Đây là nội dung của Quy định số 06-QĐ/TU, ngày 4/8/2017 về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XII) do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc vừa ký ban hành. 

giai quyet phan anh tham nhung qua website khong qua 5 ngay
Quang cảnh tại buổi cung cấp thông tin báo chí. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Tại hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức chiều 8/8, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thông tin về Quy định số 06-QĐ/TU ngày 4-8-2017 của Tỉnh ủy về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Quy định này quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức liên quan đến tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Quy định này áp dụng đối với cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc xem xét, xử lý các hành vi, việc làm liên quan đến tham nhũng, suy thoái trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhấn mạnh các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc công khai địa chỉ hộp thư, địa chỉ email, số điện thoại chuyên dùng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng, suy thoái của cán bộ, đảng viên tại trụ sở cơ quan và cổng thông tin điện tử thành phần của cơ quan, tổ chức, tại cổng thông tin điện tử của tỉnh: www.quangninh.gov.vn.

Khi tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái, cá nhân, đơn vị tiếp nhận không được tiết lộ nội dung tiếp nhận được cho cá nhân, cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền. Bảo đảm cho người phản ánh về bí mật thông tin, an toàn về thân thế, tính mạng, tài sản, danh dự và tránh bị trù dập hoặc bị uy hiếp.

Cơ quan tiếp nhận, giải quyết phải giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, người cung cấp thông tin và hướng dẫn họ biện pháp, cách thức giữ bí mật những thông tin đã cung cấp, tố giác.

Thời hạn giải quyết thông tin phản ánh không quá 5 ngày làm việc. Sau đó, kết quả xử lý thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức sẽ được cơ quan chức năng thông tin thông qua một trong các hình thức: đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi văn bản thông báo cho cá nhân, tổ chức có thông tin phản ánh.

Theo Điều 38, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012, trong vòng 10 ngày, người được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét xử lý và thông báo lại cho người báo cáo (tính từ ngày nhận được báo cáo).

Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.

Đáng chú ý, Điều 32 quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; Công dân có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của UBND xã, phường, thị trấn đó.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, người được yêu cầu phải cung cấp thông tin; trường hợp chưa cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã được công khai thì phải trả lời cho người yêu cầu biết.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: