Chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert đã đề xuất phương án lắp đặt thang hỗ trợ du khách vượt “Bức tường Việt Nam” cao 90m trong hang Sơn Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

hang Son Đoong
Mô hình lắp thang làm lối đi vượt qua Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Công ty Oxalis)

Ngày 18/5, chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert đã đề xuất với Sở Du lịch Quảng Bình về phương án lắp thang hỗ trợ khách du lịch vượt Bức tường Việt Nam (The Great wall of Viet Nam) nằm trong hang Sơn Đoòng thuộc quần thể hang động Phong Nha Kẻ Bàng – để không gây hại đến cấu trúc địa chất và tài nguyên thuộc hệ động thực vật trong hang. Phương án này đang trong quá trình thử nghiệm.

Bức tường Việt Nam là một khối thạch nhũ có niên đại hàng triệu năm tuổi, chiều cao khoảng 90m, đoạn dưới chân là vách thẳng đứng có phần khuyết vào bên trong cao 25m; 65m còn lại lên đến đỉnh có độ dốc 45 độ. Đằng sau bức tường là đoạn hang dài 600m và có lối ra cửa sau.

Theo đó, lộ trình đi xuyên hang Sơn Đoòng được nhóm chuyên gia nghiên cứu khảo sát, đánh giá và phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xác định vị trí, tính toán gồm 2 đoạn:

Đoạn 1 có độ dốc 45 độ, dài 65m: được gắn dây đai an toàn định vị thành một lối đi bộ trên nền đá vôi, không đi bộ lên những nơi có nhũ; dây, đai an toàn và thang dây để vượt đoạn này được bắt bulong nở kim loại không gỉ vào đá. Tổng cộng của đoạn này có 23 chốt khóa gắn vào vách đá, trong đó có 8 chốt mới và 15 chốt cũ đã được các chuyên gia thám hiểm hang động gắn từ năm 2010.

Đoạn 2 là bức tường thẳng đứng có chiều cao 25m: được thiết kế thang lắp ghép, mỗi đoạn 2m làm bằng vật liệu kim loại không gỉ và dễ dàng tháo gỡ khi không sử dụng. Đỉnh thang cố định vào đá vôi, chân thang cố định vào nền hang. Vì đây là đoạn thường bị ngập nước khi có mưa lớn, có khi ngập cao đến 20m, nên ông Limbert khẳng định đây là phương án tối ưu.

hang Son Đoong
Lối đi dùng các chốt đai an toàn. (Ảnh: National Geographic)

Theo chuyên gia Howard Limbert, thiết kế như trên sẽ giúp hành khách tiết kiệm thời gian đi lại và lưu trú trong hang (3km đi bộ thay vì 5km như trước). Mặt khác, việc đưa ra phương án vượt “Bức tường Việt Nam” còn nhằm các mục đích phục vụ hoạt động khảo sát, nghiên cứu bảo tồn hang Sơn Đoòng và cứu hộ cứu nạn đối với du khách khi xảy ra sự cố.

Hiện tại khi xảy ra tai nạn trong hang, phải mất hơn 1 ngày đi đường để đưa người bị nạn ra tới đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), hoặc cần tới 6 giờ để tiếp cận bãi đáp trực thăng cứu hộ. Có thang, việc hỗ trợ cứu nạn chỉ cần 2-3 giờ đi bộ là ra đến đường HồChí Minh.

Trước đó, việc tổ chức đưa khách vào khám phá hang Sơn Đoòng được UBND tỉnh Quảng Bình giao độc quyền cho Công ty Oxalis (trụ sở tại ĐT20, Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) thực hiện với tiêu chí bảo vệ nghiêm ngặt di sản thông qua việc hạn chế lượng du khách vào tham quan, khám phá.

Ban đầu, hành trình khám phá được công ty thực hiện với lộ trình từ cửa trước của hang, khi đến Bức tường Việt Nam thì quay trở ra. Đến đầu năm 2017, Công ty Oxalis được cho phép xây dựng tour khai thác từ cửa sau ra cửa trước hang Sơn Đoòng để tăng lượng khách.

Vì vậy, để du lịch xuyên hang, du khách bắt buộc phải đi qua Bức tường Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng lượng khách cộng thêm việc lên phương án du lịch xuyên hang đang gây nên mối lo ngại về những tác động đến môi trường cảnh quan và di sản.

hang Son Đoong
“Bức tường Việt Nam” trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Công ty Oxalis)

Được phát hiện vào năm 1991 bởi Hồ Khanh – một người dân địa phương, Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào. Hang Sơn Đoòng được hình thành từ khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy.

Với chiều rộng 150m, cao hơn 200m, dài gần 9km, Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Malaysia, trở thành hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài một số đoạn hang có kích thước 140m x 140m, có đoạn rộng khoảng 91,5m, cao gần 244m (có thể chứa cả tòa nhà cao 40 tầng) với nhiều cột thạch nhũ cao tới 14m, trong hang còn xuất hiện dòng sông ngầm dài 2,5 km với những cột nhũ đá cao đến 70 m và quần thể san hô, xương thú hóa thạch,…

Hang còn có hai “giếng trời”, là hai nơi mà trần bị sụp, đưa nắng chiếu vào. Điều này tạo điều kiện cho cây cối phát triển như một khu rừng nhiệt đới trong hang động, được gọi là “vườn Edam”. Đặc biệt, gần cuối hang xuất hiện một kỳ quan cực kỳ quý hiếm được đặt tên là Bức tường Việt Nam (The Great wall of Viet Nam) cao 90 m, cấu tạo từ nhũ đá có tuổi đời ước tính hàng triệu năm. Các chuyên gia hang động đánh giá đây là một kiệt tác thiên nhiên.

Trần Tâm

Xem thêm: