UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây dựng 6 cây cầu: Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2 và cầu Giang Biên – bắc qua sông Hồng, sông Đuống với tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).

cau vuot song duong hong
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 18 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và Sông Đà. (Ảnh minh họa: tedi.vn)

Theo UBND TP. Hà Nội, việc xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống có vai trò khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5, 4, đồng thời giúp mở rộng hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 57.000 tỷ đồng, nên TP đề xuất với Chính phủ có những cơ chế đặc thù nhằm thu hút nguồn lực xã hội.

Theo đó, 6 cây cầu được UBND TP đề xuất gồm:

Cầu Tứ Liên: kết nối với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 3 km, rộng 29,5 m. Địa điểm xây dựng cầu nằm trên khu vực quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Dự kiến, thời gian hoàn thành cầu vào năm 2021.

Cầu Thượng Cát: nằm trên khu vực quận Bắc Từ Liêm có tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 4,5 km, rộng 60 m,  gồm hai điểm: điểm đầu khớp nối với dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32; điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Dự kiến hoàn thành cầu vào năm 2021.

Cầu Trần Hưng Đạo: xây dựng trên khu vực quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm với với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Cầu có chiều dài khoảng 3 km, rộng 20 m, điểm đầu tại nút giao với đường Lê Thánh Tông – Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên – Thạch Bàn, quận Long Biên.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2: có chiều dài khoảng 3,5 km, rộng 19,2 m, với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Điểm đầu cầu thuộc khu vực đê Hữu Hồng trên khu vực phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; điểm cuối, nút giao với đường Cổ Linh thuộc phường Long Biên, quận Long Biên.

Cầu Đuống 2: nằm trên khu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 0,5 km, rộng 33 m. Điểm đầu cầu nằm trên đường Ngô Gia Tự (thuộc phường Đức Giang, quận Long Biên) cách ngã rẽ lên cầu Đuống khoảng 300 m về phía Nam; điểm cuối nằm trên đường Hà Huy Tập (thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) cách ngã tư Hà Huy Tập với Phan Đăng Lưu khoảng 540 m về phía Bắc Ninh. Dự kiến thời gian hoàn thành cầu trong năm 2021.

Cầu Giang Biên : Cầu có chiều dài 5,4 km đi qua quận Long Biên, huyện Gia Lâm với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2021 hoàn thành cầu Giang Biên.

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP, đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 18 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và Sông Đà.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai 2,5; 3,5 và vành đai 4 với tổng mức đầu tư hơn 66.000 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, TP. Hà Nội dự kiến thu xếp bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên khu vực các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm… hay các khu vực lân cận nơi có dự án đi qua. Bên cạnh đó, thành phố cũng cho biết đã có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép tiến hành thực hiện các dự án này theo hình thức PPP, BT hoặc BOT.

Phạm Toàn

Xem thêm: