Bộ TN&MT yêu cầu tạm dừng thi công dự án “Công viên trái cây” (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vì sẽ làm thay đổi dòng chảy, lòng dẫn sông và đặc biệt khả năng sẽ gây sạt lở bờ sông khu vực lân cận dự án và phía hạ lưu sông Tiền.

song tien 3
Dự án công viên trái cây Tiền Giang. (Ảnh: Nam Trần/monre.gov.vn)

Ngày 1/11, Bộ TN&MT có công văn số 5884 gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc xây dựng dự án “Công viên trái cây” thuộc huyện Cái Bè.

Theo công văn, dự án do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư với quy mô diện tích khoảng 9,78 ha, trong đó diện tích phần lấn sông Tiền khoảng 6,8 ha với chiều dài lấn sông lớn nhất là 160 m, trung bình là 110 m, tổng chiều dài kè của dự án vào khoảng 800 m.

Qua khảo sát sơ bộ, hiện chủ dự án đã tiến hành thi công và hoàn thiện gần như hoàn toàn việc đóng cọc bê tông dự ứng lực tổng chiều dài của dự án và đang tiến hành làm kè bằng rọ đá và chuẩn bị bơm cát vào san lấp sông Tiền.

Việc san lấp mặt bằng và thi công, xây dựng bờ kè dự án lấn ra sông Tiền sẽ gây ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy sông Tiền. Cụ thể: mặt cắt sông, hình thái thay đổi dẫn đến thay đổi dòng chảy, lòng dẫn sông và đặc biệt khả năng gây sạt lở bờ sông khu vực lân cận dự án và phía hạ lưu sông Tiền.

Cũng theo công văn, UBND huyện Cái Bè đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi phê duyệt dự án, trong đó đã đánh giá tác động dòng chảy và vận chuyển bùn cát tại khu vực. Tuy nhiên, nội dung này chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước, trong khi sông Tiền là sông liên tỉnh.

Do đó, để đảm bảo tính khách quan và khoa học, đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng của dự án, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang, Sở ngành có liên quan yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thực hiện việc thi công, xây dựng dự án nêu trên.

Đồng thời, tiến hành rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường nhất là đánh giá tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông theo quy định; rà soát lại việc việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước.

Trước đó, theo kết luận nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của dự án, khu vực lân cận công trình ít chịu ảnh hưởng của dòng chảy, mức dao động lớn nhất 0,15 m mỗi giây; khu lân cận công trình bồi 0,5-0,9 m mỗi năm, ở hai đầu công trình là 1,2 m mỗi năm và hiện tượng xói lở sẽ giảm sau một thời gian.

Tuy nhiên, trên báo Tuổi Trẻ (29/10/2017), Ths Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL và TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) khẳng định về mặt kỹ thuật, việc lấn sông chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây áp lực lên bờ sông, gây sạt lở phía bên kia sông Cái Bè và phía bên cù lao Tân Phong.

Theo phản ánh của Nông Nghiệp (11/5/2017), dòng sông Tiền đã bị sạt lở tại nhiều điểm từ nhiều năm qua. Theo giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp – ông Nguyễn Văn Công, dòng chính sông Tiền dài khoảng 122,9 km thì có từ 23 – 101 km đường bờ sông bị xói lở (chiếm 20 – 80%); tổng cộng 291,74 ha đất đã bị nước cuốn trôi; thiệt hại ước tính 320 tỷ đồng (xói lở đất, nhà, tài sản; di dời dân).

Gần đây, tối ngày 13/8, gần 100 m đất đoạn qua ấp Long Thuận, xã Long Thuận bị sạt lở vào sâu 15 m, làm 2.400 m2 đất, một quán nước bị rơi xuống sông, 9 hộ dân phải di dời trong đêm.

Văn Duy

Xem thêm: