Theo Trưởng phòng CSGT TP. Hà Nội, thời hạn của bằng lái xe ô tô 10 năm là quá dài, gây khó khăn trong việc quản lý tài xế.

rut ngan thoi han bang lai xe o to
Rút thời hạn bằng lái xe ô tô xuống còn 5 năm, có thực sự hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông? (Ảnh minh họa: shuttersock)

Trước thực trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, ông Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Hà Nội vừa đưa ra đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe ô tô.

Ông Thắng cho rằng thời hạn bằng lái xe ô tô 10 năm như hiện nay là quá dài, trong thời gian 10 năm này, tài xế có thể ốm đau, sức khỏe thay đổi, không đủ sức khỏe để lái xe nhưng không quản lý được sẽ gây ra những hệ lụy, thậm chí dẫn đến tai nạn giao thông.

Theo đó, ông Thắng đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe ô tô từ 10 năm xuống còn 5 năm, đồng thời hàng năm sẽ kiểm tra sức khỏe của tài xế “để nắm được thông tin”.

Trước những đề xuất của Đại tá Thắng, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam bày tỏ sự không đồng tình trên báo Pháp luật TP.HCM. Theo ông Thanh, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đều phải khám sức khỏe đầy đủ cho lái xe hàng năm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thường xuyên đi kiểm tra, thậm chí là kiểm tra đột xuất trên đường và nếu lái xe nào vi phạm sẽ bị xử lý, hình thức nặng nhất là tước giấy phép lái xe. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian cấp giấy phép lái xe sẽ gây phiền hà, tốn kém không cần thiết cho người dân.

Tương tự, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất này cần xem xét kỹ lưỡng. Theo ông Liên, để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, điều quan trọng là cần nâng cao tay nghề của lái xe và không nên để kéo dài tình trạng làm bằng giả.

Cùng với đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe ô tô, người đứng đầu lực lượng CSGT TP. Hà Nội cũng kiến nghị việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe cho công dân nên do Bộ Công an chủ trì thay vì Bộ GTVT như hiện nay.

Trước đó, đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu một ô tô và một biển số của Đại tá Thắng cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Theo Đại tá Thắng, mỗi công dân chỉ được sở hữu một ô tô và một biển số, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng.

Trao đổi về đề xuất này, Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự – kinh tế cho biết đề xuất trên của Trưởng phòng CSGT Hà Nội chưa hợp lý trong bối cảnh cần tôn trọng quyền công dân, bảo vệ quyền sở hữu tài sản theo quy định của Hiến pháp và Bộ Luật dân sự 2015.

Theo Vụ trưởng, trên thực tế, mọi đề xuất liên quan đến quyền công dân cần tuân theo quy định của luật hiện hành hoặc có lý do liên quan đến an ninh, quốc phòng; để hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông đô thị, một số quốc gia sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ khác nhau, ví dụ có thể đánh thuế cao và tăng phí, lệ phí đăng ký cũng như lưu hành xe.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, hiện nay, mỗi tháng Hà Nội có gần 500 xe ô tô và 16 nghìn xe máy đăng ký mới, điều này tạo áp lực lên hạ tầng cơ sở và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tổ chức giao thông.

Ngọc Linh

Xem thêm: