Sau 3 giờ đồng hồ kéo dài liên tục, buổi đối thoại giữa Sở GTVT và các doanh nghiệp về điều chuyển luồng tuyến giao thông kết thúc trong khi còn nhiều câu hỏi chưa được giải khai.

điều chuyển luồng tuyến
DN vận tải phản đối việc điều chuyển luồng tuyến trong khi Bộ GTVT cho rằng điều chuyển là để giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. (Ảnh: plo.vn)

Chiều ngày 1/3, Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT; Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội cùng hơn 100 doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội đã có buổi đối thoại để tháo gỡ khó khăn về việc chuyển luồng tuyến giao thông.

Buổi đối thoại kéo dài 3 giờ đồng hồ, các doanh nghiệp vận tải đã nêu ra những khó khăn và khúc mắc trong việc chuyển luồng tuyến từ bến xe khách Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) về bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai). Tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn còn nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp chưa được giải khai.

Các doanh nghiệp trên bờ phá sản, xe dù bến cóc vẫn đang hoạt động tấp nập

Ông Nguyễn Sơn La – Doanh nghiệp vận tải của tỉnh Thái Bình cho biết, gần 2 tháng thực hiện việc điều chuyển, tại bến xe Nước Ngầm không có khách ngay cả trong dịp tết Nguyên Đán. Trong suốt hai tháng qua, công ty lỗ tới 200 triệu. Doanh nghiệp đã cầm giấy tờ để vay vốn ngân hàng. Ban đầu có 15 lốt xe chạy nhưng giờ chỉ còn 5 lốt. Đường Pháp Vân thì tắc đường gấp ba lần. Doanh nghiệp đang trên đường phá sản. Trong khi ông La phải đóng tiền bến, thì “xe dù” lộng hành nhưng lại không được cơ quan chức năng ngăn chặn. Ông khẳng định tất cả doanh nghiệp đều lỗ vốn và nếu như bến xe Mỹ Đình còn thì sẽ không có khách nào ra bến xe Nước Ngầm.

Cùng có chia sẻ như ông La, ông Nguyễn Văn Thạc – Giám đốc công ty vận tải Nam Trực (Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Nam Định) thông tin, một doanh nghiệp có 10 đầu xe mà sau 2 tháng điều chuyển đã lỗ tới gần 600 triệu đồng (tháng đầu lỗ khoảng 320 triệu; tháng hai lỗ khoảng 270 triệu). Với 150 xe của tỉnh Nam Định bị điều chuyển đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây nguy cơ phá sản cho doanh nghiệp.

Sau khi điều chuyển, Sở GTVT lại cấp phép cho nhiều xe Limousine, đây là loại xe hoạt động trá hình trên tuyến Mỹ Đình – Nam Định.

Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra nguyên nhân vắng khách tại bến xe Nước Ngầm vì do việc đi lại của hành khách quá khó khăn, tốn kém chi phí. Ví như có những khách ở gần bến xe Mỹ Đình chỉ tốn 100.000 đồng gồm cả tiền vé và tiền taxi là có thể về quê, nhưng bây giờ muốn đi xe khách thì lại phải bắt xe taxi ra tận bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát mới về được, chỉ riêng tiền xe taxi đi lại đã tốn bằng tiền vé xe khách, mà nếu đi bằng xe bus thì không cho phép mang những đồ cồng kềnh.

Đại diện doanh nghiệp Hà Sơn Hải (Thanh Hóa) – ông Trần Hữu Quảng đã đặt ra câu hỏi, thực tế khách ở bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát vắng như vậy thì số lượng khách ở bến xe Mỹ Đình mà trước kia doanh nghiệp này chở đã đi đâu. Ông Quảng cũng giải thích, sau 2 tháng điều chuyển ở Thanh Hóa ban đầu chỉ có 50-70 xe khách trá hình tuyến Thanh Hóa – Hà Nội nhưng nay đã tăng gấp 3 lần. Xe dù bến cóc lợi dụng xe hợp đồng trá hình để luồn lách đón, trả khách là không công bằng trong khi các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng phải chịu tiền xe bến bãi, chịu thuế nhà nước, chịu đủ thuế này thuế kia… Nếu loại hình dịch vụ xe dù bến cóc này mà phát triển thì ai còn đi xe khách.

Ông Nguyễn Hữu Huỳnh – Doanh nghiệp vận tải ô tô Đức Bình (Nghệ An) tỏ ra nghi ngờ khi có ý kiến cho rằng xe về đâu, khách đến đó. Thực tế “xe dù” hoạt động quanh khu vực bến xe điều chuyển đã đón hết khách nên khách không về bến mới. Ông cũng nói, việc xe buýt trung chuyển giữa các bến sẽ khiến ngân sách thành phố trợ giá nhiều hơn, tiền chi phí của người dân bỏ ra đi taxi hoặc xe ôm sẽ tốn kém,  lượng khách di chuyển giữa các bến như vậy có làm giảm hay tăng thêm nguy cơ việc tắc đường?

>> Hàng trăm ngàn lái xe Grab, Uber có nguy cơ bị truy thu thuế

Vẫn muốn quay trở về bến xe Mỹ Đình, cơ quan chức năng trả lời ra sao?

Khó khăn kinh tế đang vây bủa lên đầu các doanh nghiệp, nên doanh nghiệp vận tải đề xuất là sẽ quay trở về bến xe Mỹ Đình hoạt động đến năm 2020 khi TP Hà Nội xây dựng một số bến mới với quy mô hoàn thiện hơn.

Trong trường hợp vẫn giữ nguyên việc điều chuyển thì cần xem xét có biện pháp cân bằng giữa các phương tiện đang hoạt động tại bến Giáp Bát có cùng tuyến với phương tiện đang hoạt động ở Nước Ngầm vì cùng 1 tuyến nhưng 2 bến xe ở gần nhau. Ngoài ra cần xử lý xe dù, bến cóc quanh bến xe Nước Ngầm.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT trả lời, việc các doanh nghiệp đề xuất về bến xe Mỹ Đình đến năm 2020 là không hợp lý vì ông cho rằng việc điều chuyển như vậy là để giảm ùn tắc giao thông. Sau đó ông Viện đã đưa ra báo cáo về thực trạng kết cấu hạ tầng của Hà Nội hiện không đáp ứng được phương tiện giao thông. Trong quá trình ông Viện trả lời, các doanh nghiệp luôn ngắt lời ông Viện vì cho rằng ông Viện không trả lời thẳng vào vấn đề mà các doanh nghiệp đang khúc mắc.

Chia sẻ những tổn thất về mặt kinh tế, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết các cơ quan chức năng Nhà nước sẽ lắng nghe và tập hợp báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ trước ngày 10/3.

Thứ trưởng Trường cho rằng lý do việc điều chuyển là do bến xe Mỹ Đình quá tải dẫn đến tiêu cực như cò mồi, móc túi, xe khách và luồng tuyến chéo nhau… Ngoài ra, ông Trường cũng thừa nhận dẫn đến tình trạng đó là có lỗi do quy hoạch quá chậm, không đáp ứng quá trình phát triển của các doanh nghiệp vận tải.

Bộ trưởng cũng đánh giá cách điều chuyển vừa qua của Hà Nội có phần “nóng vội”. Bộ sẽ cùng với Hà Nội tìm cách kéo khách về bến xe Nước Ngầm. Ông Trường cũng sẽ cùng các đơn vị liên quan xử lý nghiêm “xe dù bến cóc và xe hợp đồng”.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở GTVT và CA TP cùng với lực lượng thanh tra GTVT và CSGT xử lý toàn bộ xe dù, bến cóc quanh bến Mỹ Đình, kéo dài từ vành đai 3 trên cao tới bến xe Nước Ngầm. Toàn bộ xe dù bị phát hiện sẽ tạm giữ, xử lý nghiêm. Thành phố cũng giao Tổng Công ty vận tải Hà Nội bố trí xe buýt liên kết giữa 2 bến Mỹ Đình và Nước Ngầm, trong đó hành khách được mang hành lý không quá khổ, quá tải giữa 2 bến xe.

Ngoài ra, bến xe Nước Ngầm phải nâng cao chất lượng phục vụ. Thành phố giao Sở Tài chính và các ngành rà soát việc thu phí tại bến này theo quy định. Cần tổ chức tốt giao thông xung quanh bến Nước Ngầm để các xe ra vào thuận lợi.

Gần 100 xe khách tập trung tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để phản ánh bất cập về việc điều chuyển luồng tuyến giao thông của Bộ GTVT

điều chuyển luồng tuyến
Trên những chiếc xe đều treo banner đề nghị thay đổi việc điều chuyển luồng tuyến giao thông của Bộ GTVT. (Ảnh: nld.com.vn)

Trước đó, khoảng 6h30 ngày 28/2 gần 100 xe khách đi hướng từ Thái Bình, Nam Định tập hợp thành từng đoàn… trên xe không chở một hành khách nào đi về hướng TP. Hà Nội để phản ánh những bất cập trong việc điều chuyển luồng giao thông từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.

Đến khoảng 22h30 cùng ngày, lực lượng chức năng đã điều xe cứu hộ tới đưa những ô tô khách đang đỗ thành hàng dài ở Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ra khỏi khu vực này.

Lực lượng chức năng đã thuyết phục các nhà xe di chuyển về điểm dừng nghỉ để đảm bảo lưu thông phương tiện trên cao tốc. Khoảng 2h30 ngày 1/3, các nhà xe đồng ý di chuyển về điểm dừng nghỉ 239 thuộc tỉnh Hà Nam.

Việc điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh được Bộ GTVT bắt đầu thực hiện từ 0h ngày 2/1/2017 với lộ trình như sau:

  • Các xe đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát đi các tỉnh: Hà Giang (2 lốt), Lai Châu (3 lốt), Lào Cai (1 lốt), Phú Thọ (13 lốt), Tuyên Quang (18 lốt), Yên Bái (11 lốt) – tổng số 48 lốt xe/ngày được điều chuyển từ bến xe Giáp Bát và bến xe Mỹ Đình;
  • Các xe đang hoạt động tại Giáp Bát đi các tỉnh: Điện Biên (13 lốt), Sơn La (1 lốt) được điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa;
  • Các xe đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh Bắc Kạn (2 lốt), Cao Bằng (5 lốt), Hà Giang (8 lốt), Lai Châu (6 lốt), Lào Cai (17 lốt), Phú Thọ (1 lốt), Thái Nguyên (6 lốt), Tuyên Quang (14 lốt), Vĩnh Phúc (5 lốt), Yên Bái (11 lốt) được điều chuyển về bến xe Mỹ Đình;
  • Các xe đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (3 lốt), Đắk Nông 2 (lốt), Kon Tum (1 lốt) được điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa;
  • Các xe đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh Nam Định (162 lốt), Đắk Lắk (4 lốt), Gia Lai (1 lốt), Thái Bình (146 lốt), Thanh Hóa (43 lốt), Nghệ An (79 lốt), Hà Tĩnh (5 lốt) được điều chuyển về bến xe Nước Ngầm;
  • Các xe đang hoạt động tại bến Mỹ Đình đi các tỉnh Hải Dương (8 lốt), Hưng Yên (2 lốt) được điều chuyển về bến Gia Lâm; Các xe đi Hà Nam từ bến Mỹ Đình (20 lốt) chuyển về Giáp Bát; Các xe tại bến Mỹ Đình đi Thanh Hóa theo đường Hồ Chí Minh (24 lốt) điều chuyển về bến Yên Nghĩa;
  • Xe đang hoạt động tại bến xe Gia Lâm đi Sơn La chuyển về bến xe Yên Nghĩa (1 lốt xe/ngày)

Trần Tâm

Xem thêm: