UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định toàn bộ nội dung về bãi xỉ thải lấn biển của Formosa được Bộ TN&MT cùng với tổ công tác giám sát đã thông tin chi tiết, khách quan.

bai xi thai lan bien cua formosa ha tinh
(Ảnh minh họa: qua bizlive.vn)

Ngày 30/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra thông cáo báo chí phát đi thông tin về bãi xỉ thải lấn biển của Formosa tại thị xã Kỳ Anh được dư luận quan tâm trong những ngày vừa qua.

Theo nội dung thông cáo, về quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của dự án Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh đã phê duyệt ngày 20/9/2010 và Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Vũng Áng – Sơn Dương giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 137/QĐ-BGTVT ngày 17/01/2012 – trong đó có khu bãi thải xỉ – là đúng thẩm quyền; về quy trình, quy định là đúng pháp luật Việt Nam.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay khi thực hiện tổng thể dự án Formosa, Bộ TN&MT đã có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường năm 2008 và năm 2015, trong đó có bãi thải xỉ. Hiện việc tổ chức thực hiện quy hoạch bãi thải xỉ như Bộ TN&MT đã thông tin ngày 28/7.

Đối với việc thực hiện chức năng chuyên ngành và quản lý nhà nước tại khu vực, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết địa phương đã phối hợp với Bộ TN&MT cùng tổ công tác giám sát của UBND tỉnh thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra, giám sát tổng thể dự án Formosa, trong đó có bãi thải xỉ nói trên.

Trước đó, ngày 28/7, Bộ TN&MT có thông tin chính thức về bãi xỉ lấn biển của Formosa tại Hà Tĩnh có khả năng chứa đến hàng triệu m3 xỉ thải.

Theo Bộ TN&MT, từ năm 2008, dự án của Formosa ở thị xã Kỳ Anh được quy hoạch bãi xỉ lấn biển có diện tích 281,6 ha. Trong quá trình thực hiện dự án, Formosa đã nghiên cứu và đề xuất phương án tái sử dụng phần lớn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh để phục vụ quá trình sản xuất, từ đó điều chỉnh diện tích xây dựng bãi xỉ chỉ còn 143 ha; phần diện tích còn lại của bãi xỉ đang được hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi thành khu vực lưu giữ nguyên liệu sản xuất cho giai đoạn 2 của dự án.

Bộ TN&MT cho hay bãi xỉ của Formosa được thi công đáp ứng tiêu chuẩn của bãi lưu giữ chất thải rắn thông thường, xung quanh bãi được xây bờ đê kiên cố bằng đá khối cao khoảng 7 m, phía trong đê được phủ hai lớp vải lọc. Lòng bãi xỉ được khảo sát địa chất, khoan 19 lỗ vào các năm 2010, 2011 và xác định có lớp sét tự nhiên có độ dày trung bình khoảng 10 m.

Bộ TN&MT đã yêu cầu Formosa nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, hoàn chỉnh bãi lưu giữ xỉ thải đảm bảo tiêu chuẩn chống thấm đối với đáy bãi; chống thẩm thấu mặt ngang; đảm bảo độ an toàn cao nhất có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần.

Bộ TN&MT cho hay trong tháng 8/2017, Formosa sẽ tiếp tục khảo sát địa chất khu vực bãi lưu giữ xỉ và trình Bộ xem xét. Hiện Formosa đang lưu giữ các loại chất thải rắn phát sinh trong khu vực lưu giữ của nhà máy theo yêu cầu của Bộ TN&MT, chưa chuyển đến bãi xỉ lấn biển.

Về các loại chất thải rắn được lưu giữ ở bãi xỉ lấn biển của Formosa, Bộ TN&MT cho biết trước thời điểm lò cao số 1 vận hành thử nghiệm, Formosa đã vận hành ổn định các hạng mục trước lò cao gồm: nhiệt điện, luyện cốc, thiêu kết,… Các loại chất thải rắn phát sinh được Formosa thực hiện thu gom, phân loại và quản lý theo quy định, chưa có hoạt động đổ thải ra bãi xỉ.

Các loại rác thải sinh hoạt được thu gom và định kỳ chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn (Hà Tĩnh). Bùn thải sinh hoạt, công nghiệp, sinh hóa và chất thải nguy hại được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh xử lý. Tro, xỉ, thạch cao, chất thải rắn, chất thải nguy hại được Formosa ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần xử lý tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình và Tập đoàn Xi măng Thành Công.

Bộ TN&MT cũng cho hay sau khi vận hành lò cao số 1 và các hạng mục công trình phụ trợ phía sau lò cao vận hành thử nghiệm (gồm luyện thép từ gang lỏng, cán thép, lò vôi,…), ngoài các loại chất thải rắn phát sinh trên, Formosa còn phát sinh một số loại chất thải rắn gồm: xỉ hạt lò cao, xỉ thép, vật liệu chịu lửa, bùn và bụi (thu hồi từ các hệ thống rửa khí lò cao và khí lò chuyển).

Về xỉ hạt lò cao, Bộ TN&MT cho biết khi lò cao số 1 đạt công suất thiết kế sẽ phát sinh khoảng 1,1 triệu tấn xỉ hạt lò cao/năm (hiện phát sinh khoảng 90.200 tấn/tháng), theo yêu cầu của Bộ, Formosa đã phân định xỉ hạt là chất thải rắn công nghiệp thông thường và đang lưu giữ an toàn tại kho chứa có nền bê tông, xung quanh có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn và được che phủ bạt. Dự kiến đến cuối tháng 8/2017, Formosa sẽ xuất khẩu ra nước ngoài 23.000 tấn xỉ hạt đầu tiên.

Đối với xỉ thép, dự kiến khi lò cao số 1 của Formosa hoạt động tới 100% công suất, lượng xỉ thép sẽ phát sinh khoảng 423.150 tấn/năm, được phân định là chất thải công nghiệp thông thường, đang được xử lý tại Trạm xử lý xỉ thép để thu hồi kim loại làm nguyên liệu cho lò chuyển, phần không thể sử dụng khoảng 34.100 tấn/năm, sẽ được lưu giữ tại bãi xỉ thải.

Theo Bộ TN&MT, tới đây khi Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn sử dụng xỉ thép, xỉ hạt lò cao làm vật liệu xây dựng thì cơ bản toàn bộ khối lượng xỉ thải của Formosa sẽ được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định, khối lượng phải lưu giữ tại bãi xỉ thải sẽ còn rất ít. Bộ TN&MT thông tin hiện Formosa vẫn đang lưu giữ an toàn các loại chất thải rắn phát sinh trong các khu vực lưu giữ của nhà máy theo yêu cầu của Bộ, chưa lưu giữ trong bãi xỉ thải lấn biển.

Kiến Huy

Xem thêm: