Thứ trưởng TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng cách diễn đạt trong thông tư số 33 là “bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý“. Do đó, Bộ sẽ rút kinh nghiệm.

bo tn mt
Bộ TN&MT. (Ảnh: Phạm Toàn)

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT vào ngày 27/11, trước câu hỏi về nội dung ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo thông tư số 33, ông Mai Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) khẳng định phạm vi điều chỉnh về nội dung này chỉ tập trung hướng dẫn việc ghi tên cho người sử dụng đất chung trong hộ gia đình.

Thông tư này chỉ điều chỉnh cách ghi tên giấy đỏ cho đối tượng sử dụng thửa đất là hộ gia đình. Tức ai đóng góp vào tài sản đó thì được ghi tên. Ví dụ tài sản tạo lập của vợ và chồng mà người con không cùng đóng góp thì chỉ ghi thông tin tài sản của vợ và chồng thôi” – ông Phấn nói.

Cũng theo ông Phấn, vừa qua người dân và dư luận hiểu rằng giấy đỏ phải ghi toàn bộ các thành viên gia đình có trong hộ khẩu. Đây là cách hiểu không đúng.

Nhấn mạnh thêm, ông Phấn cho hay việc ban hành thông tư số 33 chỉ là hướng dẫn kỹ thuật về cách ghi tên chứ không có điều chỉnh nội dung gì mới so với trước đây. Thành viên không có QSDĐ trong gia đình thì không ghi tên trong giấy đỏ.

Ông Phấn đưa ra hai cách giải quyết đối với giấy đỏ hộ gia đình (không phải giấy đỏ của các cặp vợ chồng hoặc đứng tên cá nhân như hiện nay) tại Thông tư 33/2017. Đó là cử người đại diện đứng tên hoặc tất cả thành viên có QSDĐ cùng đứng tên trên giấy đỏ hộ gia đình.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết quá trình xây dựng Thông tư 33 đã được tiến hành theo đúng trình tự và xin ý kiến góp của các bộ ngành liên quan nhưng Thứ trưởng Hoa cho rằng quản lý đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm. Có những quy định ban hành ra thì người “trong ngành” hiểu ngay nhưng “bên ngoài mọi người chưa hiểu đúng ý của mình”.

Chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm, xin tiếp thu vì pháp luật về tài nguyên và môi trường rất rộng. Quan trọng nhất là làm sao để văn bản ra đời thì người dân cũng đều hiểu được dễ dàng” – Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng khẳng định sau khi Thông tư 33 có hiệu lực thì Bộ TN&MT sẽ tiến hành công bố văn bản hợp nhất với Thông tư 23 để người dân dễ dàng theo dõi thông tin.

Trước đó, ngày 29/9/2017, Bộ TN&MT ban hành thông tư số 33 (có hiệu lực từ 5/12/2017) nhằm quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Cụ thể, Thông tư 33 sửa đổi điểm C, Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 23 : “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”

Những quy định của Thông tư 33 vấp phải sự lo lắng khá lớn của dư luận và các chuyên gia trong ngành khi đa phần cho rằng chính sách mang tính vá lỗ hổng này có thể còn tạo thêm nhiều thủ tục và rào cản khác về vấn đề sở hữu vốn là hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản.

Trần Tâm

Xem thêm: