Theo dự án đã được UBND TP phê duyệt, trước ngày 30/9, Hà Nội sẽ đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh, phần lớn là xà cừ lâu năm, ở đường Phạm Văn Đồng để làm đường. Thông tin chặt cây giữa nắng nóng kỷ lục 46 năm qua khiến nhiều người dân và chuyên gia đề xuất ý kiến nên giữ lại số cây xanh để làm dải phân cách cho tuyến đường mới.

Hàng cây xanh mát dọc trên đường Phạm Văn Đồng đang đứng trước nguy cơ bị chặt hạ để làm đường. (Ảnh: Sơn Trà)
Hàng cây xanh mát dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng đang đứng trước nguy cơ bị chặt hạ để làm đường. (Ảnh: Sơn Trà)

Theo Quyết định số 3099 ngày 15/6/2016, Dự án dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, trong tổng 1.315 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, đơn vị thi công sẽ chặt hạ 1.015 cây (chủ yếu là xà cừ), di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây. Trong số 986 cây xà cừ tạo thành hai dải xanh mát trên đường, nhiều cây có đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m, có tuổi đời hàng chục năm. Số cây còn lại là sấu, hoa sữa, phượng vĩ… Việc chặt hạ, đánh chuyển hàng cây sẽ hoàn thành trước ngày 30/9.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc chặt hạ số lượng lớn cây xanh có cần thiết trong khi mùa nắng nóng đang diễn ra gay gắt, còn  tỷ lệ cây xanh đô thị trên đầu người tại các đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.

Ý kiến giữ lại hàng cây để làm dải phân cách tự nhiên giữa các làn xe được khá nhiều người đồng tình. Độc giả Vu Tu Anh đặt câu hỏi: “Thời tiết càng ngày càng nóng mà lên mạng cứ toàn thông tin chặt cây. Sao không sử dụng hàng cây này làm dải phân cách giữa đường?“.

chat 1300 cay
Thành phố có nhiều cây xanh không chỉ giúp giảm nhiệt độ ngoài trời, mà còn giảm chi phí năng lượng, giảm bụi, giảm tiến ồn, tăng giá trị đất, giá trị du lịch, tiết kiệm chi phí y tế. (Ảnh: Sơn Trà)

“Giữ lại là giữ chút không khí sạch cho Hà Nội… Thà giải phóng thêm mặt bằng để giữ cây. Một thành phố đẹp là thành phố có nhiều cây xanh chứ không phải đường rộng, nhà to.“, theo ý kiến của độc giả Võ Hồng Hải.

Để làm con đường chỉ tốn có vài năm. Để trồng được hàng cây như này phải mất hàng chục năm”, theo ý kiến một bạn đọc. Có độc giả cho hay một phần hàng cây xà cừ này được trồng từ năm 1986 do trường cấp II Xuân Đỉnh trồng, là đoạn từ bến xe Nam Thăng Long đến Cổ Nhuế. Như thế, tính tới nay hàng cây đã có tuổi đời hơn 30 năm.

Trên trang Người Đưa Tin, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp nhận định để trồng và chăm sóc được 1 cây xanh không phải điều dễ dàng, nên TP cần xem xét nếu giữ lại được cây mà vẫn làm đường được, có thể tận dụng cây đó làm dải phân cách luôn thì tốt.

Còn nhớ trong chiến dịch chặt hạ 6.700 cây để thay thế của Hà Nội vào tháng 7/2015, mặc dù bị phản đối gay gắt và cuối cùng dự án phải dừng lại, hàng ngàn cây xanh đã bị chặt; những con đường ấn tượng vì vẻ xanh mát của thành phố như Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Kim Mã, Nguyễn Trãi, Bưởi… trở nên trọc lóc, nham nhở. Sự ‘lập lờ’ với lời giải thích cây gỗ mỡ là cây vàng tâm, khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn đối với trách nhiệm của đơn vị quản lý thành phố lớn nhất nhì nước đối với không gian đô thị, các giá trị môi trường, giá trị du lịch, giá trị về đời sống cộng đồng.

chat 1300 cay
Hà Nội đang phải đối mặt với đợt nóng kỷ lục 46 năm qua. Nhiệt độ ngày 3/6 trong lều khí tượng là 41,5 độ C, tuy nhiên nhiệt độ thực tế giữa trưa trên mặt đường lên tới gần 60 độ C. (Ảnh: Sơn Trà)

Theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, “Cây xanh đô thị” là cây xanh sử dụng công cộng. “Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng“, và người dân “tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan về quản lý cây xanh đô thị.”

Theo quan điểm của Garrett Hardin đưa ra năm 1968, cây xanh đô thị là nguồn tài nguyên dùng chung vì những lợi ích mang lại là cho cả cộng đồng dân cư chứ không phải riêng cá nhân nào. Điều này đặt ra tính cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ cây xanh.

Ngày 31/5, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo về việc thay thế cây xà cừ trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở Xây dựng TP đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu đầy đủ về cây xà cừ, từ đó đưa ra giải pháp. Trước mắt, với những cây xà cừ sâu mục, cong nghiêng, u bướu có nguy cơ gây mất an toàn, Sở đề nghị chặt hạ, trồng thay thế bằng các loại cây phù hợp với đô thị. Về lâu dài, toàn bộ xà cừ sẽ được thay thế bằng hệ thống cây xanh có nhiều tính năng, tạo môi trường xanh, không gian sạch cho thành phố.

Lý do là dù là cây to, tỏa bóng mát, nhưng rễ nổi, cây dễ đổ trong mùa mưa bão. Do đó, Sở đang cân nhắc về việc thay thếtoàn bộ cây xà cừ ven đường bằng loại cây khác.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 4.000 cây xà cừ (một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa được thống kê). Xà cừ trong các quận nội thành được trồng nhiều trên phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Yên Phụ, đường Bưởi, đường Láng, đường Phạm Văn Đồng… Rất nhiều cây trong đó có tuổi đời vài chục năm.

Nguyễn Quân

Xem thêm: