Mặc dù nhiệt điện than được Bộ TN&MT xếp vào nhóm có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao nhưng trong thời gian tới, đây vẫn là lựa chọn chiếm ưu thế trong phát triển năng lượng của Việt Nam.

nhiet dien than
Nhà máy nhiệt điện Uông Bí (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) xả khí thải. (Ảnh: Khải Hưng)

Ngày 20/6, Bộ TN&MT tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay”  tại Hà Nội.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết hiện cả nước có 64 dự án nhiệt điện than. Trong đó: 26 dự án đã vận hành; 15 dự án đang triển khai; 13 dự án đã xác định chủ đầu tư; 10 dự án đang tìm chủ đầu tư. Tổng công suất nhiệt điện than hiện nay là 14.675MW (chiếm khoảng 35% lượng điện, tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm); đến năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300MW (chiếm 53,2% lượng điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn/năm).

Cũng theo Tổng cục trưởng, nhiệt điện than được Bộ TN&MT xếp vào một trong những ngành có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường bên cạnh các ngành khác như: sản xuất giấy, dệt nhuộm, luyện thép, khai thác khoáng sản. Trong đó, ba vấn đề chính về môi trường từ nhiệt điện than là khí thải – bụi, chất thải rắn và nước làm mát.

Tổng cục trưởng cho hay để đảm bảo việc phát triển kinh tế khoảng 7%/năm thì tốc độ phát triển điện cần đảm bảo khoảng 11%/năm. Với tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành điện nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển, nếu không có các giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm túc thì Việt Nam có thể phải gánh chịu những hậu quả môi trường.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, tất cả các nhà máy nhiệt điện than đều phải có hệ thống quan trắc tự động và phải đổi mới công nghệ mạnh mẽ. “Nhiệt điện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho Việt Nam. Chúng ta không còn cách nào khác là vẫn phải phát triển nhiệt điện để phục vụ phát triển, nhưng phải có giải pháp để phát triển bền vững”, ông Tài nói.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “Phát triển nhà máy nhiệt điện than trên thế giới vẫn là xu hướng chiếm ưu thế vì tính hiệu quả. Những vấn đề môi trường của nhà máy nhiệt điện than đã được nhận dạng rất rõ. Và điều tiên quyết trong thời gian tới, Bộ TN-MT và Bộ Công thương đã thống nhất, đó là chỉ xem xét lựa chọn công nghệ thế hệ mới. Công nghệ mới sẽ quyết định toàn bộ vấn đề sử dụng hiệu quả về mặt nhiên liệu cũng như đảm bảo về môi trường”.

Đối với các nhà máy hiện tại, Bộ sẽ xem xét các giải pháp môi trường chặt chẽ, trong đó vấn đề xỉ than là vấn đề lớn nhất. Theo lời Bộ trưởng: “Chúng ta có thể yên tâm được về vấn đề môi trường, đặc biệt là về khí thải và nước làm mát hoặc là vấn đề xử lý chất thải rắn như xỉ than, tro bay”.

Cũng theo Bộ trưởng, sắp tới, các nhà máy như Vĩnh Tân 1, Duyên Hải và các nhà máy khác sẽ được giám sát chặt chẽ về các vấn đề quy chuẩn môi trường. Trong giai đoạn tới, tiêu chí về môi trường phải đặt lên hàng đầu, kể cả các hoạt động nhận chìm đối với các chất thải cũng phải làm chặt chẽ, có cơ quan tư vấn độc lập đánh giá, có cơ quan am hiểu về hệ sinh thái biển giám sát, và chỉ làm từng bước.

Năm 2016, tổng lượng tro, xỉ phát sinh vào khoảng hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tổng lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra từ các nhà máy nhiệt điện mới tiêu thụ được khoảng 25-30% tổng lượng thải ra. Việc lưu trữ tro, xỉ tại bãi thải có thể gây ra các tác động tới môi trường như rò rỉ nước từ bãi thải xỉ, chiếm diện tích lớn để lưu giữ, dễ phát tán bụi kích thước nhỏ, các thành phần trong tro, xỉ có thể gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.

Minh Long

Xem thêm: