Tình hình sạt lở ven biển tỉnh Cà Mau đang diễn ra khốc liệt. Mỗi năm mất khoảng 450 ha đất, rừng phòng hộ…

sat lo
Một đoạn rừng phòng hộ bị xói lở, khoét sâu ở bờ Tây. (Ảnh: Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau)

Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, ở bờ biển Tây, tốc độ sạt lở bình quân 20 – 25 m/năm, có nơi lên đến 50 m/năm; ở bờ biển Đông, tốc độ sạt lở bình quân lên đến 45 – 50 m/năm.

Theo đó, bình quân mỗi năm tỉnh Cà Mau mất 450 ha đất bờ biển do sạt lở. Tại bờ biển Tây có khoảng 57.000 m bị sạt lở ở mức nguy hiểm, gây nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn đến khu dân cư tập trung.

Tại bờ biển Đông có 48.000 m bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm, trong đó khoảng 24.500 m sạt lở rất nguy hiểm. Đặc biệt, có khoảng 10.000 m sạt lở nghiêm trọng, có đoạn mất đất rừng phòng hộ, từ bờ biển tiến sâu vào đất liền từ 50 – 80 m.

Ở tuyến đê biển tây (dài khoảng 108km), đai rừng phòng hộ còn khá mỏng, nguy cơ phá vỡ đê có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, khi chưa có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì sạt lở chủ yếu diễn ra ở biển Đông, bờ biển Tây vẫn là bờ biển bồi. Hiện cả bờ biển Đông và bờ biển Tây đều sạt lở rất nghiêm trọng, chỉ trừ bãi bồi phía Tây Mũi Cà Mau đến cửa biển sông Ông Đốc (chiều dài khoảng 100km) còn duy trì hiện tượng bồi lắng và sạt lở đan xen.

Từ năm 2009 đến 2016, tỉnh Cà Mau bị mất 3.880ha rừng phòng hộ ven biển; 40.600m chiều dài bờ biển bị xói lở rất nặng nề, trong đó 17.000m sạt lở rất nguy hiểm và 23.600m sạt lở nguy hiểm. Nếu tính từ năm 1999 đến nay thì tỉnh đã mất trên 5.000 ha rừng phòng hộ.

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho hay qua thời điểm xảy ra sạt lở nhiều nhất là từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.

sat lo
Sơ đồ khu vực bồi, xói tại tỉnh Cà Mau. (Nguồn: Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau)