là trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại Sài Gòn với diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur – những con đường hào hoa và nhộn nhịp nhất thành phố.

Vị trí của “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) nơi trung tâm Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Vị trí của “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) nơi trung tâm Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Được khởi công xây từ năm 1880, sau đó được tái thiết kế và xây dựng lại vào năm 1924, tính tới nay Thương xá Tax đã có 136 năm tuổi. Trải qua nhiều biến động thăng trầm, những người Sài Gòn trở nên gắn bó với một địa điểm thường lui tới, như một nơi chứa đựng bản sắc và cái hồn đô thị của thành phố ồn ào, náo nhiệt, có nhiều người giàu cũng như nhiều kẻ khó.

Gắn liền với các giai đoạn của lịch sử Sài Gòn, mỗi thời kỳ, Thương xá Tax có một tên gọi và biến đổi về kiến trúc khác nhau.

Thương xá Tax được khởi công xây từ năm 1880, sau đó được tái thiết kế và xây dựng lại vào năm 1924. Lúc này, công trình này có tên “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Channer – GMC) với công năng là trung tâm thương mại.

Nặt tiền của tòa nhà có gắn tháp đồng hồ theo kiến trúc của Pháp nhưng pha trộn những đường nét Á Đông với mái cong trên tháp. (Ảnh tư liệu)
Mặt tiền của tòa nhà có gắn tháp đồng hồ theo kiến trúc của Pháp nhưng pha trộn những đường nét Á Đông với mái cong trên tháp. (Ảnh tư liệu)
Sau năm 1934, biển hiệu GMC được gắn thêm ở khu vực tháp vòm đồng hồ. (Ảnh tư liệu)
Sau năm 1934, biển hiệu GMC được gắn thêm ở khu vực tháp vòm đồng hồ. (Ảnh tư liệu)

GMC thời đó đăng quảng cáo trên báo, tự hào là “Cửa hàng rộng nhất; Nhiều mặt hàng nhất và là Thương xá tốt nhất” (Magasins les plus vastes; Magasins les mieux assortis; Magasins vendant le meilleur marché).

Ngoài các cửa hàng buôn bán, GMC còn có “phòng trà” (salon de thé) và “quán bar kiểu Mỹ” (bar Americain) với lời quảng cáo “Vào cửa tự do” (Entrée Libre) để hẫn dấp khách đến vui chơi, mua sắm.

Năm 1942, vì việc kinh doanh trở nên rất thịnh vượng nên “Công ty Thuộc địa các Nhà hàng lớn” xây thêm một tầng lầu. Phần tháp đồng hồ ngoài mặt tiền bị đập bỏ, thay vào đó là hàng chữ GMC. Tòa nhà mang nhiều dáng dấp của một tòa nhà thương mại, nhưng mất đi nét văn hóa từ vẻ “cổ kính” với tháp đồng hồ mang những đường nét kiến trúc Á Đông.

GMC với 4 tầng nhà, phần mái vòm bị tháo dỡ. (Ảnh tư liệu)
GMC với 4 tầng nhà, phần mái vòm bị tháo dỡ. (Ảnh tư liệu)
Từ thập niên 1960, tên GMC được đổi thành “Thương xá Tax”. (Ảnh tư liệu)
Từ thập niên 1960, tên GMC được đổi thành “Thương xá Tax”. (Ảnh tư liệu)

Sau năm 1975, toàn bộ tòa nhà thuộc sự quản lý của UBND TP.HCM.

Từ năm 1978, tòa nhà trở thành Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố, bán mặt hàng chính là đồ chơi cho trẻ con được sản xuất bởi các công ty quốc doanh.

Năm 1981, tòa nhà đổi tên thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố, trực thuộc Sở Thương nghiệp. (Ảnh tư liệu)
Năm 1981, tòa nhà đổi tên thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố, trực thuộc Sở Thương nghiệp. (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1998, thương hiệu “Thương xá Tax” xuất hiện trở lại. (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1998, thương hiệu “Thương xá Tax” xuất hiện trở lại. (Ảnh tư liệu)

Từ khoản thời gian này, thương xá thuộc quyền quản lý của “Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn”, trực thuộc “Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn” với tên thương mại là SATRA (Saigon Trading Group), được thành lập từ năm 1995.

Tên SATRA được gắn thêm lên biển hiệu Thương xá Tax. (Ảnh tư liệu)
Tên SATRA được gắn thêm lên biển hiệu Thương xá Tax. (Ảnh tư liệu)
Thương xá Tax được tân trang lại vào năm 2003. (Ảnh: Sưu tầm)
Thương xá Tax được tân trang lại vào năm 2003. (Ảnh: Sưu tầm)

Năm 2010, UBND TP HCM thông qua dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax.

Ngày 25/9/2014, thương xá Tax chính thức đóng cửa. Theo kế hoạch, việc đập bỏ thương xá Tax sẽ được thực hiện trong năm 2014 để khởi công tòa nhà mới vào đầu năm 2015.

Hình ảnh khi còn hoạt động và khi được vây lưới để phá dỡ của tòa Thương xá Tax. (Ảnh: Paul Blizard/FB Saigon Chợ Lớn Then & Now)
Thương xá Tax tấp nập trong khoảng thập niên 60-80 của thế kỷ trước (ảnh trên) và hình ảnh được vây lưới để phá dỡ năm 2016 (ảnh dưới). (Ảnh: Paul Blizard/FB Saigon Chợ Lớn Then & Now)

Tuy nhiên, khi thông tin đập bỏ tòa nhà lâu đời này được công bố, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối vì một góc văn hóa kiến trúc gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ sinh sống tại Sài Gòn. Chính quyền TP đã yêu cầu chủ đầu tư có phương án bảo tồn, gìn giữ các nét kiến trúc cổ của tòa nhà. Việc bóc tách bảo tồn các chi tiết nội thất do Bộ môn khảo cổ học – Khoa lịch sử (Đại học KHXH&NV TP HCM) thực hiện.

Bên trong tòa thương xá. Hệ thống cầu thang được thiết kế cầu kỳ, được lót bằng thảm gạch Mosaic từ năm 1924 là một nét kiến trúc độc đáo của tòa nhà. (Ảnh: Alexandre Grael)
Bên trong tòa thương xá. Hệ thống cầu thang được thiết kế cầu kỳ, được lót bằng thảm gạch Mosaic từ năm 1924 là một nét kiến trúc độc đáo của tòa nhà. (Ảnh: Alexandre Grael)

Ngày 11/10/2016, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên Satra bắt đầu phá bỏ trung tâm Thương xá Tax cũ.

Một số hình ảnh mới nhất về Thương xá Tax khi bị phá dỡ do Paul Blizard, một người Mỹ sống tại Sài Gòn chụp và chia sẻ trên trang fanpage Saigon Chợ Lớn Then & Now. Vì tình yêu với Việt Nam, ông Paul cùng vợ rời quê hương tới sống tại Sài Gòn 4 năm qua.

thuong-xa-tax-5

thuong-xa-tax-3

thuong-xa-tax-2

Thương xá Tax
Bên trong công trường tháo dỡ Thương xá Tax vào tháng 11/2016. (Ảnh: Paul Blizard/FB Saigon Chợ Lớn Then & Now)

Tòa nhà mới: Satra-Tax Plaza

Công trình thương xá Tax mới có tên gọi Satra-Tax Plaza, do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) làm chủ đầu tư xây dựng. Toà tháp Tax Plaza có quy mô xây dựng gồm 6 tầng hầm và 40 tầng nổi, kết hợp với một bãi đỗ trực thăng trên nóc toà nhà, có lối kết nối vào nhà ga của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Công năng của tòa nhà là làm trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ, giải trí, văn phòng và khách sạn.

Theo yêu cầu từ các cơ quan quản lý, tòa nhà mới phải đáp ứng sự hài hòa cả về mặt kiến trúc lẫn công tác bảo tồn, giữ lại những đường nét mô phỏng hình ảnh tòa nhà năm 1924 để gợi nhớ một GMC – Thương xá Tax ngày xưa, đảm bảo sự hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như: UBND TP, khách sạn Rex, Nhà hát Thành phố…

Thương xá Tax
Phác đồ tòa nhà Satra-Tax Plaza (Ảnh qua ctbuh.org)

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng trong bài viết “Sài Gòn đang trở nên xa lạ” (Báo Pháp luật TPHCM, 19/8/2014) đưa ra nhận xét chuyên môn:

Với một diện tích khiêm tốn vài trăm hecta, trung tâm Sài Gòn vốn được quy hoạch thành khu trung tâm hành chính và công cộng nay lại đang được nén chặt đến mức ngộp thở. Sài Gòn xưa giờ đang trở thành đô thị của một nước xa lạ nào đó, những bản sắc vốn có và hồn đô thị của thành phố 300 năm tuổi đang bị xóa nhòa. Liệu bạn có còn tìm được nét Sài Gòn xưa ở những cao ốc mang tên nước ngoài như Royal Garden, Eva Royal Plaza, Avalon, Sailing Tower, Centec Tower hay Kenton Residence, Gemadept Tower, The Manor? Cái tên Sài Gòn cũng được nhắc tới nhưng lại rặt một nét lai căng, ví như Saigon Sky Garden, Saigon Plaza…

Đôi khi tôi tự hỏi khu đô thị Thủ Thiêm cứ ì ạch thực hiện đã hơn 10 năm nay nhưng sao ở đó người ta không sớm xây dựng cao ốc, quảng trường, khu phức hợp? Tại sao không dời trung tâm hành chính về đó để tạo động lực thúc đẩy phố đông Sài Gòn, nhất là khi cầu, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, sân bay Long Thành đang dần được hình thành? Một phố đông hiện đại, ngăn nắp và một phố tây cổ kính, hoài niệm sẽ cùng phát triển và là một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Vậy mà…

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay:

Trong khi, chúng ta có thể vừa tăng cường du lịch, vừa tái hiện lịch sử thì phải biết bảo vệ. Tôi cho rằng nên phát triển phải bền vững, bình tĩnh đừng hối hả dẫm lên những viên ngọc quý, đừng vấp phải trường hợp cầm vàng lại tưởng đồng thau“. (Báo Đất Việt, 11/10/2014)

Nguyễn Quân (T/H)

Xem thêm: