Dự án cầu vượt An Dương – Thanh Niên có chiều dài 271m, chiều rộng 10m, theo hướng đường Yên Phụ – Nghi Tàm (vượt qua nút giao) với tổng vốn đầu tư gần 312 tỷ đồng sẽ giữ nguyên cao trình đê sông Hồng.

cau vuot an duong thanh nien
Phối cảnh cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên (Ảnh: hanoi.gov.vn)

Ngày 20/6, trong buổi giao ban báo chí tổ chức tại Hà Nội, ông Phạm Hoàng Tuấn – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội có báo cáo về tiến trình thực hiện thi công dự án “Cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên”.

Theo ông Tuấn, hiện nay, Ban quản lý Dự án đang thực hiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây dựng, xin cấp phép thi công hạng mục di chuyển cấp nước, di chuyển điện, thi công công trình cầu, thi công xây lắp các hạng mục tường chắn bê tông cốt thép, hè, đường… dự kiến, trong tháng 6/2017 sẽ hoàn thành các thủ tục trên; tháng 7/2017 sẽ thi công và hoàn thành công trình sau 7 – 7,5 tháng.

Theo thiết kế, cầu vượt An Dương – Thanh Niên có chiều dài 271m, chiều rộng 10m, theo hướng đường Yên Phụ – Nghi Tàm (vượt qua nút giao). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 312 tỷ đồng.

Ông Tuấn cũng cho biết, dự án không làm thay đổi cao trình và chức năng của đê; trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công sẽ thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bằng bê tông cốt thép dạng chữ L đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài 1,1km; Đồng thời, mở rộng cửa khẩu An Dương từ hai khoang lên ba khoang, xây mới ba cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có tại vị trí các ngõ 108, 276 và 310 đường Nghi Tàm.

du an cau vuot Thanh nien-An duong, Cầu vượt An Dương – Thanh Niên
Đoạn tuyến đê dọc đường Nghi Tàm. (Ảnh: thanglong.chinhphu.vn)

Để thuận tiện cho thi công dự án, lực lượng chức năng sẽ hạn chế các phương tiện giao thông từ sân bay Nội Bài đi trung tâm thành phố và ngược lại và thực hiện phân luồng giao thông tại khu vực thi công dự án. Trong đó:

  • Hướng ô tô và xe máy đi từ cửa khẩu An Dương đến khách sạn Thắng Lợi sẽ đi theo đường Nghi Tàm;
  • Hướng ô tô và xe máy đi từ khách sạn Thắng Lợi đến đường Thanh Niên sẽ đi theo phố Yên Phụ nhỏ;
  • Đường gom ngoài đê sẽ tổ chức xe máy đi hai chiều và ô tô đi một chiều theo hướng từ nút An Dương về khách sạn Thắng Lợi.

Cùng với đó, trên tuyến đường Nghi Tàm và phố Yên Phụ nhỏ sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải trên một tấn; cấm xe taxi hoạt động từ 6h tới 9h và từ 16h đến 19h; một số xe khách, taxi có nhu cầu đi vào sẽ được cấp phép riêng; các xe buýt không dừng trả khách trong phạm vi dự án; mà trả, đón khách trước và sau cửa khẩu An Dương, lối vào khách sạn Thắng Lợi.

Cầu vượt tại nút giao An Dương – Thanh Niên – 1 trong 8 công trình cấp bách, trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông của TP.Hà Nội được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù – thiết kế xây dọc theo đê hữu sông Hồng (vượt qua nút giao đường An Dương – đường Thanh Niên). Cầu dài 271m, đường dẫn lên cầu dài 185m, trong đó, phía thượng lưu dài 90m, phía hạ lưu dài 95m.

Là tuyến đê được xếp cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lũ trong khu vực trung tâm Hà Nội, dự án cầu vượt tại đoạn đê từ Km62+500 đến Km63+600 (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương) nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia và dư luận.

Liên quan đến dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – Thanh Niên, trước đó, TP. Hà Nội đã 2 lần gửi văn bản tới Bộ NN&PTNT về việc điều chỉnh kết cấu đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Lần thứ nhất vào ngày 31/10/2016. Tới tháng 12/2016, trong văn bản hồi âm, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề xuất của thành phố về việc điều chỉnh kết cấu đê. Tuy nhiên, Bộ NN yêu cầu TP. Hà Nội thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất (đỉnh đê hiện là +15,6 mét) sau khi hạ không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình, tức là +13,5 mét.

Đến ngày 24/1/2017, TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản đề xuất Bộ NN cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ +12,4 mét.

Tuy nhiên, ngày 16/2, trong buổi làm việc giữa TP. Hà Nội và Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay Hà Nội không kiến nghị Bộ NN&PTNT hạ cốt đê sông Hồng mà kiến nghị thay đổi kết cấu đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê đắp bằng đất chuyển thành đê bê tông.

Trần Tâm

Xem thêm: