Nếu Trung tâm hành chính hiện đại của Đà Nẵng tiếp tục bị thay thế thì hơn 2.000 tỷ tiền thuế của dân bị sẽ coi như không. 

Khi cơn địa chấn Formosa chưa qua với hàng trăm làng chài xác xơ như mộ gió, hàng trăm con thuyền sấp ngửa mòn mỏi chờ đợi trên bờ và hàng triệu ngư dân lay lắt tha hương… giữa lúc ấy, nổi lên thông tin giới chức Đà Nẵng dự tính di chuyển Trung tâm hành chính dù mới đi vào sử dụng được 2 năm.

Lý do khiến hơn 2.131 tỷ đồng ngân sách được dùng để dựng lên tòa nhà hành chính hiện đại nhất nhì nước bỗng chốc trở nên ‘như không’ được giải thích là do lỗi thiết kế. Giới chức thành phố cho hay tòa cao ốc hiện đại được bọc bằng kính nên thiếu oxy, nóng bức, đồng thời gây ùn tắc giao thông vì lượng người làm việc tại tòa trung tâm hành chính quá lớn, tòa nhà lại nằm ở vị trí quá trung tâm.

Giải pháp trước mắt là mở thêm cửa và bơm khí tươi, cứu nguy cho khoảng 1.600 công chức thuộc 23 sở, ngành của thành phố. Ngày 12/8, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng thừa nhận lãnh đạo TP đang tính xây dựng khu hành chính để thay thế. Còn trong một cuộc phỏng vấn trên báo Đà Nẵng điện tử ngày 14/8, TS, Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị,  HĐND thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội KTS thành phố hào hứng cho hay trong tương lai Đà Nẵng có thể không chỉ có một, mà là hai Trung tâm hành chính “khi thành phố có một tầm vóc mới của đô thị”.

Hơn 2.131 tỷ đồng lấy từ tiền ngân sách, tiền khai thác quỹ đất và bán các trụ sở cũ trôi nhẹ qua tay như thế. Sự “bạc đãi” đối với tiền tận thu từ thuế và đất công sẽ còn nhiều hơn thế, khi những dự án xây mới trong những phát ngôn trên được thông qua.

Trở lại với số phận của ngư dân, diêm dân bốn tỉnh phía Bắc miền Trung, gần một tháng sau khi phát hiện cá chết, gạo cứu đói được cấp phát. Sự bớt xén đáng xấu hổ đối với khẩu phần 15 kg/người/tháng được giải thích rằng vì có quá nhiều người cần cứu trợ, nên phải bớt để đủ chia (Báo Tuổi Trẻ ngày 5/8). Những ngày đầu biển chết, người làng chài xoay vần lặn mò sắt, thép vụn kiếm sống. Tới khi sắt vụn cũng hết, làng chài chỉ còn lại người già và trẻ con – miền Nam trở thành nơi bấu víu cho những phận làm thuê.

Cuối tháng 7 vừa qua, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhận thông báo phải dừng tuyển chọn lao động xuất khẩu đi sang Hàn Quốc trong năm nay, do có số lượng lao động hết hạn hợp đồng không về nước quá lớn. Đứng đầu danh sách 10 tỉnh, thành (44/90 quận, huyện) không được tuyển dụng, con số lao động hết hạn hợp đồng bỏ trốn không về nước của Hà Tĩnh cao gấp gần 3 lần tỉnh đứng thứ 3 là Thanh Hóa. Còn tỉnh đứng thứ 2 – Quảng Bình thì gấp 1,6 lần. Văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn đậm dòng ghi chú: [huyện] ven biển, sự cố môi trường.

Đau biển. (Ảnh: Phạm Bá Thịnh)
Đau biển. (Ảnh: Phạm Bá Thịnh)

Gần đây hơn, ngày 12/8, báo chí đưa tin ngư dân đầu tiên phát hiện ống xả ngầm của Formosa bị bắt ở Úc đã được thả về nước. Anh không bỏ trốn vì lo sợ khủng bố như lo lắng của nhiều người dành cho anh. Anh cùng bạn đi biển vào vùng biển của Úc với suy nghĩ giản đơn: ngư trường vắng cá tôm thì tha hương để đánh bắt. Phận tha hương. Rốt cuộc bị cảnh sát biển bắt. Thế nhưng, người phụ nữ xoay vần với 4 đứa trẻ ròng rã suốt hai tháng khi chồng bị giữ, khi biển không còn cá tôm và nợ nóng vay tới kỳ trả vẫn nói không chút đắn đo khi nhắc tới quyết định đi trình báo về thủ phạm gây ô nhiễm biển của chồng: “Tôi rất tự hào về chồng mình làm việc có ích” (Báo Dân Việt ngày 5/7)

Biển chết và tòa cao ốc thiếu khí – hai câu chuyện tưởng như không liên quan nhưng đều có chung một mẫu số: có những bóng hình đứng sau và sẵn sàng thờ ơ như không khi xảy ra sự việc. Vì Formosa không tự nhiên mọc trên đất Hà Tĩnh, cũng như tòa cao ốc kia không tự dưng mọc lên trên khu đất vàng của thành phố. Không ai quên phát ngôn kỳ lạ của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trước chất vấn của đại biểu Trần Văn Trường, rằng Trung tâm hành chính hiện tại đâu có lấy ý kiến của dân, thì lấy gì để tin rằng ý kiến của dân sẽ được tôn trọng khi xây Trung tâm hành chính mới:

Báo cáo anh Trường là trước đây không lấy ý kiến nhân dân để xây dựng trung tâm hành chính thì giờ mình lấy chứ không phải trước đây mình không lấy thì bây giờ cũng không lấy”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời (Báo Pháp luật TPHCM ngày 11/8).

Điều này cũng tựa như việc một ngày nào đó, khi sự cố biển nhiễm độc lắng xuống, giới chức lại tuyên bố một Formosa Hà Tĩnh thứ 2 sẽ có thể được đưa vào Việt Nam kèm theo lời tín lần này sẽ lấy ý kiến của dân.

Hơn 2.131 tỷ đồng gần bằng 1/5 so với 500 triệu USD (khoảng 11.500 tỷ đồng) Formosa đền bù sự cố ô nhiễm biển miền Trung. Nếu trung tâm hành chính trên bị thay thế, điều ấy có nghĩa gì? 5 tòa nhà trung tâm hành chính tập trung sẽ tương đương với thảm họa môi trường gây nên cái chết của một thợ lặn, của hàng trăm tấn sinh vật biển, và nỗi lo sợ bị nhiễm độc triền miên của hàng triệu người Việt.

Phải mất nửa thế kỷ nữa hệ sinh thái biển miền Trung mới có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng ai dám chắc trong 50 năm ấy, Formosa không tiếp tục những đợt xả thải còn mạnh hơn, theo đúng ký kết đã được chấp thuận bởi chính quyền Hà Tĩnh? Trong 50 năm ấy, còn bao nhiêu đồng tiền thuế của người dân, vốn dĩ phải được dùng cho những dự án dân sinh, để bảo vệ môi trường, để cải thiện điều kiện giáo dục, y tế, nâng cao đạo đức – tinh thần của người dân, lại bị vung vào những dự án nghìn tỷ mà giá trị sử dụng không thực sự gắn bó với nhu cầu đời sống của người dân? Hơn 2.131 tỷ đồng tương đương với bát cơm, số ngày đi học và sức khỏe của bao nhiêu đứa trẻ vì biển chết mà ngác ngơ tha phận, tha hương? Mà thế hệ trẻ ấy là tương lai của quốc gia.

Như trước đây, ngư dân miền Trung cho hay, họ không cần 500 triệu USD. Họ cần biển (RFA ngày 2/7). Người dân Đà Nẵng hẳn cũng không cần cao ốc lấp lánh làm trung tâm hành chính tập trung. Điều họ cần là thủ tục minh bạch, không chi phí lót tay, không quan liêu, không hủ bại.

Dù cố gắng trì hoãn tới đâu, sau hơn 2 tháng, Formosa Hà Tĩnh vẫn phải nhận lỗi và chấp nhận đền bù. Siêu dự án trên sông Hồng sớm phải dừng khi đang ở mức nghiên cứu trước nguy cơ nhãn tiền hệ sinh thái và an ninh nội địa bị hủy hoại. Dự án lấp sông Đồng Nai có thể phá hủy dòng sông cũng đã phải dừng thi công. Đó là kết quả khi tiếng nói công luận được đưa ra.

Như lời của nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần vĩ đại người Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nói: “Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại“, người dân luôn cất lên tiếng nói của họ.

Bởi vì nước này, dân này đâu dễ như không.

Lê Trai

Xem thêm: