Trong đợt thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, trên 125.000 hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại với diện tích khoảng 158.000 ha, trong đó tôm nuôi trên 155.000 ha. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính thì không có hộ nào đủ điều kiện để được xem xét hỗ trợ thiệt hại do không thực hiện “kê khai sản xuất ban đầu”.

Đầm tôm nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bị thiệt hại trắng; độ mặn đo được lên đến 70%, tháng 5/2016. (Ảnh: baocamau.com.vn)
Đầm tôm nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bị thiệt hại trắng; độ mặn đo được lên đến 70%, tháng 5/2016. (Ảnh: baocamau.com.vn)

Đây là thông tin do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ông Trần Hồng Quân trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, chiều 6/7.

Tại cuộc họp, cử tri xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước đặt câu hỏi năm 2015 Chính phủ có chủ trương hỗ trợ thiệt hại do thiên tai cho người dân nhưng hồ sơ thủ tục phức tạp, người dân không kịp đáp ứng, theo đó, tỉnh có giải pháp hoặc kiến nghị nào để xem xét giảm bớt thủ tục cho người dân được hỗ trợ khi phải chịu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trả lời ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết trong đợt thiên tai hạn hán, mặn xâm nhập vào năm 2016 có tổng cộng khoảng 158.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó diện tích nuôi tôm là trên 155.000ha. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 09/2/2015 của Bộ Tài chính thì toàn bộ 125.000 hộ dân bị thiệt hại không nhận được hỗ trợ do không thực hiện “kê khai sản xuất ban đầu”.

Cụ thể, Điều 4 Thông tư số 05 quy định điều kiện ngân sách nhà nước hỗ trợ giống thủy sản để khôi phục sản xuất đối với vùng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm là: Căn cứ bảng kê khai thiệt hại về diện tích nuôi trồng thủy sản, hải sản bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng đã được đối chiếu với đăng ký kê khai sản xuất ban đầu của nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hải sản)

Sau đó, Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm chính quyền cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của huyện để lập biên bản kiểm tra, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

Do người dân bị thiệt hại không “Đăng ký kê khai sản xuất ban đầu”, UBND tỉnh cho biết đã chỉ đạo theo hướng mở so với quy định của Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 14/3/2016 của Bộ Tài chính; cụ thể: Trường hợp hộ dân bị thiệt hại không “Đăng ký kê khai sản xuất ban đầu”, thì phải có chứng từ khác chứng minh đã có sản xuất như: Hóa đơn, chứng từ mua giống, mua thức ăn. Tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh quy định về điều kiện hỗ trợ.

Sau đó, Bộ Tài chính có công văn số 16620/BTC-NSNN ngày 22/11/2016, trong đó cho hay do đặc thù của hoạt động nuôi trồng thủy sản, mức hỗ trợ giống thủy sản là rất khác nhau (mức hỗ trợ giống thủy sản từ 2-60 triệu đồng/ha tùy loại thủy sản (cá, tôm, ngao), hình thức nuôi trồng (quảng canh hay thâm canh), mức độ thiệt hại (từ 30-70% hay trên 70%). Theo đó, việc quy định phải đối chiếu diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại với đăng ký kê khai sản xuất ban đầu là “để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chế độ, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực, tránh hiện tượng khai khống diện tích, khai khống mức độ thiệt hại để trục lợi” – Bộ Tài chính cho hay.

Cũng theo văn bản, Bộ Tài chính cho biết đối với trường hợp người dân chưa đăng ký kê khai ban đầu, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ hóa đơn, chứng từ chứng minh có sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân để xác định mức độ thiệt hại, làm cơ sở để hỗ trợ thiệt hại. 

Tuy nhiên, theo xác nhận của UBND tỉnh, thì tất cả các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiệt hại thời gian qua đều không đủ điều kiện được hỗ trợ.

Hướng giải quyết tiếp theo của tỉnh là ra một số văn bản chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người dân đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, trong đó gần đây nhất là Công văn số 5056/UBND-NNTN ngày 29/6/2017 về việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân kê khai sản xuất ban đầu.

Trước đó, vào tháng 5/2016, tỉnh Cà Mau công bố thiên tai cấp độ 2 trên nuôi trồng thủy sản. Thời gian xảy ra thiên tai từ 1/2 – 15/5/2016.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau vào thời điểm trên, độ mặn trên các tuyến sông từ 36-42‰, trong ao, đầm nuôi tôm, độ mặn dao động từ 40-55‰, có nơi lên đến 60‰. Nắng gắt và độ mặn tăng cao làm dịch bệnh phát sinh. Trên 52.400 ha tôm nuôi – chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh – đã bị thiệt hại. Trong đó, hơn 17.600 ha tôm chết từ 70% trở lên; hơn 34.800 ha tôm chết từ 30-70%.

Theo tính toán của Sở, nếu ước chi phí nuôi tôm khoảng 5 triệu đồng/ha thì tổng thiệt hại của số tôm bị chết nêu trên là khoảng 260 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết về tình hình tôm xuất khẩu của tỉnh. Trong thời gian qua, số lượng tôm xuất khẩu bị trả về là khá lớn: năm 2015, ước khoảng 5.000 tấn bị các nước trả hàng hoặc bị cảnh báo về chất lượng, năm 2016 có khoảng 4.000 tấn.

Theo lãnh đạo tỉnh, nguyên nhân chính khiến hàng bị trả vềlà do rào cản kỹ thuật các nước đặt ra quá khắt khe; việc lạm dụng sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi; hàng hóa còn bị nhiễm vi sinh do trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra hóa chất, kháng sinh cấm trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền người dân nuôi tôm theo chuỗi liên kết và an toàn sinh học, kiểm tra chặt từ khâu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.

Vĩnh Long

Xem thêm: