Chiều ngày 22/6, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định công bố kết quả thẩm định chất lượng 17 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa hạ thủy chưa lâu đã hỏng gây thiệt hại lớn cho ngư dân Bình Định.

tau-hu-hong-binh-dinh-khoi-kien
Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định hỏng hóc phải nằm bờ sau vài tháng ra khơi. (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Theo công bố từ Sở NN&PTNT Bình Định, từ ngày 6 đến ngày 9/6, tổ thẩm tra đã kiểm tra 17/18 tàu cá có đơn kiến nghị của chủ tàu (1 tàu đang hành nghề ở vùng biển phía Nam chưa kiểm tra được), trong đó 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng sử dụng thép Trung Quốc, 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng sử dụng thép Hàn Quốc.

Kiểm tra tại hiện trường của 17 tàu, cơ quan chức năng ghi nhận có 12 tàu có phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ và cá thành phẩm; có 5 tàu có phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Kết quả thẩm định về máy tàu cho thấy, trong 17 tàu, 12 tàu có động cơ hoạt động không ổn định (trong đó có 9 máy chính hiệu Mitsubishi MPTA – hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận đây không phải là những máy do hãng sản xuất).

Ba  máy tàu chính của hãng Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng; Trong đó, một máy chính Doosan lắp trên tàu của ông Trần Đình Sơn bị hư hỏng nặng, gãy trục khuỷu và hư piston.

Trong 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép, có một máy do Trung Quốc sản xuất, nhiều máy không có nhãn mác. Kiểm tra hoạt động thực tế ghi nhận 3 máy phụ hoạt động không ổn định, 2 máy phụ bị hư hỏng do hở bạc.

Cũng theo kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT, nhiều thiết bị hàng hải, các thiết bị của hệ thống đèn không đạt chất lượng, không đúng với hợp đồng doanh nghiệp đóng tàu ký với ngư dân. Trong 17 tàu, có 14 tàu hầm bảo quản hải sản bị đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, bị rỉ sét; 1 màn hình trên máy dò cá lắp đặt trên tàu cá của ông Trần Minh Vương đã thay đổi màn hình chính, chất lượng thu nhận tín hiệu và độ phân giải trên màn hình hiện tại rất thấp, không rõ nét; 2 máy đo sâu dò ngang bị hỏng tại các bộ phận hệ thống đầu dò không sử dụng được,…

Với hệ thống đèn cao áp, tổ thẩm định phát hiện một số tăng phô cho đèn cao áp bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích. Hệ thống đèn cao áp hoạt động không ổn định, thường xuyên bị cháy đèn, một số tăng phô bị nóng chảy do giải nhiệt kém.

tau vo thep binh dinh hu hong
Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ nhiều tháng trời tại cảng Đề Gi (huyện Phù Cát). (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Trách nhiệm của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá

Báo cáo kết quả thẩm định chất lượng cũng cho thấy các thiết kế của 17 tàu vỏ thép trên đều được phê duyệt bởi Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản). Kiểm tra thực tế cho thấy nhiều tàu đã có những thay đổi về bố trí chung, thiết bị tời so với thiết kế đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa được cơ quan thiết kế hoàn công theo đúng quy định.

Về việc 5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sử dụng thép đóng tàu xuất xứ Trung Quốc, kết quả thẩm định cho hay đăng kiểm viên đã kiểm tra vật liệu chính trước khi gia công, kiểm tra lô vật liệu thép là thép mác A, có giấy tờ về chất lượng và xuất xứ từ Trung Quốc và kết quả thí nghiệm vật liệu của Phòng thí nhiệm – KĐVL (xác định cơ tính của vật liệu, xác định thành phần hóa học của vật liệu). Căn cứ vào QCVN 21:2010/BGTVT, vật liệu thép đã đủ điều kiện đóng tàu, đồng ý cho thi công.

Về xuất xứ thép sử dụng đóng tàu, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt vật liệu là thép cấp A và không có quy định xuất xứ của thép đóng tàu là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc; Xuất xứ nguồn gốc được thỏa thuận thông qua hợp đồng kinh tế, nghiệm thu quyết toán của cơ sở đóng tàu và chủ tàu, không nằm trong danh mục giám sát của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.

Đối với việc kiểm tra các máy chính lắp trên các tàu do Công ty TNHH Nam Triệu đóng, quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy như bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt gia công, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt,…

Đề cập đến trách nhiệm đăng kiểm các tàu, ông Đào Hồng Đức – Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá  (Tổng cục Thủy sản) nhận trách nhiệm và cho rằng máy tàu cá được làm giả tinh vi, trình độ của đăng kiểm viên còn yếu năng lực nên không phát hiện được.

Sau khi công bố kết quả thẩm định, Sở NN&PTNT Bình Định đề nghị hai công ty đóng tàu phải thay máy mới toàn bộ 10 máy chính cho ngư dân, thay thế toàn bộ phần vỏ thép không đạt chuẩn cấp A và sửa chữa, thay thế lại toàn bộ các bộ phận, thiết bị không đúng như trong hợp đồng và thiết kế.

Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định cho biết ngoài bồi thường theo hợp đồng, tổ thẩm định đề nghị các địa phương thống kê để làm việc với doanh nghiệp yêu cầu bồi thường việc ngư dân lỡ chuyến biển trong thời gian tàu nằm bờ.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ngày 13/6, đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt câu hỏi: “… Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy một năm, ra khơi mới một, hai chuyến biển mà tàu đã hư hỏng nghiêm trọng, thậm chí tàu mới đưa từ xưởng về đã hư hỏng máy móc, không ra khơi được. Mặc dù tàu này được đóng ở những cơ sở đóng tàu mà Bộ NN&PTNT cho là đủ năng lực thi công và được Trung tâm đăng kiểm (Tổng cục thủy sản) kiểm định chất lượng.

Tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của ngư dân và tiến độ trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản. Bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết tình trạng trên?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ NN đã thống nhất với tỉnh Bình Định thực hiện các biện pháp: Đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của hai công ty này; Yêu cầu thay máy mới, không sửa chữa; Thay sắt đúng chủng loại; Mời các chuyên gia đánh giá nguyên nhân cụ thể; và sau khi có kết quả từ tổ thẩm định, Bộ sẽ có các phương án giải quyết tiếp theo.

Lưu Giang

Xem thêm: