Hơn 10 ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến diễn biến vụ án tại Công ty Cổ phần VN Pharma. Vụ án tập trung sự chú ý bởi tính phi nhân đạo của những sai phạm liên quan trực tiếp tới sức khỏe của người bệnh, tới đạo đức ngành y.

Đáng tiếc thay, không chỉ phiên tòa xét xử sơ thẩm gây tranh cãi. Sự xuất hiện của em chồng Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Hoàng Quốc Dũng – ở VN Pharma và phản ứng của giới chức liên quan đặt dấu hỏi rằng mức độ thành tín trong xã hội Việt hiện đang ở ngưỡng nào.

bo truong bo y te
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một buổi đi thăm bệnh nhân. (Ảnh: FB Bộ trưởng Bộ Y tế)

‘Tít mù rồi lại vòng quanh’

Chiều tối 30/8, tại Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, tháng 8/2017, trả lời câu hỏi về 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita mà VN Pharma nhập lậu là thuốc giả hay kém chất lượng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết Bộ Y tế khẳng định không phải thuốc giả.

Trả lời câu hỏi về việc em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia ban lãnh đạo của Công ty VN Pharma, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Bộ trưởng không nói chứ không phải nói không có“; luật chỉ quy định cha, mẹ, chồng, con không được làm chứ không nhắc đến em chồng.

Trước đó, ngày 28/8, trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Kim Tiến cho biết: “Trong gia đình tôi, không ai tham gia công ty này cả“.

Chiều 30/8, các Báo Việt Nam Net, Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hùng –  Nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma, bị cáo chính trong vụ án VN Pharma. Ông Hùng cho biết: Em chồng Bộ trưởng Kim Tiến là phó tổng giám đốc VN Pharma, vai trò phụ trách đầu tư và xây dựng.

Tối 30/8, trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Kim Tiến nói lại: “Luật phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lý. Tôi không hề can thiệp hay biết gì về công việc kinh doanh cá nhân của em chồng“.

———

Vì sao dư luận quan tâm tới việc người thân của Bộ trưởng Bộ Kim Tiến làm hay không làm tại Công ty Vn Pharma đến vậy? Vì sao đáp lại truy vấn từ báo chí, từ Bộ trưởng tới Thứ trưởng Bộ Y tế đều né tránh trách nhiệm liên quan?

Thứ trưởng Viết Tiến mập mờ từ ngữ, có nói mà như không. Còn Bộ trưởng Kim Tiến chối quanh khi không tính em chồng là người nhà; cho hay luật phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng làm trong công ty dược; rồi lại khẳng định ông Dũng chỉ làm tại Vn Pharma 10 tháng và nghỉ sau khi công ty xảy ra sự việc bị cơ quan chức năng xác minh…

Cần nhớ rằng, trong danh sách lãnh đạo, kế toán trưởng Công ty Vn Pharma bị xét xử không có tên ông Hoàng Quốc Dũng – nếu là người vận hành chính sách thì những người đứng đầu cấp Bộ nên để pháp luật chứng minh không có điều khuất tất, thay vì tìm cách đối phó dư luận.

Cần nhớ rằng VN Pharma – công ty dược thành lập vào tháng 10/2011 với 2 tỷ đồng vốn điều lệ, song năm 2013, con số này tăng tiếp lên 40 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, VN Pharma tăng vượt bậc từ 7,4 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 230 triệu đồng (năm 2011) lên 799 tỷ đồng doanh thu và 10,6 tỷ đồng lợi nhuận (năm 2013). Tháng 5/2014, VN Pharma trúng thầu 46 mặt hàng thuốc trị giá hơn 267 tỷ đồng vào gói thầu thuốc của Sở Y tế TP.HCM. Cùng thời điểm này, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh do ông Nguyễn Minh Hùng làm phó tổng giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208 tỷ đồng cho gói thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TP.HCM…

Còn công việc hàng ngày của ông Dũng tại VN Pharma là gì? – “Là lo về mấy việc xây dựng, nhưng do chưa có xây dựng gì hết nên người ta đâu có làm gì đâu, ngồi văn phòng vậy thôi” (lời ông Hùng, theo Báo Tuổi Trẻ ngày 31/8/2017).

Bộ trưởng Kim Tiến cho hay luật không cấm em chồng tham gia vào lĩnh vực y dược. Nhưng một công ty dược thuê một người về ngồi không lĩnh lương; công ty dược “qua mặt” từ Cục quản lý dược, Bộ Y tế nhập được về 9.300 hộp thuốc giả chờ ngày xuất cùng 7 loại thuốc khác đã lọt vào nhiều bệnh viện – thì mối thân thuộc của nhân sự với quan chức đương nhiệm chỉ là một mắt xích chứ không phải toàn bộ sợi dây.

Ông Nguyễn Tất Đạt – Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược; ông Phan Công Chiến – Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược và bà Lê Thúy Hường – chuyên viên của phòng này được Viện Kiểm sát xác định là những người trực tiếp thẩm định hồ sơ cấp phép nhập khẩu lô thuốc H- Capita 500mg Caplet của VN Pharma. Chưa hết, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục quản lý Dược là người cuối cùng ký duyệt hồ sơ cấp phép nhập khẩu lô thuốc nói trên, nên không thể nói là vô can trong vụ việc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tất Đạt hồi ký cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên vào ngày 30/12/2013 mới là trưởng phòng quản lý kinh doanh dược của Cục này, nay thăng lên Phó cục trưởng Cục quản lý Dược.

Ông Trương Quốc Cường đến tháng 11/2016 vừa qua, từ chức vụ Cục trưởng Cục quản lý Dược được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế.

VN Pharma có phải là “sân sau” của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hay không? Trách nhiệm của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế trong vụ VN Pharma được thực hiện tới đâu? Buôn thuốc giả nhưng phiên tòa chỉ xét xử tội buôn lậu, làm giả hồ sơ? Không truy cứu hình sự các công chức Bộ Y tế vì đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra…? – Những câu hỏi này cần đặt ra không chỉ đối với riêng một người, đối với riêng một ngành, không chỉ đối với  riêng ngành tư pháp mà còn ngành lập pháp với khẽ hở của luật phòng chống tham nhũng hiện hành.

Thuốc giả sau  màn che thuốc lậu

Trở lại với khẳng định 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita mà VN Pharma nhập lậu không phải là thuốc giả của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vào chiều tối 30/8.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, kết quả giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế cho biết màu sắc tiêu chuẩn của thuốc H-Capita phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng.

Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc.

Qua kiểm tra lô thuốc H-Capita trên thực tế thì có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vĩ rỗng (không có viên thuốc nào), quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ.

Kết quả giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận: “Lô thuốc H-Capita 500mg Caplet nói trên chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Không có dược chất, dược liệu;

b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;

c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng  đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;

d) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Trong vụ án nhập lậu thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg Caplet, cơ quan điều tra đã xác định ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario Canada M3H1S9, Canada mà VN Pharma khai trong hồ sở gửi Cục Quản lý Dược là trụ sở của công ty sản xuất thuốc H-Capita, không hề có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc.

Khi xuất xứ hàng là giả thì không thể nói đó là hàng thật. Đối với mặt hàng thuốc, thì đó là thuốc giả. Vụ việc cần xét theo quy định tại Điều 157 Bộ Luật hình sự, tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh“, xét thêm tội “buôn lậu” quy định tại điều 153 Bộ Luật hình sự.

Việc bỏ qua tình tiết thuốc giả để chỉ xử tội buôn lậu là dấu hiệu của việc bỏ lọt tội danh.

Hiện trước sự phản ứng của dư luận và phản biện báo chí, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã rút hồ sơ vụ án lên nghiên cứu thêm, nếu thấy “có vấn đề”, việc định tội cựu Chủ tịch VN Pharma chưa đúng, cơ quan này sẽ kháng nghị.

Nhưng liệu người dân đã có thể yên tâm “VN Pharma” sẽ khép lại hay không? Người bệnh có yên tâm vốc thuốc cầm trên tay là thật, hay ngờ là giả mà vẫn phải tắt một tiếng thở dài, cho vào miệng, nuốt lấy?

Đến nay, một vụ án thuốc giả đã không còn là điều quá bất ngờ trong dân chúng. Người ta chỉ ngày càng phẫn nộ trước sự bất nhân không giới hạn mà một người, nhiều người với lương tri tối thiểu, không nên làm với đồng loại.

“Bán thuốc giả cho người bệnh” – đó là cuộc giết người nhẫn tâm và từ từ. Là giết đi niềm tin của những người dù chỉ còn lại một tia hy vọng cũng đang cố níu lấy, dù chỉ để sống thêm một phút mong manh. Là bác sỹ, thử thách triền miên của ngành là nỗi đau và tinh thần vượt qua sự bất lực để cứu chữa người bệnh tới phút cuối cùng. Nhưng đó cũng là nét đẹp cao quý nhất, thay vì đồng nghiệp phải nhìn nhau, tự hỏi tại sao lại đẩy những người khốn cùng vào tận cùng của sự vô vọng?

Lê Trai

Xem thêm: