Bộ Giáo dục vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất việc sửa một số điều luật và bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục, trong đó có việc Bộ Giáo dục từ bỏ độc quyền sách giáo khoa, việc biên soạn sách giáo khoa sẽ được xã hội hóa.

xã hội hóa sách giáo khoa
Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã được đề cập đến trong nghị quyết số 88, được thông qua vào ngày 28/11/2014. (Ảnh minh họa/dẫn qua giaoduc.net.vn)

Cụ thể Bộ Giáo dục chỉ chủ trì xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định, quy định yêu cầu cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; còn việc biên soạn sách giáo khoa sẽ do tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia.

Thực ra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã được đề cập đến trong nghị quyết số 88, được Quốc hội thông qua vào chiều ngày 28/11/2014.

Nghị quyết này đề cập đến việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 404 ngày 27/3/2015. Trong đó, một trong các nguyên tắc thực hiện là “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”.

Sáng ngày 7/6/2016, tại buổi làm việc của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ tại TP.HCM, Sở Giáo dục thành phố đã xin phép để TP được tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ. Bộ Giáo dục cũng giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tự quyết định chương trình học, nhập khẩu các chương trình giáo dục tiên tiến của nước ngoài trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục.

Việc biên soạn sách giáo khoa tại một số nước trên thế giới

Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, cùng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau đã được thực hiện từ lâu trên thế giới.

Ở Mỹ, việc biên soạn sách giáo khoa dành cho tất cả những ai có khả năng, nhưng để sách có giá trị thì cần phải thỏa các mục tiêu chương trình và các tiêu chuẩn đánh giá chung, ví dụ sách giáo khoa môn Toán cho hệ thống K-12 (từ lớp 1 đến lớp 12) cần phải đáp ứng yêu cầu của Hội đồng quốc gia các thầy dạy toán (National Council of Teachers of Mathmatics-NCTM).

Mỗi năm Bộ Giáo dục của mỗi bang (ở Mỹ, mỗi bang có một Bộ Giáo dục) chọn một số bộ sách giáo khoa để giới thiệu cho các trường công lập trong bang, lãnh đạo mỗi trường sẽ chọn mua bộ sách giáo khoa trong số các bộ mà Bộ giáo dục bang đã giới thiệu.

Tiền mua sách giáo khoa sẽ được ngân sách của bang chi trả, số sách này đủ để cho mọi học sinh trong trường mượn để học trong suốt năm học.

Các giáo viên cũng không bị bắt buộc phải dùng sách giáo khoa mà nhà trường đã chọn mua, họ hoàn toàn chủ động và có quyền sử dụng kiến thức của mình hay các tài liệu khác vào bài giảng.

Riêng ở cấp đại học, việc chọn sách giáo khoa do giáo viên hoặc tổ bộ môn quyết định, sinh viên phải mua sách đó để học.

Khi sách giáo khoa được bán ra, thông thường nhóm tác giả được hưởng nhuận bút khoảng 12% giá bán, nhà sách được 32%, nhà xuất bản được 56% bao gồm mọi chi phí từ giấy, in, biên tập, tiếp thị, vận chuyển… và lãi. 

Phần Lan – quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới này từ lâu đã xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, sử dụng nhiều bộ sách khác nhau cho mỗi chương trình học.

Giáo viên được chủ động lựa chọn sách giáo khoa, được phép tự soạn bải giảng riêng cho mình, miễn là theo chương trình chuẩn quốc gia. Chương trình học được thiết kế để có thể tiếp cận với từng học sinh. Không chỉ sách giáo khoa, sách thực hành, bài tập về nhà và bài giảng trên lớp đều được chọn lựa và phân loại sao cho phù hợp với từng học sinh.

Tại Pháp, chương trình phổ thông được công bố trên trang web của Bộ Giáo dục quốc gia, các học khu (académie) và nhiều tổ chức liên quan khác, giúp định hướng về nội dung cơ bản của các bộ sách giáo khoa.

Tác giả sách giáo khoa trung học thường là giáo viên trung học cao cấp (tạm dịch từ professeur agrégé) chiếm khoảng 26% giáo viên trung học, hoặc thanh tra sư phạm vùng (IPR). Giảng viên đại học thường không trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

Một môn học ở một khối lớp có nhiều bộ sách giáo khoa của nhiều nhóm tác giả khác nhau. Giáo viên bộ môn là người quyết định học sinh của mình nên chọn bộ sách nào nhưng chất lượng bộ sách do cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng đánh giá. Tại Pháp, có sáu nhà xuất bản lớn về sách giáo khoa là Bordas, Nathan, Hachette, Hatier, Magnard và Belin.

Trần Hưng

Xem thêm: