Đất nước tôi, đi từ Bắc vô Nam, hết núi cao là tới những trảng cát dài, rồi sẽ bắt gặp xanh ngát cả một vùng rộng lớn dựng lên trên đất phù sa. Xứ ấy rất đẹp, nhưng đã tới lúc không thể lạc quan thêm được nữa. Như trước Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ta “đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa”.

Chúng ta hãy nhắc lại câu chuyện về việc môi trường bị tàn phá và hệ quả đổ vỡ văn hóa và niềm tin trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm, cả nước dùng hơn 100 ngàn tấn hoá chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 ngàn tấn chất thải nguy hại.

Mỗi ngày, đất và nước phải chịu 3 triệu m3 nước thải đô thị nhưng hầu hết chưa được xử lý; hơn 47 tấn chất thải và 125 ngàn m3 nước thải y tế. Thế nhưng, chỉ 26% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh.

Mỗi ngày, không khí bị nhiễm độc từ gần 43 triệu xe máy và trên 2 triệu ôtô lưu hành; trên 5 ngàn doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4,5 ngàn làng nghề; chưa kể hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan…

Áp lực mà đất, nước, không khí phải chịu ấy là lớn khủng khiếp.

ô nhiễm môi trường ở việt nam
Ngóng biển. Những con thuyền nằm trơ trên cát tại một bãi biển ở Thừa Thiên-Huế. Đây là một trong bốn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do xả thải của nhà máy Formosa Hà Tĩnh. (Ảnh: Tom Hoàng/2016)

Nhưng, rừng tự nhiên đến nay đã không còn nữa. Ngày 20/6/2016, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. Diện tích còn lại lúc này là 2,25 triệu ha. Trước đó, sau chiến tranh, con số này là khoảng 9,5 triệu ha (chiếm 29% diện tích cả nước). Một số bị thay thế bởi cây công nghiệp như cà phê, cao su. Một số bị chiếm giữ, hủy hoại trong cơn lốc của những dự án khách sạn, trung tâm mua sắm, công viên, thủy điện, thậm chí là biệt phủ.

Nói tới rừng là nói tới năng lực duy trì môi trường sống, làm điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, hạn chế bão lụt, hấp thụ các bon, gìn giữ các nguồn gen quý giá… Như thế, rừng không vô tri, lại càng không phải nơi cho con người thể hiện quyền chế ngự. Như cách ví của nhà văn Nguyên Ngọc: “Người Kinh thấy rừng là gỗ, còn người dân tộc thấy rừng là Mẹ, là cội nguồn sự sống, là tôn trọng, là phụng dưỡng“. Tự nhiên ấy dạy con người biết sống kính trọng thần, tôn trọng trời đất và biết giật mình giữa tai ương.

Chỉ nội trong một năm 2016, ba hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đều xuất hiện. Băng giá tuyết rơi tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Hạn hán cháy đất cháy cát tại Tây Nguyên. Hạn hán và xâm mặn khốc liệt tại Nam Trung Bộ và ĐBSCL. Cuối năm, lũ lụt kéo về, hoang tàn một dải miền Trung. Có người cho rằng đó là do biến đổi khí hậu toàn cầu, tức nguyên nhân thuộc về tự nhiên. Nhưng theo báo cáo thứ 5 về biến đổi khí hậu toàn cầu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) (2013), 95% nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu là do con người. 

Vậy nhưng, quan điểm “tăng trưởng bằng mọi giá” dường như vẫn tiếp diễn. Trong năm qua, có nhiều tiếng kêu cứu cho một Sapa đang bị quần nát bởi những “Quần thể du lịch văn hóa dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan”, “Khu nghỉ dưỡng cao cấp Sa Pa Jade Hill”, “The Manor Eco Lào Cai”… Người dân bị lấy mất đất, thu hồi nhà cửa, quán hàng, ruộng nương, lùi dần vào núi sâu, hoặc lên núi để kiếm cách sống khác hoặc trở thành những đám đông hung dữ chèo kéo khách tham quan mua hàng. Trẻ con không biết tới trường học, ngác ngơ đi theo khách xin tiền.

Tại miền xuôi, những cuộc giải tỏa đất của người dân để xây dựng các dự án cũng ngày một nhiều hơn. Ép thu đất, trả bồi thường. Đôi khi tiền là vật vô tri khi người ta không tìm đâu ra nhà để ở và việc để làm. 

ô nhiễm môi trường ở việt nam
Cha con ông Sáu trước căn lều dựng tạm sau khi nhà bị giải tỏa. Cha con ông nhận tiền đền bù nhưng chẳng biết làm gì, đi đâu. Q8. TP.HCM, chiều 30 Tết 2006. (Ảnh: Na Sơn)

Các nền văn hóa cũng có thể biến mất khi nguồn sống và môi sinh tự nhiên không còn. Trên dải 4 tỉnh miền Trung, văn hóa ngư dân là những cuộc rước Ông, lễ cúng biển… để dạy người ta biết sống thế nào cho khiêm nhường với trời đất, biết sợ cái ác, sợ thất đức mà truyền cho những thế hệ sau biết bắt cá heo là điều cấm kỵ, thấy cá Ông dạt bờ phải chôn cất. Nhưng liệu những nét văn hóa đó có còn không khi biển cần ít nhất nửa thế kỷ mới có thể phục hồi từ thảm họa ô nhiễm do xả thải từ Formosa?

Con người ngày nay không còn hiền nữa. Những người miền núi, nông thôn đơn giản, thuần phác đã trở nên dữ dằn; những người thành phố ngơ ngác khi bị vùi trong những trung tâm mua sắm nhiều tầng hầm cùng nhiều tầng nổi. Súng đã nổ ở Đắc Nông, những Thương xá Tax, Hanoi Cinematheque đã không còn.

Albert Einstein từng nói: “Môi trường là tất cả những gì không phải là tôi“. Và rồi ông nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là tự giải phóng bản thân bằng cách làm rộng vòng tròn của lòng trắc ẩn để ôm lấy mọi sinh vật sống và tất cả sắc đẹp của thiên nhiên“.

Chúng ta đã làm giàu chính tâm hồn mình bằng cách giữ lấy Mẹ thiên nhiên như thế nào?

Ngày 11/12/2016 vừa qua, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Vietnam Business Forum 2016), nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã công bố sẽ rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam vì sự thất vọng trước việc đánh đổi môi trường sống để lấy tăng trưởng.

Ông Dominic Scriven – trưởng nhóm thị trường vốn của diễn đàn, chủ tịch công ty Dragon Capital cho hay nhà đầu tư lớn nhất của công ty Dragon thông báo quyết định rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do thiếu những chính sách và hành động đích thực trong việc bảo vệ môi trường. Còn Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam – ông Kenneth Atkison cho rằng các chỉ số ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tăng cao là nguyên nhân khiến các doanh nhân không dám đưa gia đình đến Việt Nam sinh sống.

Chúng ta đã làm giàu chính tâm hồn mình bằng cách giữ lấy Mẹ thiên nhiên như thế chăng?

26 năm qua, từ 1990 tới 2015, mỗi năm có gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Con số tổng nếu công bố chính xác thì là 2.558.678 người. Gần 2,6 triệu người Việt đã rời khỏi đất nước.

Theo ấn bản “Migration and remittances factbook 2016” do Ngân hàng Thế giới phát hành, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tính đến năm 2013.

Di cư thời bình, nói như cô Vũ Kim Hạnh, nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đó có phải là “tị nạn niềm tin”? Và rồi tự hỏi, ai là người nghèo trong số chúng ta, dù GDP tăng trưởng, thu nhập tăng cao, nhưng tới một lúc, nước không thể uống, hoa trái không thể ăn, đất không cho sữa lúa và bầu không khí không thể thở.

Hôm nay, rừng đã đóng, biển có những dải đã trở nên hoang vắng, đất, nước, không khí đều bị nhiễm độc, lũ về cuốn trôi hàng trăm mạng người. Đức hiền hòa và nhẫn nại của một dân tộc đang trở nên nguy nan khi nhiều người không còn sợ làm điều ác nữa. Hôm nay, Việt Nam bị từ chối trở thành điểm đến của giới đầu tư, còn từ lâu, nhiều người đã lặng lẽ rời khỏi quê hương. Chúng ta đang còn lại gì sau khi hủy hoại môi sinh?

Đánh đổi môi trường lấy phát triển, đến một lúc, chúng ta phải hoàn trả. Từ nhiều năm nay, chúng ta đang phải trả.

Lê Trai

Xem thêm: