Sau hơn 10 ngày bị bắt tam giam (từ ngày 8/12), Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất hồ sơ điều tra và đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng cùng 6 cựu lãnh đạo Tập đoàn PVN.

dinh la thang nld vn
Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng. (Ảnh: nld.com.vn)

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa có kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 7 bị can là cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Theo kết luận điều tra, 7 cựu lãnh đạo PVN bị truy tố gồm:

  1. Ông Đinh La Thăng (57 tuổi) – cựu Chủ tịch HĐQT PVN tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
  2. Ông Nguyễn Xuân Sơn (55 tuổi) – cựu phó Tổng giám đốc OceanBank tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
  3. Ông Ninh Văn Quỳnh (59 tuổi) – cựu phó Tổng giám đốc PVN tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọngLạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
  4. Ông Nguyễn Xuân Thắng (62 tuổi) – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
  5. Ông Nguyễn Thanh Liêm (62 tuổi) – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
  6. Ông Vũ Khánh Trường (63 tuổi) – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
  7. Ông Phan Đình Đức (57 tuổi) – cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, hơn 10 ngày kể từ khi ông Đinh La Thăng bị bắt (8/12), Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ kết luận điều tra.

Hợp thức hồ sơ để né tránh trách nhiệm khi góp vốn vào Oceanbank

Theo kết luận điều tra, năm 2006, tại đề án hình thành PVN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN thành lập mới một ngân hàng cổ phần dầu khí với trên 50% vốn điều lệ.

PVN hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động.

Tuy nhiên, năm 2008, PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng trên mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Trước khi góp vốn vào Oceanbank, theo đánh giá của PVN, ngân hàng này có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, khó đứng vững trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động.

Thế nhưng, ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN) không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất thực hiện thẩm định, khảo sát, phương án cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này.

Ông Đinh La Thăng cũng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT Oceanbank) về việc góp vốn.

Sau khi ký thỏa thuận, ông Thăng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào Oceanbank khi chưa có ý kiến của Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ Oceanbank.

Mặc dù Hội đồng thành viên và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không yêu cầu điều chỉnh hoặc thoái vốn.

Khi vụ việc được phát hiện, ngày 28/3/2017, ông Đinh La Thăng lúc này là Bí thư Thành ủy TP.HCM có động thái hợp thức hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm.

Theo đó, ông Thăng gọi điện nhờ một số cán bộ PVN xác nhận thời điểm góp vốn có họp HĐQT thống nhất chủ trương góp vốn. Việc này ông Thăng thừa nhận sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8/12.

Từ các sai phạm trên, ông Thăng gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại OceanBank.

Sau khi bị bắt, đến nay, 3 luật sư đồng ý bào chữa cho ông Thăng gồm: luật sư Phan Trung Hoài – Đoàn luật sư TP.HCM và hai luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng – Đoàn luật sư Hà Nội.

Cùng biểu quyết đồng ý góp vốn vào ngân hàng Oceanbank

Theo kết luận điều tra, 4 bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức được xác định đã biểu quyết đồng ý để PVN góp vốn bổ sung lần 3 với số tiền 100 tỷ đồng – nâng tổng vốn của PVN lên 800 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ Oceanbank). Việc này trái với luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 – quy định cổ đông tổ chức không sở hữu quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Cũng theo kết luận điều tra, ông Ninh Văn Quỳnh đã tham mưu, báo cáo để Nguyễn Xuân Sơn đề xuất HĐTV biểu quyết, phê duyệt góp vốn bổ sung lần 3, sau đó trình quyết định chuyển tiền, ủy nhiệm chi để ông Sơn ký chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào ngân hàng Đại Dương.

Ngoài ra, giai đoạn 2009-2013, ông Quỳnh còn nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn có nguồn gốc là tiền của Oceanbank chi lãi ngoài cho khách hàng thuộc PVN.

Ông Nguyễn Xuân Sơn được xác định là người đề xuất HĐTV biểu quyết góp vốn thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank và ký các thủ tục chuyển tiền để hoàn tất việc tăng vốn điều lệ trái quy định. Ngoài hành vi trên, trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, ông Sơn còn phạm 3 tội là Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật hình sự quy định:

  1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
  3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
  4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009) quy định:

  1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục Các tội phạm về tham nhũng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội nhiều lần; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
  5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Trần Tâm

Xem thêm: