Tháng 3 năm 2015, hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố bị “truy sát” trong chiến dịch thay thế 6.700 cây xanh do Sở Xây dựng Hà Nội lập, TP phê duyệt.

Những người dân ôm cây, leo lên cây để bảo vệ. Phụ nữ khóc. Học sinh, sinh viên thắt nơ vàng, lập diễn đàn bảo vệ cây. Đàn ông canh từng dòng diễn biến trên báo, có lệnh dừng cắt tại phố nào, họ tới phố đó để chặn máy cưa, xe tải.

Không bằng bất cứ lý lẽ thúc giục nào, cả nước rùng rùng vài chục triệu người đã coi cây là bạn. Những bài viết năm ấy, cho hay cây cũng có linh hồn, được đón nhận như những cơn mưa rào tắm mát tư duy vô thần vốn ngự trị hàng năm qua trong tâm trí. Người ta diễu hành hòa bình vì cây xanh. Ký thỉnh nguyện vì cây xanh. Lên tiếng vì cây xanh. Khi cây đổ, nhựa chảy, cây khóc và người cũng khóc.

du an chat cay ha noi
Hai hàng cây xanh mát trên đường Phạm Văn Đồng sẽ biến mất? (Ảnh: Sơn Trà)

Có một chi tiết đáng chú ý trong năm ấy, là cuộc “lập lờ đánh lận con đen” cây gỗ mỡ là cây vàng tâm. Thay vì bị cuốn đi trong cảm xúc thất vọng, người dân lý trí trong mục tiêu “cứu” cây. Mọi người diễu hành hòa bình, kêu gọi hòa bình… cần chấm dứt chặt cây. Những bài báo dẫn ý kiến các chuyên gia liên tiếp ra đời. Những cuộc điều tra báo chí cũng nhanh chóng xác định đường đi của những thân cây đã ngả. Chi phí chặt hạ mỗi cây là bao nhiêu. Giá thành của mỗi thân gỗ đã chặt hạ là bao nhiêu. Tất cả sức ép ấy khiến cuộc ‘truy sát’ 6.700 cây xanh phải ngừng lại. Dù hàng ngàn cây đã đổ, những con đường từng được coi là đẹp nhất thủ đô, nay nham nhở, cây trồng thay thế chết lên chết xuống, nhưng ít nhất, thành phố đã qua cơn nguy.

Nhưng năm nay, một dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ tháng 6 năm 2016 nay bước vào giai đoạn thi công hạng mục nền, mặt đường, công trình hạ tầng. 1.315 cây xanh, trong đó có tới 986 cây xà cừ tuổi đời vài năm tới vài chục năm, được thông báo phần lớn sẽ bị chặt hạ trong vòng 3 tháng để “phục vụ” dự án mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch –  cầu Thăng Long).

Người dân không ngăn cản dự án. Người dân đề xuất điều chỉnh dự án để giữ lại hàng cây làm dải phân cách hai bên đường. Dự án nên tuân theo nguyên tắc “phát triển xanh” – như mục tiêu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào khung chiến lược từ năm 2011.

Lúc này, chủ đầu tư cần lên tiếng, cung cấp thông tin như thiết kế dự án ra sao, khả năng điều chỉnh, chi phí phát sinh khi điều chỉnh, khả năng bù đắp chi phí phát sinh… Giữ lấy môi trường là được lòng dân. Nhưng đáng buồn thay, nhân vật phát ngôn đầu tiên lại (vẫn) là một đại diện từ phía chính quyền.

Phát ngôn của đại diện cho bộ máy đã phê duyệt dự án không mang tín hiệu về khả năng điều chỉnh của dự án. Đó là phát ngôn bảo vệ cho những chữ ký nay đã thực thi, như vì sao duyệt, vì sao dự án không thể điều chỉnh, vì sao nhất định phải chặt chứ không phải là di dời…

Bây giờ chặt cây đi ai cũng tiếc nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm thôi, chẳng lẽ dừng lại không làm gì” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trả lời báo chí cho hay. Như mọi lời giải thích cho các dự án gây tổn hại đến môi trường, câu trả lời đẩy sự lựa chọn về phía người dân: bảo tồn hay phát triển.

Bảo tồn và phát triển – vì sao hai điều này nhất định phải xung đột một mất một còn? Đối với dự án Formosa Hà Tĩnh, người dân đau đớn trong câu hỏi chọn cá tôm hay chọn nhà máy thép. Với dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, vì sản lượng điện quốc gia, một vùng đất có nguy cơ trở thành vùng đất chết do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Còn bao nhiêu nhà thờ Thủ Thiêm sẽ bị đập bỏ? Những Tam Đảo, Sơn Trà, Cát Bà… bị băm nát. Hàng vạn cây xanh đã ngã vì metro, vì đường sắt trên cao.

Người dân yêu cầu minh bạch thông tin. Vì tháng 3/2015, khi hàng ngàn cây xanh đã đổ, mới có thông tin dự án đường sắt trên cao không yêu cầu chặt cây! GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho hay: “hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn [trong báo cáo tác động môi trường của dự án đường sắt trên cao] là sẽ phải chặt tất cả những hàng cây của đường Nguyễn Trãi hay đường Bưởi”; là trong lúc thi công, Sở Xây dựng đưa ra chủ trương chặt hết.

Ngày 5 tháng 6 năm nay, Việt Nam đón ngày Ngày Môi trường Thế giới – World Environment Day trong cái nắng nóng kỷ lục trong vòng 46 năm qua, trong tin hơn 1.000 cây xanh sẽ bị chặt. Trước đó, một hội thảo lấy ý kiến chặt bỏ, thay thế hơn 4.000 cây xà cừ tại Hà Nội đã được tổ chức.

Một chiều muộn tháng 9 năm 2015, một nữ giáo sư người Mỹ nghiên cứu về môi trường đã ngỡ ngàng rất lâu khi tôi cho bà hay hàng ngàn cây xanh của Hà Nội vừa bị chặt hạ trong một chiến dịch thay thế đại trà. Tôi không rõ lý do vì sao bà không hay biết ở xứ này, những cây xanh đang bị bức tử, người dân biểu tình phản đối, nhưng tôi biết khi thông tin vẫn tiếp tục bị hạn chế, thì sẽ còn nhiều những dự án gây tác động lớn đến môi trường vẫn sẽ âm thầm được phê duyệt, thay mặt cho hàng ngàn người dân định đoạt số phận của chính họ, như Quyết định số 3099 ngày 15/6/2016.

Cây xanh không xa lạ khi từng giây cây giúp chúng ta thở mà không tự biết. Nhưng khi cây bị đốn chết thì cũng là lúc chúng ta biết mình cũng đang chết dần trong một bầu không khí bị lũng đoạn về quyền sống, quyền được biết.

Phát triển không có nghĩa là “thụt lùi” trong việc đối xử với thiên nhiên. Còn bảo tồn không có nghĩa là “dừng lại không làm gì cả”. Nhưng khi người ta không từ một ngọn núi, cành cây, bờ biển nào để lập dự án, kiếm tiền, thì đó là lúc người ta đang bộc lộ sự nghèo nàn vô cùng tận, từ trí tuệ và cả tâm hồn.

Lê Trai

Xem thêm: