Sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản giao cho tỉnh Đồng Nai quyết định xử lý các vấn đề liên quan tới dự án lấn sông Đồng Nai theo thẩm quyền, ngày 9/8, tại buổi họp báo với các cơ quan báo chí, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lại cho rằng tỉnh Đồng Nai vẫn đang chờ chỉ đạo từ bộ ngành T.Ư mới quyết định.

du an lan song dong nai
Hiện trạng dự án lấn sông Đồng Nai năm 2015. (Ảnh: dẫn qua dwrm.gov.vn)

Ngày 9/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo định kỳ 6 tháng với các cơ quan báo chí. Tại buổi họp báo, phóng viên đặt các câu hỏi về thông tin chính thức của tỉnh Đồng Nai đối với dự án lấn sông Đồng Nai; Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới (lần thứ 3) của dự án không có gì mới so với các ĐTM trước đó; Khi xảy ra sự cố khi triển khai dự án, những người làm ĐTM có phải chịu trách nhiệm; Bộ NNPTNT yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Đê điều, tỉnh Đồng Nai xử lý như thế nào. Vấn đề dioxin có trong trầm tích ở đáy sông Đồng Nai; việc tỉnh Đồng Nai khi thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai có lấy ý kiến các tỉnh, thành khác nằm chung trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai?

Trả lời tại cuộc họp, bà Nguyễn Hòa Hiệp – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết Dự án cải tạo cảnh quan đô thị và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai triển khai từ năm 2014, đánh giá tác động dòng chảy từ năm 2008.

Tuy nhiên, khi một số phương tiện truyền thông phản biện với ý kiến của các nhà khoa học, tỉnh nhận thấy cần có thời gian để các nhà khoa học đóng góp ý kiến một cách khách quan và công tâm. Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai cho dừng dự án để làm rõ những nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT đã thành lập Hội đồng thẩm định và có kết luận.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ TNMT, ngày 18/7/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ TNMT chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các bộ.

Hiện Đồng Nai cũng đang chờ ý kiến của các bộ, ngành trung ương cùng những hướng dẫn cụ thể mới có quyết định. Hiện dự án vẫn phải dừng và chưa triển khai”, bà Nguyễn  Hòa Hiệp cho biết.

du an lan song dong nai
Hình ảnh đoạn sông trước khi bị lấn. (Hình ảnh: Cty Toàn Thịnh Phát/2014)

Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt và cấp phép thực hiện vào năm 2011, khởi công vào tháng 9/2014.

Chính phủ ra quyết định dừng dự án này vào năm 2015. Tháng 7/2017, Chính phủ tiếp tục đồng ý cho Chủ tịch tỉnh Đồng Nai tự quyết định việc xây dựng Dự án sông Đồng Nai.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, có tổng diện tích 8,4 ha, trong đó có hơn 7,7 ha lấn sông Đồng Nai; chiều dài 1,3 km dọc theo sông Đồng Nai; đoạn xa nhất lấn ra lòng sông gần 100 m.

Theo hồ sơ, dự án có hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại…

Dự án này bị nhiều nhà khoa học độc lập và các thành viên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phản đối, chỉ ra các điểm bất hợp lý như tên gọi của dự án là chỉnh trị dòng sông nhưng thực tế triển khai là lấn sông để xây nhà, chung cư, khách sạn…

Các ý kiến chuyên môn nhận định sông Đồng Nai là dòng sông chung của 11 tỉnh thành, chảy qua vùng kinh tế năng động và phát triển nhất cả nước là Đông Nam bộ, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân, chưa kể đang phải chịu tác động do các thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh, ô nhiễm nguồn nước… Theo đó, việc giao quyền tự quyết cho một địa phương là không hợp lý.

Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) lần thứ 3 gửi kiến nghị đến Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, chỉ ra việc lấn sông đã vi phạm luật Tài nguyên nước (2012), luật Bảo vệ môi trường (2014), luật Phòng chống thiên tai (2013) và luật Giao thông đường thủy nội địa (2014), chỉ ra báo cáo ĐTM của dự án không đáp ứng các yêu cầu pháp lý, kiến nghị dừng hẳn dự án để tránh các hệ lụy về môi trường và tiền lệ xấu cấp phép cho các hoạt động lấn chiếm sông hồ khác.

Vĩnh Long

Xem thêm: