Cá chim trắng Piaractus brachypomus, hay còn gọi là Colossoma brachypomum, là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Đây là thông tin đã được liên bộ Tài nguyên-Môi trường và Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đưa ra theo Thông tư liên số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013. 

cá chim trắng
Một thùng cá được phóng sinh xuống sông Hồng ngày 5/2/2017. Đây được xác định là cá chim trắng Colossoma brachypomum, là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Ngày 10/2 đã diễn ra một cuộc họp kín giữa các chuyên gia của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cùng Chi cục Bảo vệ môi trưởng Hà Nội, Chi cục Thuỷ sản Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1, đại diện UBND TP.Hà Nội. Nội dung cuộc họp để xác định rõ trong 10 tấn cá phóng sinh xuống sông Hồng vừa qua có phải có loài nguy hại hay không.

Tại cuộc họp, các chuyên gia khẳng định đây là loài cá chim trắng Colossoma brachypomum, nằm trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh, theo Quyết định 57 của Bộ trưởng NN&PTNT ngày 2/5/2008.

Theo Chi cục Thuỷ sản Hà Nội, loài chim trắng toàn thân có tên khoa học là Piaractus brachypomum mới là loài ngoại lai xâm hại nhóm 1. Còn loài cá chim trắng Colossoma brachypomum được phép nuôi thả.

Về số lượng, nơi mua cụ thể số cá này, Chi cục Thuỷ sản Hà Nội cho biết sẽ làm rõ trong những ngày tới và có văn bản báo cáo Bộ TT&TT cũng như báo cáo lên Chính phủ.

Piaractus brachypomum có tên đồng danh là Colossoma brachypomum

Theo Thông tư liên tịch số 27/2013 TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, loài cá Paractus brachypomus (tên Việt Nam: cá chim trắng toàn thân) thuộc Nhóm 1: Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Gbif.org, hệ thống dữ liệu khoa học về đa dạng sinh học toàn cầu uy tín trên thế giới cho biết loài cá chim trắng Colossoma brachypomum (Cuvier, 1818) là tên đồng danh của loài Piaractus brachypomus (Cuvier, 1818) đã được đưa vào danh sách trong Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT, ngày 26/9/2013.

Theo FishBase, cơ sở dữ liệu toàn cầu các loài cá, thì ngoài tên đồng danh Colossoma brachypomum (Cuvier, 1818), loài Piaractus brachypomus (Cuvier, 1818) còn có thêm các tên đồng danh khác như:

Myletes brachypomus (Cuvier, 1818)

Myletes paco (Humboldt, 1821)

Colossoma paco (Humboldt, 1821)

Myletes bidens (Spix & Agassiz, 1829)

Colossoma bidens (Spix & Agassiz, 1829)

Reganina bidens (Spix & Agassiz, 1829)

Wateina fowleri (Amaral Campos, 1946)

Nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung cho hay tên khoa học (tên Latin) của một loài gồm tên giống (genus) và tên loài (species). Một loài có thể có nhiều tên tên khoa học  đồng danh (synonym).

Vì trước đây khoa học chưa có điều kiện kết nối như hiện nay và có rất nhiều nhà khoa học đã cùng công bố 1 loài với nhiều tên khác nhau, dù đó chỉ là 1 con. Do vậy chúng có tên đồng danh (synonym).

Ngoài ra, tên đồng danh còn được đặt sau khi các nghiên cứu gần đây dựa vào các kết quả di truyền gen DNA và các công cụ nghiên cứu hiện đại khác, thấy rằng những loài trước đây có những đặc điểm khác biệt nên họ thay tên giống (genus) để xếp vào một giống có những đặc điểm chung giống nhau nhất. Cũng có thể thay tên loài (species).

Như vậy, Colossoma brachypomum chỉ là tên gọi khác của cá Piaractus brachypomum.

Những sự việc gây mâu thuẫn thông tin

Năm 2003, từng xảy ra cuộc tranh luận xung quanh việc cá chim trắng có gây hại hay không. Thời điểm đó, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo Chính phủ khẳng định cá chim trắng nước ngọt Colossoma brachypomum thuộc giống Colossoma, họ cá chép mỡ (Characidae). Còn Piranhas (cá hổ) là tên tiếng Anh để gọi chung cho 12 loài thuộc giống PygocentrusSerrasalmus, cũng thuộc họ cá chép mỡ.

Theo đó, dù cùng một họ nhưng cá chim trắng nước ngọt và cá hổ là thuộc các giống khác nhau và kết luận cá chim trắng không gây hại cho các vật nuôi khác.

Mặc dù vậy, Bộ cho biết sẽ nghiên cứu thêm khả năng ảnh hưởng của chúng với môi trường, và đề nghị không đưa cá chim trắng vào vườn quốc gia, vùng đệm… để tránh nguy cơ mất cân bằng sinh thái ở những vùng “nhạy cảm”.

Năm 2007, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai xác định cá chim trắng là một trong hai loài cá dữ ăn thịt bị phát tán ra hồ Trị An (cùng với cá hoàng đế). Đây là loài cá nếu phát triển thành bầy đàn với lượng cá thể lớn thì hệ thủy sinh nơi chúng sinh sống có thể bị tiêu diệt.

Năm 2013, liên bộ Tài nguyên-Môi trường và Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT xác định cá chim trắng có tên khoa học Piaractus brachypomus  hay Colossoma brachypomum thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại tại Việt Nam.

Cá chim trắng nước ngọt Colossoma brachypomum được nhập vào Việt Nam từ năm 1998. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đưa cá chim trắng Colossoma branchypomum (Cuvier, 1818) vào Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh.

Theo Trung tâm nghiên cứu khoa học nông vận, Hội nông dân Việt Nam, cá chim trắng nước ngọt Colossoma brachypomum là loài cá ăn tạp. Chúng có thể ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, động vật như thực vật thủy sinh, tôm, cá con, các loài nhuyễn thể. Cá rất tích cực bắt mồi, nuốt rất nhanh. Thức ăn trong dạ dày của mẫu cá thu được trong ao chủ yếu là chất xơ thực vật, hạt ngũ cốc, lúa.

Tuy nhiên, do tập tính ăn tạp, phàm ăn, săn mồi theo bầy, việc nuôi khảo nghiệm, hoặc nuôi thương phẩm loài cá này chỉ nên giới hạn ở những vùng được xem là an toàn, có điều kiện che chắn (đê bao, đăng, lưới). Không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi và những vùng nhạy cảm về sinh thái.

Vĩnh Long

Xem thêm: